Chuyên gia David Dodwell là Giám đốc điều hành của công ty tư vấn chính sách thương mại và quan hệ quốc tế Tiếp cận Chiến lược, tập trung về những phát triển và thách thức mà châu Á-Thái Bình Dương phải đối mặt trong bốn thập kỷ qua.
Tổng thống Ukraine phát biểu qua video tại cuộc họp diễn đàn kinh tế thế giới. (Ảnh: dpa)
Trong bài bình luận trên South China Morning Post, ông Dodwell cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp trên thế giới dường như đang quá lạc quan vào tình hình kinh tế trong năm 2023, khi các tổ chức như IMF dự đoán EU có thể thoát khỏi suy thoái, và nhiều người cảm thấy vui mừng vì Trung Quốc đã mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, những thiệt hại mà Ukraine, châu Âu và thế giới đã phải chịu là không thể đảo ngược, và quá trình phục hồi sẽ mất nhiều năm liền, chuyên gia này nhận định.
Năm đầy thách thức
“Xét cho cùng, các bằng chứng vẫn chỉ ra rằng năm 2023 là một năm đầy thách thức nghiêm trọng, tăng trưởng chậm và có thể là suy thoái, lạm phát làm mòn sức tiêu dùng và thu nhập của các hộ gia đình, cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục tác động, áp lực nóng lên toàn cầu và chi phí xây dựng lại hệ thống chăm sóc sức khỏe sau COVID-19”, Dodwell nói.
Nhưng trong khi IMF hiện đang dự đoán rằng Liên minh châu Âu có thể thoát khỏi suy thoái một chút, hầu hết các nền kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất thế giới vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân sách tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, thuế và các khoản thu khác giảm mạnh và áp lực chi tiêu không ngừng gia tăng, chuyên gia giải thích.
Dường như hai yếu tố khiến diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos có không khí tích cực là việc Trung Quốc nới lỏng các chính sách “không COVID” và xung đột Nga – Ukraine có thể đi đến hồi kết, nhưng theo chuyên gia, những điều này là chưa đủ để có cái nhìn tích cực về triển vọng kinh tế thế giới.
Đầu tiên, “không còn nghi ngờ gì nữa, việc Trung Quốc mở cửa trở lại tất nhiên sẽ mang lại sự kích thích quan trọng cho nền kinh tế thế giới và các chuỗi cung ứng bị hư hại. Nhưng điều này sẽ mất thời gian. Trong khi đó, xung đột thương mại và công nghệ cơ bản hơn giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn và dường như sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn”, ông Dodwell cho biết.
Thứ hai, chuyên gia cho rằng dù xung đột Nga – Ukraine diễn biến theo chiều hướng nào, kinh tế toàn cầu vẫn khó phục hồi trong một sớm một chiều.
“Chỉ có thể có ba kịch bản nhiều khả năng xảy ra tại Ukraine trong năm tới: Thứ nhất, kịch bản 'vũng lấy – một cuộc chiến tranh trên bộ tiêu hao không phân thắng bại sẽ tiếp tục diễn ra, như đã diễn ra trong 12 tháng qua. Thứ hai, trong các cuộc tấn công mùa xuân như đã được dự báo, Nga có thể áp đảo Ukraine và giành kiểm soát phần lớn. Thứ ba, các lực lượng của Ukraine, được hỗ trợ bởi khí tài và hậu cần của NATO, có thể giành kiểm soát Crimea và phía đông...”, chuyên gia nói.
“Chắc chắn là ngây thơ khi tin rằng điều này sẽ góp phần vào bất kỳ sự phục hồi sớm nào của kinh tế toàn cầu, hoặc có thể là cơ sở để lạc quan về kinh tế. Như một bài báo của Atlantic Council gần đây đã kết luận, ‘điều chắc chắn duy nhất về cuộc chiến ở Ukraine là tất cả những điều chắc chắn đã bị phá vỡ”.
Sự thật phũ phàng
Theo chuyên gia, sự thật phũ phàng là cả ba kịch bản của xung đột tại Ukraine đều chỉ ra khó khăn nghiêm trọng trên khắp châu Âu trong tương lai gần, trong khi tác hại với nền kinh tế toàn cầu là không thể tránh khỏi.
Nếu kết quả nghiêng về bất kỳ bên nào, điều đó cũng có thể khiến khủng hoảng xảy ra, trật tự thế giới thay đổi. Các nước và các khối như NATO buộc phải xem xét lại toàn bộ các chính sách quốc phòng và chi tiêu cho mọi nền kinh tế châu Âu. Một “bức màn sắt mới” cũng có thể hình thành.
Một kết quả “sa lầy” cũng kinh khủng không kém. Theo đánh giá của David Uren tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, các ước tính của Ngân hàng Thế giới và EU cho thấy rằng thiệt hại trực tiếp đối với Ukraine cho đến tháng 8/2022 đã lên tới 100 tỷ USD, và họ cũng thiệt hại từ 250 tỷ USD trở lên do tổn thất nông nghiệp, ô nhiễm đất đai và người dân phải thay đổi chỗ ở.
Doanh thu từ thuế của nước này giảm 27%, chi phí chi tiêu tăng 40% và GDP giảm 40%. Còn theo ước tính của OECD, nền kinh tế toàn cầu bị thu hẹp 2,8 nghìn tỷ USD trong suốt năm 2022 vì chiến tranh. “Thật khó để tưởng tượng hậu quả của một năm bế tắc tiêu hao nữa”, chuyên gia nói.