Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia FIFA: Futsal Việt Nam mới là 'đứa trẻ sơ sinh'

(VTC News) -

Thành công ở 2 kỳ World Cup futsal chưa phản ánh đúng năng lực của nền futsal Việt Nam.

HLV Miguel Rodrigo từng dẫn dắt đội tuyển futsal Việt Nam và CLB Thái Sơn Nam trong giai đoạn 2017-2019. Vị chuyên gia tại FIFA World Cup 2021 hiểu rõ những nhiệm vụ cũng như khó khăn của futsal Việt Nam sau kỳ World Cup futsal thành công bất ngờ.

- Đội tuyển Việt Nam trải qua kỳ World Cup futsal 2016 rất thành công. Áp lực dành cho ông khi thay thế HLV Bruno Garcia Formoso chắc hẳn phải rất lớn.

Không. Đó chưa bao giờ là áp lực cả. Thay vào đó, tôi coi đó là thử thách. Tiếp quản đội bóng từ Bruno là một thách thức lớn đối với tôi. Tôi cũng nhận nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam và CLB Thái Sơn Nam như Bruno và chúng tôi đã đạt được thành tích đúng như ông ấy từng có.

Tôi đã đưa Thái Sơn Nam và đến chung kết giải châu Á, kỷ lục của futsal Việt Nam. Đó là thành tích đáng kinh ngạc. Tôi coi đó là thành công, khi đứng trước thách thức rất lớn là vượt qua Bruno mà tôi đã làm hết sức mình. Tôi hài lòng vì điều đó.

Nhưng điều quan trọng nhất là đội ngũ của chúng tôi đã cùng nhau đào tạo một thế hệ cầu thủ tài năng mới, chiếm đến một nửa đội hình vừa tham dự kỳ World Cup futsal 2021.

HLV Miguel Rodrigo

- Khi kết thúc hợp đồng dẫn dắt đội tuyển Thái Lan vào năm 2017, ông quyết định không gia hạn mà chuyển sang làm việc tại Việt Nam. Lý do là gì?

Đó là lựa chọn của tôi. Tôi có quen biết ông Trần Anh Tú từ rất lâu trước đó. Chúng tôi khá thân với nhau và luôn giữ một mối quan hệ tốt. Anh ấy là người đã thuyết phục tôi đến Việt Nam. Anh Tú kể với tôi rất nhiều về những kế hoạch, loại dài hạn ấy. Không may là tôi không thể đi đến cùng với bản giao kèo ấy, vì một vài lý do cá nhân không tiện nói ra.

Tôi có nói chuyện với Bruno. Ông ấy nói rất nhiều điều tốt đẹp về futsal Việt Nam, văn hóa, con người....Cả  Sergio Gargelli (cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam) cũng nói như vậy. Tôi đã trải nghiệm những điều đó và quả thực thời gian ở Việt Nam là giai đoạn đẹp nhất sự nghiệp của tôi. Tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ đó. Gia đình tôi cũng thích ở Việt Nam, chúng tôi đã kết bạn rất nhiều và vẫn còn giữ liên lạc.

- Sau 5 năm, đội tuyển Việt Nam một lần nữa gây ấn tượng ở World Cup futsal. Từ kinh nghiệm của ông, đâu là thách thức lớn nhất cho futsal Việt Nam sau thành công như vậy?

Thời điểm tôi đến Việt Nam làm việc, vấn đề khó khăn nhất của tôi và các đồng sự là làm thế nào xây dựng được thế hệ cầu thủ mới.

Tôi cùng Alvaro Martinez, Rafa Garcia đã làm việc rất nỗ lực. Ban đầu chúng tôi phải đi xem từ các giải phong trào để tìm kiếm cầu thủ, đánh giá tương lai của họ, rồi đưa họ vào thi đấu. Họ cũng là những cầu thủ rất chăm chỉ và việc chúng tôi phải làm là giúp họ thêm tự tin vào khả năng cống hiến cho đội tuyển quốc gia.

HLV Rodrigo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao thế hệ giữa 2 kỳ World Cup futsal.

Năm 2018, ở giải châu Á, trước khi vào chung kết thua Mes Sungun, chúng tôi đã thắng cả những đội mạnh như Nagoya Ocean (Nhật Bản) hay Bank of Beirut (Li Băng). Thế hệ cầu thủ mới đã đạt được thành công ấn tượng. Khi đó, tôi đã tin tưởng họ sẽ tiếp tục tiến bộ để đạt được thành công lớn hơn và họ đã làm được.

Đào tạo thế hệ cầu thủ kế cận sau mỗi chu kỳ thành công là vấn đề nan giải, đặc biệt là ở nhiều nước châu Á. Ngay cả tôi cũng gặp những khó khăn. Có lẽ là tôi đã có một chút ép buộc trong việc đòi hỏi các CLB trong nước phải sử dụng cầu thủ trẻ. Có vài lần các HLV nội phàn nàn, vì họ cần những cầu thủ già dặn hơn.

Đó là nhiệm vụ của họ thôi, nhưng tôi đã cố gắng thuyết phục họ hướng nhiều hơn đến các cầu thủ trẻ. Khó khăn lớn nhất là làm thế nào để đào tạo, phát triển thế hệ mới. Tôi xem trọng việc đó nên dù là ở Nhật Bản, Thái Lan hay Việt Nam, tôi đều đẩy mạnh việc sử dụng cầu thủ trẻ.

- Ở World Cup futsal 2021, ông cũng là một thành viên của tổ chuyên gia FIFA. Ông nhận xét thế nào về đội tuyển Việt Nam?

Đó rõ ràng là một thành công về mặt thành tích. Tuy nhiên, nếu xem kỹ các trận đấu, các bạn có thể thấy đội tuyển Việt Nam chỉ chơi phòng ngự và hầu như không thể tấn công chủ động.

Bước tiếp theo mà đội tuyển Việt Nam cần làm để nâng tầm chính mình là phải học được cách làm thế nào để chơi tấn công, thứ hai là gây sức ép từ xa. Chỉ phòng ngự lùi sâu chờ sai lầm của đối thủ để phản công thì sẽ khó mà tiến xa được.

ĐT Việt Nam thi đấu thành công ở World Cup futsal 2021.

Tôi nghĩ các HLV phải mạnh dạn hơn, đừng ngại chơi đôi công với những đội bóng mạnh, từ đó các bạn mới học hỏi được. Trong futsal, đó là cách nhanh nhất để tiến bộ. Tôi từng dẫn dắt đội Thái Lan, Nhật Bản hòa Bồ Đào Nha, Brazil, Argentina, đánh bại Cộng hòa Séc, Croatia, Serbia, Iran. 

Đó đều là những đối thủ mạnh hơn. Nhưng các cầu thủ dần dần học được cách cầm bóng, pressing và chủ động tấn công. Các cầu thủ và HLV của futsal Việt Nam muốn lên tầm cao hơn thì phải thay đổi một chút về tư duy tấn công và mạnh dạn áp dụng trong các trận đấu.

- Họ phải làm điều đó bằng cách nào? Tôi được biết là ông Trần Anh Tú cũng rất quan tâm đến việc đào tạo thế hệ HLV mới, những người vốn là các cựu tuyển thủ quốc gia lứa đầu.

Nói thật thì mặt bằng trình độ của HLV futsal ở Việt Nam vẫn còn thấp, chưa nói đến HLV thủ môn, HLV thể lực. Đó là thực tế.

Có một điều đáng buồn là trong 3 năm tôi làm việc ở Việt Nam, chẳng có HLV nội nào đến xem các buổi tập của tôi cả. Hồi tôi còn làm ở Thái Lan và Nhật Bản, có rất nhiều HLV bản địa đến xem buổi tập của đội tuyển và trao đổi chuyên môn với tôi. Điều đó có nghĩa là gì? Số lượng HLV ở Việt Nam rất ít và họ chưa thực sự biết cách tiếp thu những kiến thức mới. Đôi khi chỉ đơn giản là đi xem các buổi tập thôi.

Futsal Việt Nam cần có thêm nhiều khóa học HLV ở nhiều cấp độ. Quan trọng là phải có cả các HLV nước ngoài. Ở Tây Ban Nha, chúng tôi cũng bắt đầu như vậy từ cách đây rất nhiều năm, bằng việc học hỏi từ các chuyên gia đến từ Brazil.

Phạm Minh Giang là một trong những HLV giỏi nhất Việt Nam hiện tại. Các bạn biết vì sao không? Cậu ấy giống như một cậu học sinh ham tìm tòi. Tất nhiên cậu ấy cần cải thiện đôi chút về mặt triết lý chơi bóng. Cậu ấy nên mạnh dạn hơn, chơi tấn công nhiều hơn. Càng gặp đội mạnh, càng phải chơi tấn công.

- Còn giải vô địch quốc gia của Việt Nam thì sao?

Trước tiên, Việt Nam không có một mùa giải chuyên nghiệp đúng nghĩa. Nó không phải một giải “league”. Lượt đi chỉ diễn ra trong 25 ngày, rồi sau khoảng 2-4 tháng lại đá lượt về y như vậy. Giải futsal VĐQG đang phát triển chậm hơn trình độ của đội tuyển, tất nhiên là thua xa các giải đấu của những nền futsal mạnh khác.

Đó cũng là khác biệt cơ bản giữa futsal Việt Nam và Thái Lan. Giải Thái Lan có những cầu thủ ngoại, HLV ngoại từ rất lâu rồi. Đó là yếu tố chủ chốt khiến đội tuyển và cầu thủ Thái Lan mạnh hơn Việt Nam.

Bước tiếp theo của futsal Việt Nam là phải xây dựng được một hệ thống giải chuyên nghiệp, và phải có thêm những HLV ngoại, cầu thủ ngoại. Để làm gì? Để nâng tầm những HLV nội, cầu thủ nội. Thế hệ HLV futsal trẻ VN hiện tại mới chỉ ở giai đoạn đầu, với những kiến thức bước đầu và sẽ cần phải tiếp tục tiến bộ.

Giải futsal VĐQG phát triển chưa xứng tầm với đội tuyển Việt Nam.

- Nếu giải vô địch quốc gia chưa đủ tầm, cầu thủ Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội ở các giải nước ngoài không?

Trần Văn Vũ, Phạm Đức Hòa từng thử sức ở Tây Ban Nha, nhưng không được. Thực ra điều đó dễ hiểu thôi. Có lẽ bây giờ, Hồ Văn Ý, Châu Đoàn Phát và Nhan Gia Hưng có thể chơi được ở các giải hạng hai của Tây Ban Nha, Italy hay Bồ Đào Nha.

Sẽ có rất nhiều khó khăn trong việc đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, nhưng đó là cách tốt nhất để tiến bộ. Từ việc xuất ngoại, các bạn sẽ thay đổi tư duy, nâng tầm bản thân vì khi đó các bạn sẽ có thêm hiểu biết về những nền văn hóa khác, những giá trị khác trong futsal.

- Với thực trạng như hiện tại, có lẽ futsal Việt Nam vẫn phải trông cậy nhiều vào ông Trần Anh Tú.

Anh ấy giống như một người cha của futsal Việt Nam. Ở châu Á, có một vài người như vậy. Ông Adisak ở Thái Lan, ông Usmanov ở Uzbekistan, một người nữa ở Indonesia. Ai cũng biết là bầu Tú đã đổ rất nhiều tiền của và thời gian để phát triển futsal Việt Nam. Thật khó để tìm ra một ai làm được như anh ấy. Đối với futsal Việt Nam, anh ấy là số một.

Bầu Tú là người hiếm hoi nghiêm túc với môn futsal ở Việt Nam. Ông ấy đang nỗ lực để thay đổi môi trường futsal ở Việt Nam, nhưng chuyện đó không dễ vì năng lực tài chính có hạn. Futsal Việt Nam vẫn chỉ như một đứa trẻ sơ sinh, chưa có bản quyền truyền hình, chưa có những nhà tài trợ lớn. Hi vọng World Cup lần này sẽ thay đổi điều đó.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Minh Ngọc

Tin mới