Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại năm 2021 với nhiều kỷ lục bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Kết thúc năm, VN-Index tăng gần 36% để trở thành một trong những thị trường tăng mạnh nhất thế giới.
Chỉ số lần lượt phá đỉnh lịch sử để leo lên các mốc mới, đạt mức cao nhất hơn 1.500 điểm. Thanh khoản cũng là điểm nhấn khi tổng giá trị giao dịch toàn thị trường lần đầu vượt 1 tỷ USD hồi tháng 4 rồi tiếp tục đi lên mức kỷ lục 2,5 tỷ USD.
Khép lại một năm bùng nổ, chứng khoán trong nước vẫn đang đứng trước cơ hội mới để có thể tiếp tục chinh phục các kỷ lục mới trong năm 2022. Các đơn vị phân tích và chuyên gia chứng khoán đang kỳ vọng về một thị trường sẽ còn phát triển mạnh hơn và hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Về mặt điểm số, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cao cấp KIS Việt Nam - dự báo VN-Index phần lớn thời gian sẽ dao động trong vùng 1.500-1.600 điểm. Tuy nhiên thực tế thị trường hoàn toàn có thể vượt ra khuôn khổ này khi tâm lý nhà đầu tư quá đà.
Yếu tố tích cực là gói kích cầu kinh tế sắp được thông qua và 2022 sẽ là năm bản lề để khởi động giải ngân. Dòng tiền theo đó sẽ thẩm thấu vào nền kinh tế và dẫn thẳng đến các doanh nghiệp, từ đó kích thích dòng vốn của nhà đầu tư.
Vị chuyên gia tin tưởng Chính phủ đang kiểm soát tốt dịch bệnh nên khó xảy ra chuyện giãn cách xã hội diện rộng giúp nền kinh tế ổn định hơn, lợi nhuận doanh nghiệp tốt hơn kéo theo dự phóng EPS cao hơn. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như hệ thống ngân hàng dần hồi phục, đầu tư công được đẩy mạnh, chứng khoán Việt Nam được cân nhắc vào thị trường mới nổi…
“Dù vậy thị trường cũng có nhiều lực cản bởi nhà đầu tư lo ngại về cung tiền tăng lên sẽ gây ra lạm phát khi Quốc hội thông qua gói kích cầu. Yếu tố khác là Fed phát đi tín hiệu có thể hạn chế bơm tiền vào nền kinh tế khiến giới đầu tư tài chính quan ngại. Fed dự định có 3 lần tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến nhà đầu tư trên thế giới và cả Việt Nam”, ông Phương nêu một số lực cản lớn.
VN-Index liên tiếp lập đỉnh trong năm chứng khoán thăng hoa. Đồ thị: TradingView. |
Còn theo quan điểm của ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment - thị trường chứng khoán hiện tại ở Mid Cycle (giai đoạn giữa tăng trưởng), đặc trưng của giai đoạn này là thị trường khó tăng mạnh với mức bình quân quanh 10%/năm.
Do đó ông dự đoán thị trường sẽ dao động trong vùng 1.400-1.700 điểm trong năm 2022. Các sự kiện cần lưu ý là vấn đề dịch bệnh COVID-19 có trầm trọng hơn hay không, cũng như lạm phát và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Hội sở Mirae Assets - lạc quan hơn khi cho rằng VN-Index có thể dao động trong vùng định giá P/E ở mức 17-19 lần, tương đương khoảng 1.600-1.800 điểm trong năm mới.
Dự báo này dựa trên mức dự phóng tăng trưởng EPS cho năm 2022 vào khoảng 25% cho toàn thị trường và P/E hiện chỉ quanh 17 lần. Do đó, định giá cho năm mới đang trở nên hấp dẫn và sẽ phản ánh tăng trưởng về cuối năm.
Giám đốc Mirae Assets cũng lưu ý nhà đầu tư về các sự kiện lớn có thể gây bất ngờ như tác động của biến chủng Omicron, chính sách của Fed và kinh tế Trung Quốc với hiệu ứng đòn bẩy bất động sản. Cùng với đó là các yếu tố trong nước như gói kích cầu, nới room ngân hàng và các thương vụ M&A lớn.
Chứng khoán Việt Nam đạt đỉnh nhưng mức định giá hiện tại vẫn chưa phải quá cao do kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp niêm yết cũng tăng trưởng vượt bậc. Định giá P/E của thị trường khi đạt đỉnh năm 2007 lên đến 34 lần hay định giá tại đỉnh năm 2018 ở mức 22 lần. Trong khi lần đạt đỉnh năm 2021 thì P/E cũng chỉ quanh 17 lần và kéo dài đến nay.
"Nghẽn lệnh" là từ khóa nóng nhất trên các diễn đàn chứng khoán kể từ cuối 2020 và đặc biệt trong nửa đầu năm 2021 khi lượng vốn lớn từ nhà đầu tư mới gia nhập. Giải pháp kỹ thuật mới của HoSE từ đầu tháng 7 đã giúp thanh khoản được cởi trói và xác lập những kỷ lục mới.
Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường trong năm 2021 ở mức quanh 26.200 tỷ đồng/phiên, cao nhất trong suốt 21 năm vận hành thị trường. Kỷ lục cao nhất được xác lập phiên 26/11 còn có giá trị lên đến 56.300 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD).
Quy mô mở rộng được cho là nhờ sự tham gia ngày càng lớn của nhà đầu tư mới (F0). Tổng tài khoản cá nhân trong nước mở mới đạt kỷ lục hơn 1,3 triệu đơn vị trong 11 tháng đầu năm, gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020.
Dự báo cho năm 2022, ông Lã Giang Trung Thanh tin rằng thanh khoản nếu có tăng thì cũng sẽ khó tăng mạnh vì hiện tại chính sách tiền tệ đã nới lỏng khá nhiều, dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ theo đó không còn nhiều.
“Thậm chí nếu chính sách tiền tệ thay đổi thì thanh khoản có thể bị thu hẹp dần vào cuối năm 2022. Làn sóng nhà đầu tư mới cũng sẽ không còn mạnh mẽ nữa vì những ai muốn thử tham gia thị trường thì phần lớn cũng tham gia rồi, do đó dòng tiền vào thị trường không còn đột biến nữa”, CEO Passion Investment nhận định.
Đồng quan điểm, ông Trương Hiền Phương cho rằng thị trường vẫn còn thu hút nhà đầu tư mới nhưng mức độ sẵn sàng tham gia sẽ giảm dần, không còn bùng nổ mà sẽ ổn định ở một mức nào đó, không còn gây nhiều bất ngờ.
Do đó thanh khoản sẽ chưa có đột phá hơn nữa trong năm 2022 và phụ thuộc vào từng thời điểm. Nếu thị trường tốt thì nhà đầu tư sẽ đẩy mạnh giao dịch tạo nên những phiên bùng nổ, nhưng nếu thị trường ít cơ hội hay điều chỉnh thì dòng tiền rút nhanh.
Tương tự, ông Huỳnh Minh Tuấn dự báo tốc độ tăng trưởng nhà đầu tư sẽ có dấu hiệu hạ nhiệt nhẹ khi nền kinh tế được kỳ vọng phục hồi rõ nét trong năm 2022, nhà đầu tư chú trọng hơn vào các hoạt động kinh doanh khác do đã thích nghi được với đại dịch.
“Tuy nhiên dòng tiền tìm tới kênh đầu tư chứng khoán vẫn sẽ gia tăng khi ý thức về một lớp tài sản chất lượng và thanh khoản cao như chứng khoán đã được nhìn nhận. Có thể nói Việt Nam đã và đang đi vào trạng thái xã hội hóa đầu tư chứng khoán, vì vậy làn sóng F0 vẫn sẽ tiếp diễn. Thanh khoản trung bình sẽ rơi vào khoảng 1,5 tỷ USD/phiên”, Giám đốc Mirae Assets phân tích.
Thị trường chứng khoán thăng hoa nhờ sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước nội. Nhưng ở chiều hướng khác, năm 2021 lại là một câu chuyện kém vui của dòng vốn ngoại khi họ bán ròng kỷ lục hơn 60.000 tỷ đồng.
Điều ít lo ngại là xu thế này cũng đang diễn trên nhiều thị trường chứng khoán toàn cầu, đồng thời dòng tiền vẫn ở lại thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội chứ chưa rút ròng quá lớn. Bên cạnh đó, lượng bán ròng này cũng được khối nội hấp thụ khối nội hấp thụ hết nên không còn tác động nhiều tới tâm lý nhà đầu tư như trước đây.
Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng kỷ lục 60.000 tỷ đồng năm 2021. Ảnh: Hoàng Hà.
Ông Huỳnh Minh Tuấn dự báo năm 2022 có thể là năm mua ròng hay nói cách khác là “năm quay xe” của khối ngoại sau 2 năm bán ròng miệt mài vừa qua.
“Nền tảng của việc này tới từ nhiều yếu tố cộng hưởng như Fed siết chính sách tiền tệ, Covid-19 được thích nghi hay gói kích cầu tổng thể của Việt Nam đi kèm một số chính sách mới như nới room ngân hàng, hệ thống giao dịch mới và sản phẩm tài chính mới ra đời…”, vị giám đốc giải thích.
Ông Trương Hiền Phương cho rằng dự báo khối ngoại còn phải chờ xem thêm chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên ông tin rằng khối ngoại sẽ giảm bán ròng rất nhiều trong năm 2022, đôi khi có thể quay lại mua ròng nhưng không quá mạnh mẽ.
Giám đốc KIS Việt Nam dẫn giải việc khối ngoại bán ròng đến từ cơ cấu danh mục chứ không thể hiện việc họ rút ròng ra thị trường Việt Nam, ngoại trừ một số quỹ ETF rút ròng. Việc đảo chiều cũng có thể xảy ra khi nền kinh tế hồi phục sẽ tạo niềm tin cho dòng vốn ngoại trở lại.
“Bên cạnh đó việc HoSE có thể áp dụng hệ thống giao dịch mới từ Hàn Quốc sẽ giúp thị trường giao dịch trơn tru hơn. Trước đây họ còn e ngại thì khi hệ thống hoạt động trơn tru sẽ là điểm tựa cho các quỹ đầu tư mạnh dạn giải ngân và đổ tiền nhiều hơn nữa vào thị trường”, ông Phương bổ sung.
Có phần trái chiều, ông Lã Giang Trung nhận định nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng vẫn tiếp tục bán ròng ở thị trường Việt Nam trong năm 2022, khi mà lãi suất ở các nước trên thế giới tăng lên và kênh đầu tư chứng khoán sẽ giảm dần sự hấp dẫn.
Năm 2021 là sự "điên rồ" của dòng tiền khi lần lượt tham gia thị trường và luân chuyển liên tục giữa các cổ phiếu khác nhau. Hàng loạt nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, y dược, hàng hóa... thay nhau nổi sóng trong năm qua.
Tuy nhiên sự phân hóa đã diễn ra ngày càng rõ nét, không chỉ giữa các ngành mà phân hóa giữa các doanh nghiệp trong một ngành. Do đó, lựa chọn đầu tư cho năm 2022 được dự báo cần nhiều sự chọn lọc hơn và đi sâu hơn vào từng doanh nghiệp.
Theo quan điểm của ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà đầu tư có thể quan tâm các cổ phiếu hưởng lợi lớn từ sự phục hồi kinh tế như nhóm hưởng lợi từ đầu tư công, đầu tư hạ tầng, tài chính ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp và xuất khẩu.
Dựa trên tính chất chu kỳ, ông Lã Giang Trung dự báo ngành bất động sản và xây dựng tiếp tục được hưởng lợi trong năm 2022, đây là nhóm có thể quan tâm nếu giá cổ phiếu không tăng quá cao. Ngoài ra, nhóm bán lẻ cũng được hưởng lợi khi nền kinh tế hồi phục dần sau dịch.
Ông Trương Hiền Phương nêu quan điểm các ngành dẫn sóng có thể là sắt thép và bất động sản khu công nghiệp khi làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam tăng lên và Việt Nam chủ trương “lót ổ đón đại bàng”.
Ông bổ sung thêm ngành chứng khoán cũng sẽ dẫn sóng, nhờ thanh khoản cao như hiện tại thì doanh thu môi giới rất lớn. Nhà đầu tư vẫn tiếp tục tham gia thị trường khiến nhu cầu margin tăng cao khiến công ty chứng khoán chạy đua tăng vốn để đón đầu nhu cầu. Ngoài ra nhu cầu M&A, phát hành cổ phiếu, trái phiếu… diễn ra liên tục cũng hỗ trợ doanh thu dịch vụ cho khối ngành chứng khoán.