Đến 21/4, đã 5 ngày liên tiếp Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu khả quan nhưng không có nghĩa là hết dịch, hết nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, người dân càng không nên chủ quan vào lúc này.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, hiện nước ta vẫn có nguy cơ bệnh xâm nhập trong cộng đồng. “5 ngày không có mắc mới không có nghĩa là hết dịch, nguy cơ vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu chủ quan”, ông Phu nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu. (Ảnh: VGP)
Ông Phu cho biết, hiện trên thế giới tình hình dịch bệnh vẫn diến biến khó lường với số ca mắc và thiệt mạng do COVID-19 vẫn tiếp tục tăng.
“Một số ca bệnh không có triệu chứng hoặc biểu hiện rất nhỏ, nếu chủ quan hoàn toàn có thể lây lan thành ổ dịch nhỏ. Trên thế giới, Trung Quốc đến nay vẫn còn ghi nhận ca bệnh. Tại Singapore có giai đoạn làm rất tốt. Nhưng vừa rồi số ca mắc tại quốc gia này lại tăng nhanh, đây là bài học cho chúng ta. Vì bất kỳ địa phương nào không làm tốt, chống dịch tốt, chủ quan là dịch hoàn toàn có thể quay trở lại”, ông Phu cảnh báo.
Thời gian vừa qua, nước ta thực hiện rất tốt việc giãn cách xã hội. Từ đó giảm được nguy cơ lây nhiễm, do hạn chế được tiếp xúc của người dân. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy không phải tất cả người dân Việt Nam đều thực hiện nghiêm quy định này. Nhiều người vẫn ra đường, đi lại, tập trung đông người.
“Chúng ta chưa thể khẳng định rằng sự lây lan của dịch trong cộng đồng đã hết. Có thể có những trường hợp bị mắc bệnh nhưng triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng khiến người khác không thể biết được. Vì họ không vào viện, thực trạng này rất nguy hiểm. Chỉ cần 1 người mang trong mình mầm bệnh thôi là nguy cơ lây lan cho những người khác là rất cao”, ông Phu nhấn mạnh.
Để phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch COVID-19, người dân nên tuân thủ đúng những khuyến cáo của Bộ Y tế và của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tự cách ly ở nhà ít nhất 2 tuần để đảm bảo dịch không lây nhiễm trong cộng đồng.
Đối với những ổ dịch, cần thiết phải cách ly 28 ngày hoặc hơn để kiểm soát tốt dịch bệnh. Ngoài ra, người dân nên tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch hữu hiệu hiện nay bao gồm: Hạn chế ra ngoài, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, không tập trung đông người và tránh tiếp xúc với người lạ, khi giao tiếp phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m…
"Ở ngoài cộng đồng, chỉ cần bỏ sót một trường hợp là dịch bệnh hoàn toàn có nguy cơ bùng phát. Do vậy, hơn lúc nào hết, người dân không được chủ quan. 5 ngày không có ca mắc COVID-19 mới không có nghĩa là hết dịch. Mọi người hãy thực hiện tốt những khuyến cáo của cơn quan y tế để công tác phòng chống dịch thêm hiệu quả", ông Phu nói.
Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam ghi nhận 268 trường hợp mắc COVID-19, trong đó, 216 người đã khỏi bệnh, đủ điều kiện xuất viện. Cả nước chỉ còn 52 bệnh nhân nhiễm virus corona đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Video: Vì sao bệnh nhân COVID-19 có thể dương tính lại sau 2 lần âm tính