Chia sẻ của anh Hoàng Lâm trong bài "Vợ không hiểu chuyện, nhất định đòi thờ bố mẹ đẻ ở nhà chúng tôi" đăng mục Tâm sự của VTC News tạo nên cơn bão bình luận của độc giả, trong đó có nhiều người từng trải qua hoặc chứng kiến những cuộc xung đột tương tự. Điều này cho thấy vấn đề thờ cúng song thân của phụ nữ thực sự đang ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm gia đình của không ít gia đình.
Vì sao phụ nữ không được thờ bố mẹ đẻ?
Nói về nguồn gốc của quan niệm con gái không được thờ bố mẹ đẻ ở nhà chồng, thậm chí ở nhà của hai vợ chồng, nhà văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vỹ - nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, phong tục chỉ con trai được phép thờ cúng tổ tiên xuất hiện ở Việt Nam trên dưới 2.000 năm trước và chủ yếu được thực hành bởi người Kinh.
"Kinh nghiệm này dựa trên sự hình thành của chế độ phụ hệ - người đàn ông làm chủ gia đình; sau đó dẫn đế việc khẳng định quyền lực thực tế, quyền lực về măt tín ngưỡng thuộc về đàn ông" - ông Vỹ nói.
Nhà văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vỹ. (Ảnh: Báo Quốc tế)
Theo chuyên gia này, trong mỗi giai đoạn xã hội nhất định, những kinh nghiệm được hình thành đều có lý do, nhằm giúp các hoạt động trong cuộc sống được đơn giản thuận tiện, và việc thực hành tín ngưỡng thiên về họ nội cũng vậy. Chẳng hạn như việc viết gia phả. Trước đây, khi chưa có máy tính với bộ nhớ khổng lồ, nếu viết hết tên những người được sinh ra và các nhánh phá hệ phát sinh từ đó, không kể gái trai, nội ngoại... thì bộ gia phả sẽ quá lớn.
"Ví dụ một nhà có 9 người con, trong đó có 6 nữ, 2 nam. Gia phả có mục dành cho con gái cả, con gái thứ hai, thứ ba..., rồi những người con này lại gắn với chồng của họ, rồi chồng của họ gắn đến thế hệ sau... Với công nghệ lưu trữ, quản lý dữ liệu bây giờ, chúng ta có thể chia ra các hộp thông tin để tra cứu; nhưng với điều kiện trước đây thì gia phả dòng họ không thể ghi chép, theo dõi hết", chuyên gia phân tích.
Theo ông, cách ghi gia phả chính là mô hình cho sự thờ cúng theo phụ hệ, được truyền mãi cho đến bây giờ. Trong một gia đình, nếu chồng lập bàn thờ cho bên nội, vợ lập bàn thờ cho bên ngoại hoặc hai họ có bàn thờ chung, trên đó có đầy đủ bát hương của người này, người kia sẽ rất bất tiện và chiếm không gian sống của con người.
Nhà xã hội học, PGS.TS Trịnh Hoà Bình cũng cho rằng, quan niệm "một nhà không thờ hai họ", phụ nữ đi lấy chồng chỉ thờ cúng họ tộc nhà chồng là hệ quả tất yếu của chế độ gia trưởng phương Đông. Theo đó, về mặt nguyên tắc, phụ nữ không phải chủ gia đình, chỉ họ nội được thờ cúng. Người con gái khi đi làm dâu nhà khác nếu có nhu cầu thờ cúng tổ tiên thì chỉ có thể thờ tại tâm, còn về mặt không gian vật lý không có chỗ cho chị ta làm chuyện đó.
Khó thay đổi
Vấn đề phụ nữ thờ cúng bố mẹ đẻ tại gia đình nhà chồng vấp phải nhiều tranh cãi về tín ngưỡng. (Ảnh minh hoạ)
Theo nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình, việc thờ cúng được thực hiện theo họ nội và giao cho con trai, hương hoả không trao cho con gái đẩy người ta đến chỗ khao khát có con trai: "Bằng chứng là nhiều năm nay, mặc dù công tác dân số có những dự báo đáng khích lệ, việc kiểm soát mức sinh, can thiệp vào chất lượng dân cư có hiệu quả nhưng cách nhìn trọng nam khinh nữ vẫn không thay đổi.
Người ta có thể thay đổi quan niệm trọng nam khinh nữ theo nghĩa trao cho phụ nữ nhiều quyền lực hơn, gia đình có xu hướng dân chủ hơn nhưng chế độ nam trị từng được thiết lập vẫn duy trì lừng lững. Chính vì thế nên mới dẫn tới nạn phân biệt giới tính khi sinh trong giai đoạn vừa rồi, có 105-107 trẻ trai/100 trẻ gái".
Các tiến bộ y học cho phép người ta chẩn đoán xác định giới tính thai nhi, dẫn đến tác động tiêu cực là lựa chọn giới tính thai nhi. Ngành dân số phải đưa ra quy định nghiêm cấm chọn giới tính thai nhi, cấm nhà chuyên môn cung cấp thông tin giới tính khi khám thai cho các bà mẹ...
"Tuy vậy, thực tế điều này vẫn diễn ra. Ở Hưng Yên có những vùng tỉ lệ trẻ trai/trẻ gái lên tới 123-125/100 trẻ em gái; con số phổ quát là trên 110-112/100", PGS.TS Trịnh Hòa Bình lo ngại, nhắc đến nguy cơ không lấy được vợ của khoảng 4,7 triệu nam giới Việt Nam vào những năm 30-50 thế kỷ này.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình.
Mặc dù vậy, quan niệm trọng nam khinh nữ mà một biểu hiện của nó là không cho phụ nữ thờ cúng bố mẹ đẻ ở nhà chồng vẫn không dễ thay đổi. "Chúng ta không thể bàn chuyện đúng sai trong việc thờ cúng này, đây không chỉ là tập quán, nó trở thành nguyên tắc hành xử của cộng đồng xã hội", ông Trịnh Hòa Bình nói và nhấn mạnh rằng khi quan điểm phụ quyền vẫn tồn tại thì thực trạng trên khó lòng xóa bỏ. "Thay đổi nhận thức của cả thế hệ là điều khó, thay đổi tín ngưỡng thờ cúng đã hình thành và tồn tại lâu đời lại càng khó khăn hơn".
Theo ông, hiện nay với những gia đình neo đơn, vẫn có chuyện người phụ nữ thờ cha mẹ đẻ ở chính ngôi nhà chị sinh sống với chồng và/hoặc nhà chồng. Tuy nhiên điều này chỉ xảy ra những gia đình hai thế hệ, chứ khó lòng xảy ra ở các gia đình nhiều thế hệ, gia đình mở rộng, nơi thấm đẫm giá trị Nho giáo cũng như tinh thần truyền thống của chế độ phụ hệ, gia trưởng. Khi người phụ nữ muốn thờ cúng bố mẹ đẻ trong nhà chồng, việc bị phản đối kịch liệt, căng thẳng không ngoài dự đoán.
"Những người con gái đi lấy chồng vì bất cứ lý do nào đấy muốn thờ cúng cha mẹ thì có thể gia đình chồng thông cảm, nhưng chuyện bày bàn thờ chung khó xảy ra, và cũng khó mà yêu cầu người ta thay đổi quan niệm, cách nhìn, nguyên tắc ấy", ông Bình nói.
Bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.