Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia khí tượng chỉ ra nhân tố khiến các vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh trở nên khó kiểm soát

Theo chuyên gia, nắng nóng gay gắt ở các tỉnh Trung Bộ thời gian qua, cộng với tác động của gió Lào khiến các vụ cháy rừng trở nên nguy hiểm, khó kiểm soát hơn.

Tính đến ngày 2/7, các vụ cháy rừng ở miền Trung cơ bản được dập tắt nhờ sự nỗ lực chống "giặc lửa" của hàng nghìn người và sự xuất hiện của những "cơn mưa vàng" tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Nhìn lại những vụ cháy rừng thảm họa vừa qua ở Trung Bộ, PGS.TS Nguyễn Viết Lành (chuyên gia khí tượng thủy văn, giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, ngoài nguyên nhân trực tiếp là những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài thì gió phơn Tây Nam (hay còn gọi gió Lào) là nhân tố ảnh hưởng rất nhiều đến cháy rừng, khiến các vụ cháy trở nên phức tạp, nguy hiểm và khó kiểm soát hơn. 

PGS.TS Nguyễn Viết Lành cho rằng, gió Lào là chất xúc tác khiến cho mồi lửa lan tỏa nhanh hơn, phạm vi rộng hơn khi xảy ra cháy rừng.

 - Thời gian qua, tình hình thời tiết trên khắp cả nước nói chung, nhất là các tỉnh Bắc Trung Bộ diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt cao nhất lên đến trên 43 độ C. Thời tiết trong mùa hè năm nay dường như nắng và nóng hơn những năm trước, vậy theo ông đâu là nguyên nhân?

Do hiệu ứng biến đổi khí hậu El Nino làm cho các trung tâm khí áp hoạt động khác thường. Trong những năm gần đây, áp thấp từ phía Trung Quốc hoạt động rất mạnh và dịch chuyển về phía Nam, gần với lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó, áp cao Thái Bình Dương hoạt động mạnh hơn những năm trước, bao trùm toàn bộ nước ta.

Hai trung tâm khí áp này hoạt động, tác động đồng thời gây ra các đợt nắng nóng gay gắt ở nước ta. Do đó, cứ năm sau, nắng sẽ nóng và gắt hơn những năm trước.

Khu vực Bắc Trung Bộ bị ảnh hưởng của hiện tượng “phơn” (hay còn gọi gió Lào) nên thường nắng nóng, khô và gắt hơn các khu vực khác. Dãy Trường Sơn của ở Bắc Trung Bộ cao, mà dãy Trường Sơn càng cao thì hiệu ứng phơn càng mạnh. Còn từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc thì dãy Trường Sơn thấp dần, do đó hiệu ứng phơn giảm dần.

- Gió phơn Tây Nam (hay còn gọi là gió Lào) ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung Bộ thế nào, thưa ông? 

Đây là một hiện tượng khí hậu đáng chú ý ở miền Trung nước ta. Nước ta có lắm núi, nhiều đồi, gió thổi qua các miền đồi núi dù cao hay thấp đều biến thành gió phơn. Hiện tượng này mỗi địa phương gọi bằng những tên khác nhau, “phơn” là tên gọi địa phương của thứ gió khô và nóng, ở Việt Nam ta gọi là “gió Lào” (vì thổi từ Lào sang). 

Nguồn gốc của gió Lào chính là gió mùa mùa hè, mà thực chất là khối khí Bengal. Ở nước ta, do sự tồn tại của dãy Trường Sơn, gió từ vịnh Bengal thổi sang đã chịu ảnh hưởng của hiệu ứng phơn: Giảm nhiệt độ và tăng độ ẩm khi lên cao song lại tăng nhiệt độ và giảm độ ẩm khi xuống thấp. Cứ lên cao 100m, trung bình nhiệt độ không khí giảm khoảng 0,2 độ C. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm, độ ẩm càng tăng.

Video: Toàn cảnh vụ cháy rừng lịch sử ở Hà Tĩnh

Nếu trời đổ mưa ở Lào thì khi đi xuống sườn dãy Trường Sơn ở phía Việt Nam, nhiệt độ sẽ tăng 10 độ C ở độ cao trên 100m. Sang đến nước ta, không khí vừa khô và vừa nóng hơn. Hiệu ứng phơn làm cho không khí bên đông Trường Sơn có nhiệt độ cao hơn và độ ẩm thấp hơn không khí bên tây Trường Sơn. Gió bên đông Trường Sơn càng nóng, khô khi mưa bên tây Trường Sơn càng lớn.

Ở cùng độ cao, ở bên Lào có thể ở mức 30 độ C nhưng ở nước ta có thể lên đến 36 độ C. Dãy Trường Sơn càng cao thì hiệu ứng phơn càng mạnh. Khi đi lên cao thì nhiệt độ có quá trình ngưng kết, có ngưng kết sẽ có tỏa nhiệt. Bên Lào càng ẩm bao nhiêu thì bên Việt Nam càng khô bấy nhiêu.

Tính chất đặc trưng của gió Lào là khô và nóng. Điều này ta có thể thấy rõ ở các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh vào mùa hè. Đó là cảnh nền đất nứt nẻ vì khô hạn, cây cối héo vàng đến chết, nhà cửa bị hong khô, dễ bắt lửa sinh hỏa hoạn, trời nắng chang chang lại mịt mù cát bụi.

 

Gió Lào là chất xúc tác khiến cho mồi lửa lan tỏa nhanh hơn, phạm vi rộng hơn khi xảy ra cháy rừng.

PGS.TS Nguyễn Viết Lành

- Các vụ cháy rừng vừa qua ở các tỉnh Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng rất lớn từ hiện tượng gió Lào, khiến cho các vụ cháy trở nên nguy hiểm và phức tạp hơn, thưa ông?

Thời gian qua, gió Lào ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tỉnh thổi rất mạnh, nhiệt độ cao liên tục trong nhiều ngày khiến thời tiết trở nên rất khắc nghiệt và nguy hiểm. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác chữa cháy rừng của các lực lượng chức năng trên địa bàn.

Nếu trong điều kiện bình thường, tôi nghĩ việc triển khai các biện pháp chữa cháy của lực lượng chức năng ở địa phương sẽ thuận lợi, nhanh gọn hơn, không để cho các đám cháy lan rộng như vừa qua. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, tính chất khô hạn của gió Lào nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Gió Lào là chất xúc tác khiến cho mồi lửa lan tỏa nhanh hơn, phạm vi rộng hơn khi xảy ra cháy rừng.

Vì vậy, công tác kiểm soát các đám cháy ở các tỉnh miền Trung, nhất là những địa phương chịu ảnh hưởng mạnh của gió Lào sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

- Từ tính chất nguy hiểm, tác động của gió Lào đến đời sống dân cư ở các địa phương bị ảnh hưởng của gió Lào, chúng ta cần phải làm gì để đối phó với gió Lào, chống lại những đợt nắng nóng gay gắt như vừa qua?

Gió Lào là một hiện tượng thiên tai rất nguy hiểm, tính chất khô, nóng của nó sẽ ngày càng trở nên phức tạp trong thời gian tới. Theo tôi, ảnh hưởng của mưa bão không thể so sánh với những tác động ghê gớm từ gió Lào. Khô và hạn thì luôn nguy hiểm, trong khi mưa bão thì còn có chút lợi bởi khi khô hạn thì chúng ta cần những giọt mưa để điều hòa thời tiết.

Xuất phát từ tính chất nguy hiểm, phức tạp của hiện tượng thời tiết nói chung, nhất là với hiện tượng gió Lào thì khó có thể đưa ra giải pháp cụ thể để đối phó. Gió Lào là hiện tượng thời tiết tự nhiên, không có giải pháp đối phó mà chúng ta cần xác định phải tìm cách thích nghi với nó, tìm ra các giải pháp để giảm thiểu tác hại, ảnh hưởng từ hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này.

Tôi nghĩ một trong những giải pháp quan trọng là phải xây dựng nhiều hồ chứa nước để điều hòa nhiệt độ và độ ẩm, giảm thiểu ảnh hưởng, tác động của nắng nóng do gió phơn. Bên cạnh đó, các hồ này còn sử dụng để tưới nước cho cây trồng. Tuy nhiên hiện nay, các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An các ao hồ chứa, nước tự nhiên và nhân tạo chưa nhiều.

Đồng thời, cần thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, thực hiện các chương trình, kế hoạch, phát động trồng cây trong từng hộ gia đình và từng địa phương. Cây xanh là lá phổi của Trái đất, muốn cho không khí điều hòa, nhất là đối với những địa phương bị ảnh hưởng của gió Lào thì cần tích cực triển khai các chiến dịch phủ xanh nhà, làng và xã.

Ngoài các biện pháp từ lực lượng chức năng, giải pháp tốt nhất để phòng, chữa cháy đó là việc nâng cao ý thức của mỗi người dân trong việc phòng cháy, chữa cháy, xem đây là nhiệm vụ của cả cộng đồng, toàn xã hội.

- Ông nhận định thế nào về diễn biến thời tiết ở các tỉnh miền Trung trong thời gian tới?

Bắc Trung Bộ từ giờ trở đi nắng nóng sẽ có xu hướng giảm nhiệt, nắng không gay gắt và kéo dài như thời gian vừa qua. Còn Nam Trung Bộ có thể vẫn diễn biến phức tạp.

Vừa rồi có lẽ là đợt cao điểm của nắng nóng ở Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ. Thứ nhất là do hệ thống các trung tâm khí áp có dấu hiệu hoạt động yếu dần. Thứ hai là xuất hiện dải hội tụ nhiệt đới, trên dải hội tụ này có các áp thấp, sẽ gây mưa nhiều hơn, thậm chí bão. Điều này sẽ khiến cho thời tiết dịu đi trong thời gian tới.

Kông Anh

Tin mới