Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Năm 2022, VN-Index sẽ lên vùng 1.750 điểm, thị trường phân hóa lớn

(VTC News) -

Thị trường chứng khoán Việt còn nhiều dư địa tăng trưởng và VN-Index có thể đạt mức 1.700 - 1.750 điểm trong năm 2022.

Nhận định trên được ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VN-Driect, chia sẻ với VTC News trong ngày đầu năm mới về triển vọng thị trường chứng khoán Việt năm 2022.

Ông Hinh nói: “Tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng và kỳ vọng VN-Index có thể đạt mức 1.700-1.750 điểm trong năm tới, dựa trên các giả định P/E của VN-Index vào khoảng 16,0-16,5”.

- Thị trường chứng khoán gần đây diễn biến rất tích cực, ông cho rằng động lực đến từ đâu?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm rất thành công với việc chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng gần 36% kể từ đầu năm và thuộc nhóm những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô & chiến lược thị trường của VN-Driect. (Ảnh: Fili)

Theo quan điểm của chúng tôi, sự bùng nổ của thị trường trong 2021 được hậu thuẫn bởi: Sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty niêm yết trong 9 tháng đầu năm bất chấp đại dịch, môi trường lãi suất thấp đã khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ quan tâm hơn đến thị trường chứng khoán và tốc độ bao phủ tiêm chủng tăng nhanh giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và quá trình phục hồi kinh tế.

- Nhìn lại thị trường từ đầu năm, ông có thể chỉ ra những điều đặc biệt nhất?

Những điểm nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm vừa qua bao gồm:

Chỉ số VN-Index đạt mức tăng gần 36%, chỉ số HNX-Index và UPCOM-Index thậm chí còn tăng mạnh hơn, đạt mức tăng lần lượt là 133% và 51,3% kể từ đầu năm.

Thanh khoản bùng nổ là điểm nổi bật của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2021 (chốt phiên ngày 22/12) tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ do dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ mạnh vào thị trường chứng khoán. Hiện thanh khoản của thị trường cổ phiếu Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Thái Lan.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 1.306.497 tài khoản chứng khoán trong 11 tháng đầu năm, tăng 297% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tài khoản chứng khoán trên quy mô dân số đã tăng mạnh từ mức dưới 3% hồi đầu năm lên mức 4,2% tại thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, đối lập với dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng trên thị trường trong 2021 với giá trị bán ròng khoảng 2,6 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2020.

- Chứng khoán năm 2022 sẽ diễn biến thế nào, thưa ông?

Chúng tôi nhận thấy một số yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2022, bao gồm:

Tăng trưởng lợi nhuận cao trong giai đoạn 2022-23 là bệ phóng vững chắc cho các chỉ số chứng khoán. Chỉ số EPS năm 2022 của các công ty niêm yết trên HoSE được dự báo sẽ duy trì ở mức cao khoảng 23% so với cùng kỳ. Một số ngành dự kiến có sự cải thiện mạnh mẽ về tăng trưởng lợi nhuận, bao gồm hàng hóa công nghiệp và dịch vụ, bán lẻ và bất động sản. Với năm 2023, tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HoSE được dự báo ở mức 19% so với cùng kỳ, vẫn cao hơn tăng trưởng bình quân 12%/năm trong giai đoạn 2017-2020.

Nhà đầu tư cần giành nhiều công sức để lựa chọn phương pháp đầu tư phù hợp cũng như xây dựng cho mình một danh mục đầu tư thật sự chất lượng.

Ông Đinh Quang Hinh

Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước có thể tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn đang ở vùng thấp lịch sử. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng thương mại bình quân ở mức 5,5%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm bình quân giai đoạn 2017-2019 (trước đại dịch COVID-19) là 6,8%-7,0%/năm.

Mặc dù lãi suất huy động được dự báo có thể tăng nhẹ 30-50 điểm cơ bản trong năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất trước đại dịch. Trong bối cảnh lãi suất huy động thấp, nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có lợi suất cao hơn; tiêu biểu là đầu tư chứng khoán.

Các tính năng mới dự kiến được triển khai nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022 như mua bán chứng khoán cùng phiên, bán chứng khoán chờ về. Hệ thống giao dịch mới cũng giúp giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt, từ đó có thể thúc đẩy dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam.

Với những yếu tố hỗ trợ trên, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm tới và kỳ vọng VN-Index có thể đạt mức 1.700-1.750 điểm trong năm 2022, dựa trên các giả định P/E của VN-Index vào khoảng 16,0-16,5 lần vào cuối năm 2022 (tương đương với mức định giá bình quân các năm gần đây).

- VN-Index được nhiều nhóm phân tích đặt kỳ vọng tăng tiếp, nhưng theo ông thị trường cần chú ý điều gì?

Chúng tôi cho rằng năm tới sẽ không còn lặp lại kịch bản “cứ mua là thắng” của năm 2021 và đà tăng của thị trường sẽ có sự phân hóa lớn hơn. Do đó, nhà đầu tư cần giành nhiều công sức để lựa chọn phương pháp đầu tư phù hợp cũng như xây dựng cho mình một danh mục đầu tư thật sự chất lượng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần chú trọng đến việc quản trị rủi ro danh mục cũng như liên tục trau dồi thêm kiến thức liên quan đến phân tích doanh nghiệp và đầu tư chứng khoán.

Với năm 2022, chúng tôi đưa ra 4 chủ điểm đầu tư chính cho nhà đầu tư tham khảo.

Giá một số loại hàng hóa có thể duy trì ở mức cao trong năm tới do tình trạng mất cân bằng cung cầu vẫn tiếp diễn, đặc biệt trong nửa đầu năm 2022. Chúng tôi tin rằng các công ty trong ngành dầu khí và xuất khẩu hàng hóa sẽ được hưởng lợi từ giá hàng hóa neo cao.

Đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài. Chúng tôi cho rằng đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và năng lượng sẽ là điểm nhấn trong hai năm tới. Các công ty trong ngành phát triển năng lượng, xây dựng hạ tầng giao thông, bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và logistic sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.

Sự trỗi dậy của kinh tế số trong “bình thường mới”. Chúng tôi nhận thấy đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam nhanh gấp nhiều lần so với trước đây và vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong vài năm tới. Các công ty có vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội từ sự trỗi dậy của kinh tế số cũng như các công ty có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với nhu cầu “số hóa” của người tiêu dùng sẽ vượt trội hơn so với các đối thủ khác.

Chủ đề cuối liên quan đến sự phục hồi của tiêu dùng nội địa thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ. Chúng tôi kỳ vọng tất cả các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý II/2022 sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 70% dân số. Bên cạnh đó, gói kích cầu của Chính phủ nếu được thông qua sẽ tiếp sức thêm cho sự phục hồi của ngành dịch vụ. Chúng tôi đánh giá ngành bán lẻ và thực phẩm và đồ uống sẽ được hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của tiêu dùng trong nước.

Hòa Bình

Tin mới