Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và sự ra đời nghi thức Bông hồng cài áo

(VTC News) -

Sau một đoản văn đầy xúc động của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, lễ Bông hồng cài áo diễn ra lần đầu tiên trong mùa Vu lan - rằm tháng 7 năm 1962.

Vào dịp lễ Vu lan, đông đảo Phật tử - nhất là những người trẻ - đến các chùa và cảm động được nhận bông hồng trên ngực trái.

Khởi nguồn từ một đoản văn

Truyền thống Bông hồng cài áo đã được tròn 60 năm và ngày càng trở nên phổ biến trong dịp lễ Vu lan ở hầu khắp các chùa chiền trên đất nước Việt Nam, ở các chùa Việt Nam khắp thế giới và cả các chùa trên thế giới.

Nghi thức này bắt nguồn từ một câu chuyện mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kể rất chi tiết trong đoản văn Bông hồng cài áo. Sư ông, ngày đó 36 tuổi, đã viết: “Tây phương không có ngày Vu lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân.

Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó.

Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu lan”.

Bông hồng cài áo là nghi thức đẹp đẽ, thiêng liêng của mùa Vu lan.

Trong một lần trả lời phỏng vấn trên nguyệt san Giác Ngộ năm 2008, Sư ông Làng Mai cho biết: “Đoản văn được viết năm 1962, sau 9 tháng nghiên cứu về khoa Tôn giáo Đối chiếu tại Đại học Princeton, tôi về nghỉ hè tại Camp Ockanickon ở Medford thuộc tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. Ban ngày tôi chơi và nói chuyện với thanh thiếu niên về văn hóa Việt Nam và đi chèo thuyền trên hồ, ban đêm tôi viết văn. Tôi viết đoản văn Bông hồng cài áo trong một căn lều gỗ người trẻ dành cho tôi”.

Triệu trái tim đập cùng tình mẹ

Ý nghĩ “bắt chước” được Thiền sư Nhất Hạnh nảy ra trong lúc ở Tokyo (Nhật Bản) chẳng ngờ lại rất nhanh được lan tỏa rộng rãi. Có lẽ nhân duyên của tình mẹ đã khiến một ý định lóe khởi sớm trở thành hiện thực.  

Ta hãy tôn vinh Mẹ, tôn vinh Cha trong trái tim. Bụt dạy: Vào thời không có Bụt ra đời thì thờ Cha thờ Mẹ cũng là thờ Bụt. Đây là điều tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Sư ông chia sẻ: “Viết xong, tôi gửi cho  các vị đệ tử của tôi trong Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn do tôi hướng dẫn. Bài này được gửi qua chị Trương Thị Nhiên. Chị Nhiên và Đoàn Sinh viên Phật tử đọc xong rất cảm động nên quyết định đem chia sẻ cho mọi người. Họ bàn nhau chép tay 300 bản làm quà tặng cho những bạn bè của họ trong các phân khoa Đại học Sài Gòn. Mỗi bản chép tay đều có gắn thêm một chiếc hoa màu hồng hay màu trắng cho người còn mẹ, hay mất mẹ.

Rằm tháng Bảy năm ấy, họ họp nhau lại tại chùa Xá Lợi, làm lễ Bông hồng cài áo lần đầu tiên.  Anh Tôn Thất Chiểu, một thành viên của Đoàn Sinh viên Phật tử, đã gửi bài viết cho Hòa thượng Thích Đức Tâm, hồi đó đang làm chủ bút nguyệt san Liên Hoa của Giáo hội Tăng già Trung Phần. Tập san Liên Hoa đã đăng nguyên bài dưới tựa đề Nhìn kỹ Mẹ. Hòa thượng Trí Thủ, bổn sư của Hòa thượng Đức Tâm, đọc được đoản văn trên nguyệt san Liên Hoa đã khóc vì cảm động.

Sau đó Bông hồng cài áo được in ra nhiều lần, một số chùa bắt đầu tổ chức lễ Bông hồng cài áo. Từ đó, lễ Bông hồng cài áo đã trở thành một truyền thống.

Năm 1964, Nhà xuất bản Lá Bối ra mắt độc giả quyển Bông hồng cài áo, in khổ ốm dài để có thể bỏ vào bì thư gửi tặng bạn bè trong ngày Vu lan. Quyển sách nhỏ này đã phải tái bản nhiều lần. Năm 1965, đoàn cải lương Thanh Nga đã dựng và trình diễn vở tuồng Bông hồng cài áo và có mời tôi tham dự”.

Một dấu ấn khó phai khiến truyền thống Bông hồng cài áo lan tỏa rộng lớn hơn: Năm 1967, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết ca khúc Bông hồng cài áo.

Chính tình mẹ trong đoản văn đầy ấn tượng về sự mộc mạc mà chứa chan của tình mẹ, lòng biết ơn đấng sinh thành đã làm ngân lên những giai điệu đẹp trong tâm hồn nhạc sĩ. Đặc biệt, đó là sự đồng điệu của nhạc sĩ với vị thiền sư 36 tuổi nhắn gửi trong đoản văn:

“Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh.

Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: 'Mẹ ơi, mẹ có biết không?'. Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: 'Biết gì?'. Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: 'Mẹ có biết là con thương mẹ không?'. Câu hỏi sẽ không cần được trả lời.

Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng, tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi”.

Và điệp khúc cuối của bài hát đã ngân lên sự đồng điệu đó:

"Rồi một chiều nào đó

Anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu

Rồi nói, nói với mẹ rằng mẹ ơi!

Mẹ ơi! Mẹ có biết hay không?

Biết gì? Biết là, biết là con thương mẹ không?

Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh

Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em

Thì xin anh, thì xin em hãy cùng tôi vui sướng đi".

Về sự đồng điệu này, vị thiền sư lỗi lạc đã khẳng định: “Phạm Thế Mỹ làm bài 'Bông hồng cài áo' rất dễ dàng và tự nhiên như thở vào thở ra, tự nhiên như bước chân đi dạo, tự nhiên như khi nâng chén trà lên uống. Tôi không thấy tôi và nhạc sĩ là hai người khác nhau khi nghe ca khúc 'Bông hồng cài áo', trước kia cũng vậy và bây giờ cũng vậy”.

Còn chúng ta, với tình yêu thương và biết ơn cha mẹ, cũng cùng rung động và cùng mong muốn tinh thần của ngày lễ Vu lan, truyền thống Bông hồng cài áo luôn hiển hiện trong tim, thể hiện trong từng nhịp thở vào hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày…

Pháp Định

Tin mới