Dự thảo Luật Đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến nhân dân. Đáng chú ý, với phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, cơ quan soạn thảo đề xuất thời gian lái xe liên tục không quá 3 giờ vào ban đêm khung từ 22h hôm trước tới 6h hôm sau, giờ làm việc của lái xe một ngày không quá 8 tiếng, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng.
Trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hiệp hội đã tham gia ý kiến gửi Bộ Giao thông Vận tải.
"Quan điểm của chúng tôi là không nên đưa ra những quy định này", ông Quyền nói.
Dự thảo mới quy định trong khoảng từ 22h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau, thời gian lái xe liên tục của tài xế không được quá 3 giờ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, do đặc thù công việc, người lái xe ban ngày hay ban đêm đều sẽ có kế hoạch sắp xếp nghỉ ngơi, giải quyết các công việc khác để phù hợp.
"Quy định như vậy sẽ làm tăng chi phí vận tải, như thế cũng là sự lãng phí, làm tăng chi phí logictis của nền kinh tế. Với quy định như hiện hành, một lô hàng chỉ cần bố trí 1-2 lái xe, nhưng với quy định mới thì trong nhiều trường hợp doanh nghiệp phải bố trí 2-3 lái xe, làm tăng chi phí tiền lương, chi phí lao động", ông Quyền dẫn chứng.
Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, đặc thù giao thông của Việt Nam mật độ phương tiện lưu thông vào ban ngày cao. Thông thường những doanh nghiệp vận tải đường dài sẽ bố trí, sắp xếp để chạy vào ban đêm nhiều hơn.
Ban đêm xe chạy tốc độ ổn định, đỡ phải phanh, đỡ phải tăng giảm tốc độ đột ngột, giảm chi phí nguyên liệu, người lái xe đỡ mệt mỏi hơn so với lái vào ban ngày.
Hơn nữa, mùa hè nước ta nhiệt độ mặt đường rất cao, khi xe tải đi trên đường với nhiệt độ cao thì hao mòn lốp cũng sẽ cao hơn so với chạy vào ban đêm.
"Nếu điều chỉnh thời gian lái xe liên tục không được quá 3 giờ ban đêm, xu hướng tài xế chuyển sang chạy ban ngày, tăng thêm nguy cơ về ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông ở khung giờ ban ngày", vị chuyên gia cho hay.
Trước ý kiến cho rằng thực tế có nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào ban đêm do tài xế lái xe liên tục dẫn đến mệt mỏi, buồn ngủ, chạy ẩu..., ông Quyền nhận định, dự thảo trên cũng có tác động tích cực. Tuy nhiên giữa phần tích cực mà dự thảo mang lại và phần tác động tiêu cực làm tăng thêm chi phí thì chưa có nghiên cứu làm rõ phần tác động tích cực nhiều hơn hay tác động tiêu cực nhiều hơn.
"Chúng tôi cho rằng những quy định điều chỉnh như trong dự thảo cần phải nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động, chứ không thể nhìn thấy vài tác động tích cực mà bỏ qua các tác động tiêu cực ", Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh.