Ngày 20/4, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng tiểu Ban điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo, xét nghiệm dịch họng và tỵ hầu của bệnh nhân 188 bằng phương pháp Real Time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân tiếp tục được cách ly theo dõi sức khỏe tại bệnh viện.
Bệnh nhân 188 là 1 trong 3 bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam công bố khỏi bệnh hôm 16/4.
Mẫu xét nghiệm của bệnh nhân 188 được lấy ngày 18/4 cùng ngày với CDC Hà Nội xét nghiệm và được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trả vào ngày 19/4, song lại có kết quả trái ngược nhau. Bộ Y tế nhận định, nguyên nhân có thể liên quan đến khả năng, năng lực xét nghiệm ở các đơn vị phải xét nghiệm một số lượng lớn. Do vậy, có thể đặt ra vấn đề lây nhiễm chéo giữa các mẫu bệnh phẩm.
Theo báo cáo sáng 21/4 của Tiểu ban điều trị, bệnh nhân 188 được tính là khỏi bệnh và đang theo dõi 14 ngày sau khi kết thúc điều trị. Do vậy, đến nay Việt Nam chữa khỏi cho 215 ca mắc COVID-19 và hiện còn 53 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại 9 cơ sở y tế trên cả nước.
Thực tế, các chuyên gia y tế nhiều lần phân tích vấn đề bệnh nhân COVID-19 sau khi có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 lại dương tính trở lại. Những trường hợp tương tự cũng được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế), tại Hàn Quốc (nơi có hơn 10.600 ca mắc COVID-19 và 234 ca tử vong tính tới sáng 19/4) đã có ghi nhận tới hơn 100 ca tái nhiễm virus corona sau khi được công bố khỏi bệnh hoàn toàn.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) đang điều tra thêm sự việc này bằng cách thực hiện các xét nghiệm khác. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang tìm hiểu thêm trước khi đưa ra câu trả lời chắc chắn.
Ông Trần Đắc Phu cho biết, điều tra ban đầu cho thấy có thể do một số nguyên nhân khác nhau. Trước hết, có thể do sự hoạt động trở lại của lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân. Nếu hệ miễn dịch của bệnh nhân chưa phát triển được đủ để chống lại virus hoặc hệ miễn dịch bị yếu đi sau khi hồi phục, lượng virus trước đây chưa được phát hiện có thể được kích hoạt trở lại.
Một khả năng khác là loại virus mới này có thể tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại. Bên cạnh đó, test xét nghiệm có thể phát hiện ra "xác virus", không còn khả năng lây nhiễm hay lây lan.
Video: Vì sao bệnh nhân COVID-19 có thể dương tính lại sau 2 lần âm tính