Ảnh hưởng tới kế hoạch ASEAN-2020
Theo đánh giá của PGS-TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến khu vực Đông Nam Á sau khi các nền kinh tế buộc phải đóng cửa và thực hiện giãn cách xã hội.
"COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các kế hoạch 2020 của cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong việc tổ chức các Hội nghị thượng đỉnh, triển khai các chương trình hợp tác và thực hiện lộ trình Tầm nhìn 2025", ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết.
Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN. (Ảnh chụp màn hình)
"Tất cả các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN+ và các cuộc họp bên lề đều bị hoãn và chuyển sang thời điểm khác. Trong bối cảnh hiện nay, sự lựa chọn phù hợp nhất là hình thức họp trực tuyến, như 2 cuộc họp đặc biệt hôm nay (14/4), ASEAN đặc biệt và ASEAN + 3", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nói.
Đại dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 12/2019 và bắt đầu phát hiện ở Đông Nam Á vào tháng 1/2020.
Theo số liệu gần nhất được cập nhật vào ngày 13/4/2020, tại Đông Nam Á có hơn 200.000 ca nhiễm và hơn 800 ca chết người. Tại khu vực tỉ lệ tử vong vào khoảng dưới 5%, thấp hơn so với mức trung bình của thế giới.
Philippines trở thành nước có số ca nhiễm lớn nhất hiện nay ở trong Đông Nam Á.
Việt Nam chủ trì hội nghị trực tuyến ASEAN đặc biệt về COVID-19 hôm nay (14/4). (Ảnh: VGP)
Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, mối đe dọa COVID-19 là rất lớn.
"Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của Đông Nam Á cũng như ASEAN và các nước thành viên. Hầu hết các nước đã thực hiện các biện pháp cách ly, đóng cửa, hạn chế di chuyển, thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các ngành kinh tế tạm thời đóng cửa hoặc làm việc trực tuyến", chuyên gia khẳng định.
Dịch vụ đình trệ, sản xuất cầm chừng
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, COVID-19 làm đình trệ tất cả các ngành du lịch, hệ thống bán lẻ, dịch vụ cũng như làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm.
"Các nền kinh tế Đông Nam Á có độ phụ thuộc vào Trung Quốc tương đối lớn. Khi dịch COVID-19 bùng phát, hệ thống sản xuất ở Trung Quốc đình trệ và hoạt động thương mại toàn cầu, khu vực bị gián đoạn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống sản xuất của các nước Đông Nam Á".
Theo đó, hầu như các nước Đông Nam Á hiện nay đều có hệ thống dịch vụ bị đình trệ và sản xuất cầm chừng.
Cụ thể, kinh tế Việt Nam trong quý I vừa qua tăng trưởng đạt 3,82%, thấp hơn một nửa so với mức tăng trưởng quý I các năm trước đạt trên 6%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị diễn ra sáng 14/4. (Ảnh: VGP)
Nền kinh tế mở nhất Đông Nam Á là Singapore, trong quý I, theo đánh giá của một số chuyên gia, có thể suy giảm 2,2%, dự báo tăng trưởng cả năm 2020 ở mức từ - 4 đến - 1%.
Kinh tế Thái Lan, Malaysia cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn là kinh tế Indonesia và Philippines, nhưng chưa thể nói trước tác động về lâu dài.
Với các nước nhỏ hơn, đặc biệt như Lào, Campuchia, các đánh giá ban đầu cho thấy tác động của COVID-19 tương đối lớn.
Ảnh hưởng tâm lý người dân
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, với người dân Đông Nam Á, bên cạnh sức khỏe, COVID-19 sẽ có tác động đến tâm lý khi các nước thực hiện việc cách ly phong tỏa diện rộng.
Video: Thủ tướng chủ trì Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN và ASEAN+3
"Khi các nước thực hiện việc cách ly phong tỏa diện rộng sẽ tác động đến tâm lý, tinh thần cũng như tư tưởng của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Điều đó gây ra tâm trạng lo lắng, ở mức độ nào đó có thể gây nên sự hoảng loạn, có thể gây nên tác động tâm lý tiêu cực dài hạn sau này.
Dù vậy chúng ta chưa lường được mức độ tác động và giới phân tích có thể cần đánh giá thêm", chuyên gia cho biết.