Hôm nay (18/4), các tỉnh, thành miền Bắc trời trở rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 16-19 độ C, vùng núi có nơi giảm còn 13 độ C. Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, nền nhiệt này tiếp tục duy trì trong ngày mai. Hình thái thời tiết bất thường này khiến nhiều người ngạc nhiên bởi hiện tại đang là đầu mùa hè.
Trả lời VTC News, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan cho biết, năm nay, mùa đông kéo dài, thậm chí gối qua mùa xuân. Đến giữa tháng 4, miền Bắc vẫn xuất hiện không khí lạnh và mưa phùn. Nếu so sánh với trung bình nhiệt độ hàng năm thì nhiệt độ của tháng 4 và thậm chí tháng 5 năm 2022 sẽ thấp hơn trung bình chung của nhiều năm.
Giữa tháng 4, miền Bắc vẫn đón đợt không khí lạnh, có nơi xuống 13 độ C. (Ảnh minh hoạ)
“Năm 2019, đợt nắng nóng đầu tiên bắt đầu từ ngày 20/4 với nhiệt độ hơn 40 độ C ở khu vực Bắc Trung Bộ. Cùng thời điểm đó trong năm 2022, chúng ta lại đang đối diện một đợt không khí lạnh với nhiệt độ ở khu vực Bắc Trung Bộ có thể xuống 18 độ C, miền núi phía Bắc xuống 13-14 độ C. Đây là một trong những hiện tượng khác biệt so với trung bình chung nhiều năm trước”, TS Nguyễn Ngọc Huy phân tích và cho biết hiện tượng này không phải lần đầu xuất hiện, trước đây cũng có những năm nhiệt độ thấp vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè.
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ trung bình chung của tháng 4 năm nay thấp hơn so với trung bình chung của nhiều năm trước trong thời kỳ so sánh (từ năm 1984 tới năm 2009) khoảng 0,75 độ C; tháng 5 năm 2022 cũng thấp hơn khoảng 0,25 độ C khi thời tiết tương đối mát mẻ so với mọi năm.
Bên cạnh đó, trong tháng 4, tháng 5, lượng mưa trung bình chung khả năng sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 50-100mm tuỳ mỗi vùng ở khu vực Bắc Trung Bộ và Đông Bắc Bộ.
“Có hai nguyên nhân tạo nên hình thái thời tiết như hiện tại. Thứ nhất là hiện tượng La-Nina yếu vẫn đang kéo dài nên tạo ra hình thái ẩm nhiều ở khu vực đất liền của Việt Nam, nhiệt độ thấp, lượng mưa cao hơn trung bình chung.
Nguyên nhân khác nữa là khái niệm “dòng sông khí quyển” đã được 2 nhóm nhà khoa học ở Nhật Bản và Pháp xác nhận và công bố trên Nature Communications Earth & Environment”, TS Nguyễn Ngọc Huy chỉ rõ.
thoi tiet cuc doan cuoi thang 4.jpg
Hình thái thời tiết như hiện tại nếu phát triển ở mức cực đoan sẽ nguy hiểm.
TS Nguyễn Ngọc Huy
Theo chia sẻ của TS Huy, “dòng sông khí quyển” là các rãnh khí quyển ở phạm vi hẹp, ở giữa các rãnh khí quyển sẽ có sự chênh lệch về nhiệt độ và áp suất khí quyển, tạo ra các hình thái khí hậu cực đoan một cách bất thường.
Chính điều này gây ra việc chia nhỏ các vùng khí hậu vốn dĩ trước đây là lớn. Các vùng nhỏ này khiến thời tiết 2 điểm gần nhau về mặt địa lý lại có sự khác biệt khá lớn về mặt khí hậu. Các dòng sông khí quyển cũng sẽ tạo ra những đợt mưa cực đoan với lượng mưa lớn và dồn dập.
“Hình thái thời tiết như hiện tại nếu phát triển ở mức cực đoan sẽ nguy hiểm”, TS Nguyễn Ngọc Huy nhấn mạnh.
TS Huy dẫn chứng đợt mưa lũ bất thường ở miền Trung đợt tháng 3/2022. Thông thường, lũ lụt xảy ra nhiều ở miền Trung vào khoảng các tháng 9, 10, 11. Người dân có kinh nghiệm tốt để chuẩn bị ứng phó lụt bão vào thời điểm này, tuy nhiên lại chủ quan với các loại hình thời tiết cực đoan trái mùa.
“Mưa lụt vừa qua không lớn bằng đợt tháng 10, 11 nhưng người dân không có sự chuẩn bị nên sẽ thiệt hại tài sản, nguy hiểm tới tính mạng.
Người dân canh tác, nuôi trồng thuỷ sản, làm nông nghiệp và các ngành dịch vụ khác nếu theo dõi thời tiết chặt chẽ vẫn có thể đưa ra các phương án chủ động phòng tránh thời tiết cực đoan tốt hơn.
Không chỉ nông dân mà ngay cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân nên theo dõi các hình thái thời tiết cực đoan để có phương án tốt hơn trong việc quản lý đầu tư và có phương án ứng phó kịp thời khi thời tiết cực đoan xảy ra”, TS Huy chia sẻ.
Theo nhận định của vị chuyên gia, dựa vào phân tích 12 mô hình dự báo khác nhau thì tháng 6, tháng 7 sẽ có đợt nắng nóng đột ngột, tạo sự gay gắt. Theo mô hình, nhiệt độ trung bình chung lớn hơn 0,25 đến 0,5 độ C so với trung bình chung giai đoạn từ năm 1984 đến 2009.