Phát biểu tại diễn đàn Việt Nam - Australia 2024, ông Adam McCarty nhận xét: Năm 2008, Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Và kể từ đó, đã có một quá trình không ngừng để duy trì tỷ lệ tăng trưởng cao. Vị thế hiện tại của Việt Nam, vào năm 2024, không phải là “bước ngoặt” mà là hành trình 1.000 bậc thang để cải thiện dần và vẫn phải tiếp tục kéo dài.
“Làm thế nào để một nền kinh tế có thu nhập trung bình trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao? Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải có một tầm nhìn kinh tế để hiểu rõ những gì thúc đẩy tăng trưởng và năng suất trong các nền kinh tế thị trường hiện đại”, ông nhấn mạnh.
Theo đó, ông bày tỏ những khuyến nghị cá nhân để Việt Nam có thể hoàn thiện những bậc thang đó.
Tiến sĩ Adam McCarty chia sẻ tham luận.
Không được quên phép màu của thị trường cạnh tranh
Đây là khuyến nghị đầu tiên được TS. Adam McCarty nhắc đến: “Một trong những công việc quan trọng nhất của các nhà nước hiện đại là đảm bảo thị trường có cạnh tranh. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ không giúp bạn làm điều đó - họ thích độc quyền, thị trường thiểu số và tư bản độc quyền”.
Ông dẫn chứng: “Hãy chia tổng thu nhập hàng tháng thành thu nhập theo ngày, theo giờ, theo phút. Nếu là 5.000 USD thì bạn nhận được 52 xu/phút (khoảng 13.000 đồng).
Tôi có thể mua một chiếc bút với giá 13.000 đồng. Việc sản xuất chiếc bút này cần có các khoáng chất và hóa chất khác nhau, sau đó chúng được gia công và lắp ráp, rồi vận chuyển đến các nhà bán buôn, rồi đến các nhà bán lẻ và sau đó tôi mua chiếc bút chỉ với giá một phút làm việc. Đây là phép màu đầu tiên của thị trường: sản xuất hàng hóa vô cùng hiệu quả”.
Một phép màu khác theo ông đó là người tiêu dùng quyết định số lượng bút được sản xuất và bao nhiêu trong số đó có mực đen, xanh, đỏ hoặc tím. Người tiêu dùng quyết định bằng cách mua hoặc không mua những chiếc bút này và nhà sản xuất phản hồi theo thị hiếu, sở thích, xu hướng của người tiêu dùng.
Phép màu cuối cùng là kỷ luật thị trường. Có một chỉ số đánh giá hiệu quả công việc quan trọng đến mức nếu không đạt được sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, đó là lợi nhuận. “Không có lợi nhuận thì cuộc chơi kết thúc”, chuyên gia khẳng định.
Chuyên gia Adam McCarty chia sẻ tại diễn đàn.
Chấp nhận sự thay đổi do công nghệ
Ông Adam McCarty đánh giá rất cao tác động của những tiến bộ về công nghệ. “Hình dung của tôi về việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 tập trung vào một khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh toàn cầu và liên tục thay đổi nhờ những tiến bộ về công nghệ”, ông nói.
Điều đó có nghĩa là nền kinh tế không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp mà còn làm cho việc đóng cửa một doanh nghiệp trở nên dễ dàng.
Ông dẫn chứng một chiếc ô tô năm 1924 sẽ khác một chiếc ô tô năm 2024. Lợi nhuận không bao giờ giảm xuống bằng 0 vì các ngành công nghiệp mới - trong cung ứng hàng hóa và dịch vụ - tạo ra lợi nhuận cao mới.
“Bạn có thể tìm kiếm danh sách dài các công việc không tồn tại 20 năm trước. Một nền kinh tế hiện đại là nền kinh tế biết chấp nhận sự thay đổi do công nghệ thúc đẩy - “thân thiện với sự thay đổi”. Đây là điều mà Việt Nam cần cải thiện”, ông Adam McCarty phân tích.
Cùng với đó, ông McCarty cho rằng Nhà nước cũng phải liên tục thay đổi, đảm bảo một môi trường cạnh tranh, bao gồm cả đối với các doanh nghiệp Nhà nước.
Mục tiêu của mô hình các tập đoàn được Nhà nước hỗ trợ tại Hàn Quốc và Nhật Bản là làm cho các tập đoạn này cạnh tranh với nhau để giành các phần thưởng, Việt Nam nên làm điều tương tự hoặc tìm các cách khác để tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước và thậm chí cả các trường đại học.
Toàn cảnh diễn đàn.
Đánh thuế đúng mức với người giàu
Trong quá trình phát triển thành nền kinh tế thu nhập cao, chính phủ có nhiều chức trách, trong đó có việc đảm bảo cơ hội bình đẳng và bảo vệ những công dân cần được giúp đỡ vì bất kỳ lý do gì. Và một biện pháp được ông McCarty nhắc đến là đánh thuế đúng mức đối với người giàu, điều mà Australia thực hiện chưa hiệu quả.
Nhà nước cũng cần giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các dịch vụ giao thông, giáo dục và y tế. Và nhà nước cũng sản xuất những hàng hóa và dịch vụ vô cùng quan trọng - từ cơ sở hạ tầng đến số liệu thống kê.
Nhìn nhận khách quan, chuyên gia cho rằng các dịch vụ công của Việt Nam vẫn chưa đạt tiêu chuẩn của những quốc gia có thu nhập cao. Có rất nhiều thứ cần cải thiện như: Quy hoạch vùng, cải thiện chất lượng quy hoạch đầu tư công, quy trình mua sắm và cấp phép xây dựng minh bạch; quản lý dự án cơ sở hạ tầng…
Chia nhỏ mục tiêu để đo lường
Việt Nam xác định mục tiêu của mình vào năm 2045 là trở thành quốc gia có thu nhập cao. Mục tiêu đó nên được chia nhỏ thành nhiều chỉ số hiệu suất có thể đo lường được.
Theo đó, một số mục tiêu có thể là: Nền kinh tế không dùng tiền mặt vào năm 2045; 3 trường đại học trong top 200 toàn cầu vào năm 2045; 100.000 người nhập cư có tay nghề cao đến sống tại Việt Nam mỗi năm đến năm 2045; 50% xe máy và ô tô sẽ chạy bằng điện vào năm 2035…
Ngoài ra, theo ông McCarty, Việt Nam nên áp dụng các biện pháp đo lường và đánh giá hiệu suất dịch vụ công. Một ví dụ tốt đã có trong thực tế là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam được xây dựng từ hơn 200 chỉ số về các lĩnh vực quản trị kinh tế ảnh hưởng đến phát triển khu vực tư nhân.
Mỗi tỉnh được đo lường và xếp hạng một cách minh bạch và PCI đã trở thành một công cụ hữu ích để đánh giá năng lực lãnh đạo cấp tỉnh.
“Vì thế, cách tiếp cận tương tự nên được áp dụng để so sánh Việt Nam với danh sách các nước mà Việt Nam muốn bắt kịp trên con đường trở thành quốc gia có thu nhập cao. Cách này có thể giúp khu vực nhà nước chuyển từ quản lý ứng phó với thay đổi sang lập kế hoạch chủ động để tiến nhanh tới các mục tiêu đầy tham vọng”, TS. McCarty khuyến cáo.