Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Giá xăng dầu tăng cao, người nghèo chịu thiệt thòi nhất

(VTC News) -

Chuyên gia kinh tế phân tích, xăng dầu đắt đỏ tăng làm tăng giá hàng hóa, gây áp lực lớn lên người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, xăng dầu là hàng hoá chiến lược, có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Khi giá xăng dầu tăng, chi phí sản xuất tăng theo, từ đó đẩy giá hàng hoá dịch vụ lên cao. Áp lực tăng giá tác động đến tất cả thành phần trong xã hội nhưng người nghèo, người lao động có thu nhập thấp là nhóm đối tương chịu thiệt thòi nhất.

"Người nghèo vốn là đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trong xã hội. Trải qua hai năm COVID-19, họ gần như kiệt quệ nguồn tài chính. Việc giá xăng và các mặt hàng thiết yếu đang tăng cao hiện nay một lần nữa là gánh nặng đè lên vai, khiến đời sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn", ông Thịnh nói.

Từ đó, ông Thịnh cho rằng nhà nước cần tính toán đến các chính sách trợ giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát cao đến người nghèo, người lao động. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý thật nghiêm đối với các hành vi tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Giá xăng dầu tăng cao gây khó cho người dân, đặc biệt là người nghèo. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng người nghèo là đối tượng chịu thiệt thòi nhất trong mỗi lần tăng giá xăng dầu. “Mỗi khi giá cả tăng lên, tất cả người dân sẽ chịu ảnh hưởng. Nhưng trong khi người giàu có thể gánh vác được thì với người nghèo đó là gánh nặng do thu nhập của họ quá thấp. Gánh nặng lên người nghèo trong mỗi lần tăng giá xăng dầu bao giờ cũng lớn hơn người giàu", ông Doanh nói và cho biết Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ để người nghèo đỡ bị thiệt thòi.

Vẫn theo ông Doanh, Việt Nam hiện điều hành giá xăng dầu dựa trên giá xăng dầu thế giới và chưa áp dụng trợ giá xăng dầu. Nhưng trước biến động tăng nóng của giá xăng dầu thế giới, đang có nhiều đề nghị giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT để kìm đà tăng nóng của giá xăng dầu. Bởi khi giá xăng dầu tăng sẽ góp phần làm tăng lạm phát, tăng giá cả các mặt hàng tiêu dùng, vì thông qua giá cước vận tải, mọi loại hàng hóa cũng tăng lên, chắc chắn tác động tiêu cực đến tiêu dùng của người dân, nhất là người nghèo.

"Tôi tin Chính phủ sẽ tìm cách cắt giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT để kìm hãm giá xăng dầu. Tuy cần tính toán mức giảm cho phù hợp, bởi nếu giá xăng dầu thấp, trong khi các nước láng giềng giá xăng dầu cao sẽ kích thích buôn lậu, do Việt Nam có đường biên giới trên bộ rất dài. Như vậy Chính phủ sẽ phải cân nhắc các biện pháp cấn thiết để giữ ổn định giá xăng dầu", chuyên gia nhận định.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành kinh tế nên việc giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới giá nhiều mặt hàng khác, tạo áp lực lớn lên lạm phát. Và khi lạm phát xảy ra, toàn bộ giai tầng trong xã hội chịu ảnh hưởng, nhưng người nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nhất do thu nhập thấp lại không có tài sản tích lũy.

“Bất kể giàu hay nghèo đều phải tiêu dùng nhưng tỉ lệ tiêu dùng so với thu nhập của người nghèo bao giờ cũng chiếm tỉ trọng lớn hơn so với người giàu. Nên khi giá cả tăng cao, lạm phát tăng cao thì người nghèo luôn chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Kinh nghiệm quốc tế đã đúc kết lạm phát là một loại "thuế" dã man nhất đánh vào mọi người, đặc biệt là người nghèo”, ông Long nhấn mạnh.

Không giảm thuế, khó "hạ nhiệt" xăng dầu

Chuyên gia kinh tế cho rằng giá xăng dầu liên tục tăng cao như hiện nay tác động tiêu cực đến nền kinh tế, doanh nghiệp và đời sống người dân nên cần có giải pháp cấp bách để ngăn chặn đà tăng mặt hàng chiến lược này. Theo đó, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng, Thành viên Hội đồng quản trị và cố vấn chiến lược cho một số công ty tại TP.HCM, cho rằng giá cả các mặt hàng thiết thực với người dân đã leo thang theo giá xăng dầu. Việc giá xăng dầu liên tục tăng nóng tiềm ẩn nhiều nỗi lo không chỉ với người dân, doanh nghiệp mà cả nền kinh tế.

“Người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm hàng hóa. Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong hoạch định chiến lược kinh doanh. Việc giảm thuế để kìm giá xăng dầu là việc cần làm ngay, càng sớm càng tốt”, TS Hiển nói.

Chuyên gia cho rằng trong khi Quỹ Bình ổn cạn kiệt, giải pháp duy nhất để kìm đà tăng giá xăng dầu là giảm thuế.

Vẫn theo chuyên gia, cần khoanh lại tổng số ngân sách thu được từ xăng dầu thông qua thuế phí vào thời điểm xăng dầu chưa biến động mạnh, rồi Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế phí sao cho nguồn thu ngân sách không giảm đi, tức không làm mất cân đối ngân sách của đầu 2022 khi thời điểm giá xăng dầu chưa tăng. Và khi Quốc hội quyết định giảm thuế, cần nghiên cứu theo hướng mức giảm tối đa các loại thuế này.

PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế.

Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường. Nhưng trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4. Thuế nhập khẩu đã ở mức thấp, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách.

“Bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách”, ông Long nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khoảng 0,5% - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, kinh tế trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần phục hồi sau thời gian đình trệ vì dịch COVID-19, nếu giá xăng dầu tăng cao sẽ kéo theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, nhất là lĩnh vực giao thông vận tải, logistics…

Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả các chính sách tài khóa đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng.

Từ 1/7, giá xăng E5 RON92 giảm 410 đồng, RON 95 giảm 110 đồng, còn dầu diesel hạ 400 đồng. Như vậy, sau 7 lần tăng liên tiếp, giá xăng E5 RON92 tạm giảm về 30.890 đồng, xăng RON95 về 32.760 đồng, dầu còn 29.610 đồng/lít.

Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, mức giảm trên không thấm vào đâu so với đà tăng từ đầu năm. 

Hoà Bình

Tin mới