Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyên gia: Tội phạm ‘thế giới ngầm’ mua bán vũ khí tự chế để giải quyết ân oán

(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng, tội phạm trang bị súng tự chế để phòng thân khi tham gia đời sống của "thế giới ngầm", giải quyết mâu thuẫn, dẫn đến các vụ án nghiêm trọng.

Video: Rao bán súng tự chế tràn lan trên mạng xã hội

Trả lời phỏng vấn VTC News, Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an) - cho rằng, việc dễ dàng tìm mua và sử dụng các loại súng quân dụng, súng tự chế và các loại vũ khí tự vệ khác hay học làm súng tự chế qua mạng xã hội tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, cần phải ngăn chặn.

- Xin ông cho biết về tình trạng xuất hiện nhiều clip hướng dẫn cách làm súng tự chế hay buôn bán vũ khí tự chế công khai trên các nền tảng Internet, mạng xã hội?

Hầu hết các loại súng tự chế hiện nay đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con người bởi có tính sát thương rất cao, không thua kém vũ khí quân dụng.

Ở nước ta, thực trạng chế tạo, buôn bán súng tự chế nói riêng và các loại vũ khí tự vệ nói chung diễn ra trong nhiều năm qua và ngày càng tinh vi, phức tạp. 

Sở dĩ loại vũ khí thô sơ này được nhiều đối tượng “nhắm” đến vì việc chế tạo khá dễ dàng. Chỉ cần một clip hướng dẫn trên mạng Internet và một số linh kiện có thể mua bất cứ ở đâu là có thể làm ra một khẩu súng tự chế. 

Điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên thực tế, rất nhiều vụ án đã diễn ra và để lại hậu quả đáng tiếc đều liên quan những loại súng tự chế này.  

Đối tượng mua và sử dụng súng tự chế rất đa dạng. Có thể phân loại thành những nhóm đối tượng như sau: Nhóm đối tượng hoạt động phạm tội hiện hành, nhóm đối tượng dùng súng để săn bắn.

Đặc biệt, nhóm đối tượng thuộc lứa tuổi thanh, thiếu niên là nhóm mua bán và sử dụng súng nhiều nhất. Việc sở hữu công cụ có tính năng gây sát thương đang là nhu cầu của những nhóm đối tượng này.

Trung tá Đào Trung Hiếu - chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an).

- Vì sao tội phạm có xu hướng mua bán và sử dụng các loại vũ khí tự chế, súng tự chế ngày càng gia tăng, đặc biệt ở lứa tuổi thanh, thiếu niên?

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn nằm ở bảo vệ bản thân, thanh toán ân oán, mâu thuẫn. Đối với những nhóm đối tượng hoạt động phạm tội hiện hành, chúng cần phải có phương tiện phòng thân khi tham gia hoạt động trong "thế giới ngầm".

Sẽ rất nguy hiểm khi các loại súng tự chế rơi vào tay tội phạm. Chúng có thể sử dụng để cướp bóc, thanh toán lẫn nhau hay tấn công lại lực lượng chức năng khi bị truy bắt.  

Đối với nhóm đối tượng thanh, thiếu niên, dù nhiều em chưa hề có tiền án, tiền sự nhưng vẫn tìm kiếm để mua và sử dụng súng tự chế. Đây là điều đáng quan ngại bởi đối với lứa tuổi này, sở hữu một khẩu súng biểu hiện của sự đua đòi, mong muốn thể hiện bản lĩnh, cái tôi của cá nhân.

Ở lứa tuổi này, cái tôi cao, cộng thêm sự bốc đồng của tuổi trẻ, khi gặp phải những tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ nhặt trong đời sống, các đối tượng sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để giải quyết. 

Ví dụ, thanh, thiếu niên nếu trong người có súng tự chế, sẵn sàng rút ra để bắn người khác khi va chạm giao thông hay xích mích vấn đề gì đó. Hoặc đơn thuần chỉ là mâu thuẫn va chạm, bạo lực học đường, các đối tượng có thể tìm mua những loại súng tự chế để trả thù.

Điều này có thể gây ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác. 

- Dù đã có những quy định của pháp luật để quản lý, tình trạng buôn bán trái phép vũ khí vẫn diễn ra ngang nhiên, nhất là giao dịch qua mạng xã hội. Liệu có phải đang tồn tại những lỗ hổng để các đối tượng “lách luật” không, thưa ông? 

Như tôi đã nói, trong những năm qua, thủ đoạn buôn bán vũ khí tự chế của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Mạng xã hội có những clip hướng dẫn chế tạo súng tự chế. Ai có nhu cầu, có thể đặt mua. 

Tôi cho rằng, dù đã có những quy định của pháp luật, cũng như chế tài xử phạt, nhưng vì lợi nhuận cao nên các đối tượng sẵn sàng tìm đủ mọi cách để "lách luật", buôn bán vũ khí tự vệ, quân dụng nói chung và súng tự chế nói riêng. Chúng sẵn sàng giao súng đến tận nhà, thông qua nhiều thủ đoạn khác nhau. Thường gặp nhất vẫn là tháo rời linh kiện, gửi theo nhiều đường khác nhau và có video hướng dẫn sau khi nhận được hàng.

Điều này trốn tránh được sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Trong trường hợp bị phát hiện, lực lượng chức năng sẽ không đủ căn cứ xử lý vì chưa hình thành được khẩu súng và đối tượng sẽ lách được việc xử lý của pháp luật. 

- Vậy cần có thêm biện pháp nào nhằm kiểm soát, ngăn chặn tận gốc thực trạng trên, thưa ông?

Việc hướng dẫn, mua bán súng tự chế trên mạng hiện nay rất đáng báo động. Các ngành chức năng cần tăng cường nắm tình hình trên không gian mạng. Các đơn vị nghiệp vụ phải trinh sát kỹ thuật, tìm hiểu trên nhóm kín liên quan súng đạn trên không gian mạng, điều tra xác minh và lập chuyên án để bắt những đối tượng có hành vi trên. 

Nhà mạng, đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần phải xóa, gỡ clip hướng dẫn chế tạo súng, cũng như tài khoản đăng tải nội dung này. Nếu những đối tượng đưa ra thông tin mua bán súng nhưng thực tế là chiếm đoạt tiền, có thể xử lý về hành vi lừa đảo. 

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức của mình. Nếu phát hiện thông tin, diễn đàn đăng tải thông tin mua bán, hướng dẫn sản xuất, người dân cần phải báo cho cơ quan chức năng để đấu tranh xử lý.

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho biết, khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định, nghiêm cấm hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí (trong đó có súng săn) mà không quy định đối tượng được trang bị, sử dụng súng săn. Vì vậy, việc sở hữu, tàng trữ, sử dụng súng săn là trái pháp luật.

"Người nào chế tạo, sử dụng trái phép súng tự chế mà súng đó được giám định kết luận là vũ khí quân dụng” thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” theo Điều 304 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt tù từ 1 năm đến 7 năm ở khoản 1; từ 5 năm đến 12 năm ở khoản 2; từ 10 năm đến 15 năm ở khoản 3; tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân ở khoản 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú 1 - 5 năm", luật sư Bình thông tin.

Việc sử dụng súng tự chế gây tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của người khác, tuỳ mức độ hành vi, hậu quả thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” hoặc tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Nếu hành vi chế tạo, sử dụng trái phép vũ khí tự chế chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền có thể lên đến 40 triệu đồng và bị tịch thu tang vật.

Đàm Linh

Tin mới