Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyện chưa biết về một ‘đạo trà’ từ cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược

(VTC News) -

Một 'đạo trà' được hình thành bởi những người lính nằm chốt, là thú thưởng trà giữa chiến trường ác liệt chống quân Trung Quốc xâm lược.

Cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược 1979 là cuộc chiến tranh khốc liệt. Hàng chục ngàn binh lính, người dân đã ngã xuống để bảo vệ biên giới. “Thác gọi hồn”, “Lò vôi thế kỷ” là những địa danh tố cáo sự tàn bạo của lính Trung Quốc, và cũng là biểu tượng của tinh thần bất khuất, quyết giữ đến cùng từng tấc biên cương của quân dân ta.

Giữa chốn nung đá nấu thịt ấy, đã khởi nguồn một nét đẹp đến không ngờ. Một văn hóa trà đạo được hình thành bởi chính những người lính nằm chốt. Sau những giờ phút trên chiến trường ác liệt chống quân xâm lược, các anh tạo ra một thức trà đặc biệt: Trà chốt.

Tìm về “làng trà” Bách San thuộc thôn Thanh Sơn xã Thanh Thủy, Hà Giang, chúng tôi tìm gặp được anh Trần Lê Trung – người đã gắn bó máu thịt với mảnh đất này và cũng là một trong những nghệ nhân làm trà nức tiếng của vùng Hà Giang.

Cổng chào “làng trà" Bách Shan do anh Trần Lê Trung đầu tư xây dựng ở gần cửa khẩu Vị Xuyên.

“Làng trà” nằm trên trục đường hướng về phía cửa khẩu Thanh Thủy, cách cửa khẩu không xa, cũng là tuyến đường chính từng dẫn ra trận địa Vị Xuyên – một trong những trận địa tàn khốc nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược. Gọi là “làng trà”, nhưng thực chất, là một mảnh đất rộng, bên dòng sông Lô, giữa vùng hoang vắng, được quy hoạch bài bản. Không gian ở đây tĩnh mịch và yên ắng.

Đi về hướng cửa khẩu Thanh Thủy, có thể dễ dàng nhận ra “làng trà” qua chiếc cổng lớn. “Tường bao” là những lớp cây dày đan vào nhau, um tùm và biệt lập như một thủ phủ, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.

Căn phòng giới thiệu các loại trà shan tuyết Hà Giang, trong đó có trà chốt.

“Làng trà” nằm bên sông Lô uốn lượn, với những dãy núi trùng điệp bao quanh. Bên trong, rất nhiều loài hoa cỏ được trồng và không gian được sắp đặt rất tinh tế. 

Giữa không gian tĩnh mịch là một căn phòng nhỏ để du khách thưởng trà. Chủ nhân “làng trà”, anh Lê Trần Trung thuần thục pha ấm trà nhỏ. Mùi trà thơm ngát, tỏa hương vừa thanh vừa ngọt khiến cái nóng của mùa hè như giảm xuống vài phần.

Anh Trung là người đang cố gắng làm sống dậy thương hiệu trà chốt một thời và xây tiếp những viên gạch cho văn hóa trà đạo Việt Nam. Đã gắn bó với cái nghề làm trà tiếp nối từ cha ông, anh Trung say sưa kể lại cho chúng tôi cái thức trà đặc biệt được sinh ra từ cuộc chiến bảo vệ biên giới này.

Anh Trần Lê Trung cùng vợ thử trà bên cây chè shan tuyết cổ thụ.

“Bố mẹ tôi vốn là người gốc Hà Tĩnh, lên Hà Giang để xây dựng kinh tế từ năm 1962. Tôi sinh ra ở trên này. Năm 1979 chiến tranh nổ ra. Cuộc sống của gia đình tôi cũng như của bao người dân Hà Giang đều bị đảo lộn.

Gia đình khi đó nghèo lắm, nên 7 tuổi tôi đã phải giúp bố mẹ nhặt chè, đến 16 tuổi đã phải sao chè để dành tết bán lấy tiền giúp bố mẹ. Hồi đó khắp vùng không ai là không biết đến trà chốt. Ai cũng bảo có được cân trà chốt là quý hóa lắm…” – anh Trung nhớ lại.

Khách nước ngoài thăm “làng trà” Bách Shan.

Theo lời anh Trung, chiến tranh bảo vệ biên giới rất khốc liệt, bộ đội thường thay phiên nhau lên nằm hầm, cứ theo đợt khoảng 9 tháng sẽ đổi quân một lần. Quá trình đóng chốt vốn không tránh khỏi sự nhàm chán, núi rừng Hà Giang lại sẵn có những cây chè shan tuyết, bộ đội liền tranh thủ đi hái lá chè về chế biến, và từ đó làm nên một thức uống thượng hạng.

Vừa nhâm nhi ngụm trà, anh Trung vừa tâm đắc kể: Có thể nói trà chốt là một trong những thức uống vô cùng cầu kỳ. Chè tuyệt đối không bao giờ được hái vào ngày mưa hay ngày có sương vì độ ẩm cao sẽ trực tiếp làm ảnh hưởng đến tinh chất trà.

Những người lính phải dậy từ sáng sớm, ra rừng chè shan tuyết, chọn những búp ngon nhất hái về. Thậm chí, họ còn kỳ công chọn từ những cây chè bị pháo kích hoặc súng đạn bắn đến rách tươm thân cây.

Trà chốt chế biến cầu kỳ từ búp cây chè shan tuyết

Nghe có vẻ lạ kỳ nhưng sự thực cây chè có sức sống rất mãnh liệt. Bom đạn có giã xuống những cánh rừng bạt ngàn làm chết khô nhiều cây đinh, cây nghiến cổ thụ, nhưng kỳ diệu là nhiều cây chè tuy thân đã bị chẻ làm đôi nhưng vẫn sống, thậm chí còn tiếp tục đơm cành, cho ra những búp chè tươi non mơn mởn.

Những cây chè có sức sống mãnh liệt như thế thường có tinh chất trà rất ngon. Và những anh bộ đội cắm chốt thời đó luôn lựa chọn một cách cầu kỳ như vậy.

Sau khi có được những búp chè ngon nhất của rừng núi thì họ lập tức sơ chế để giữ được sự tươi mới, thanh mát của từng búp chè. Đặc biệt trình độ và sự khéo léo của những người lính khi làm trà chốt rất cao. Lá chè xanh mơn mởn khi được hái về thì liền sao bằng những chảo nhôm do Liên Xô cung cấp hoặc bằng những chiếc mũ cối sắt đã được tháo quai. Mỗi một lần sao thì chỉ làm được vài lạng chè tươi, cho ra một nhúm trà khô vô cùng cầu kỳ.

Chè búp sẽ được sao kỹ, sau đó vò đều bằng tay. Tay vò chè phải thật vừa, nếu quá mạnh sẽ làm nát búp chè, nếu quá nhẹ thì chất trà không được ngon. Tiếp đến, trà sẽ được đưa lên chảo để sấy với lửa nhỏ liu riu. Đặc biệt hơn cả là những người lính khi đó không dùng đũa để đảo sấy trà mà phải tự dùng tay cho vào chảo nóng đảo tròn đều bởi như thế trà sẽ được vò lần hai, đưa lại chất lượng trà tuyệt hảo nhất.

Cách thưởng trà chốt rất cầu kỳ.

Một mẻ nếu bị cháy hoặc hỏng là bỏ đi ngay, nên khi đã ra thành phẩm sẽ có chất lượng tuyệt hảo, màu nước xanh và đặc biệt là vị trà thơm ngọt, thanh mát, chát nơi đầu lưỡi còn vị ngọt thì quyện xuống cuống họng. Có thể nói trà chốt là một thức uống vừa chơi hương, vừa chơi vị.

Đặc biệt, việc sao trà chốt phải thực hiện trong hầm. Chỉ cần một làn khói mỏng bốc lên thôi cũng có thể khiến quân địch phát hiện ra và giã hàng tấn đạn pháo xuống khu vực đóng quân, nên mọi hoạt động đặc biệt là đun nấu đều phải rất cẩn trọng. Các anh thường vào những khu vực cây cối bị đạn bom nung cháy thành than, lấy than đó về để sao chè. Chè sao bằng than đó, vừa không có khói, nhiệt lượng vừa đủ để có được trà ngon.

Cái thú vui làm trà và thưởng trà một cách tinh tế đến vậy cũng có nguyên nhân sâu xa. Những người lính tham gia bảo vệ biên giới phần đông trong số họ là những thanh niên vừa rời ghế nhà trường. Họ chuẩn bị tiến tới giảng đường đại học thì nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc mà xung quân đi lính.

Anh Trung pha trà chốt mời khách.

Nhiều chiến sỹ hồi đó vẫn còn mang theo sách vở để ôn luyện, chờ ngày trở về sẽ tham gia kỳ thi tuyển đại học. Còn có cả những cậu sinh viên tạm gác sách vở, mang theo bên mình là bức hình người yêu cùng những dòng thư tay thắm thiết rồi xung phong tham gia chiến trận. Chính vì thế mà những cốc trà thơm ngon không chỉ để uống cho mát mà còn là một trong những thú vui ít ỏi của người lính – thú thưởng trà giữa chiến trường ác liệt để suy tư về những hoài bão của người lính trí thức.

Trước ngày tìm đến “làng trà” Bách Shan, tôi đã có dịp theo chân đội rà phá bom mìn trên những địa điểm mà nghe tên thôi cũng đã đủ rợn người như: Đồi thịt băm, Lò vôi thế kỷ, hay đồi 500, đồi 600,... Tôi không khỏi ngạc nhiên khi hàng tấn bom mìn và nhiều vật liệu nổ khác vẫn còn sót lại khắp rừng.

Điều đó, giải thích cho chuyện không ít người lính ra đi do vào rừng hái chè rồi dẫm phải mìn. Chưa kể quân do thám Trung Quốc chỉ cần nhìn thấy dấu chân của bộ đội ta là sẽ cài mìn cùng nhiều vật liệu nổ khác. 

Nhà thờ những liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến Vị Xuyên trong “làng trà” Bách Shan.

Anh Trần Lê Trung kể rằng, theo lời những cựu chiến binh, làm ra được vài cân trà chốt đã vất vả cực nhọc, khi về đến Hà Giang đổi phiên, thì đôi khi các anh lại bị vệ binh tịch thu hết vì chính sách thời đó là cấm mọi loại hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa từ biên. Để lén cầm về được mấy cân trà cũng khó khăn vô cùng với người lính.

Nhưng, trà chốt quý hơn tất thảy là tinh thần trà đạo thanh nhã giữa cuộc chiến tàn khốc. Trong đó không thể không kể đến câu chuyện mời trà được những cựu binh may mắn sống sót kể lại. Mặc dù lúc chiến trận ác liệt là vậy nhưng cả bộ đội ta và lính Trung Quốc đều là những chàng thanh niên trẻ.

Tuy có khác nhau về dân tộc, ngôn ngữ và phải chiến đấu vì những mục đích khác nhau nhưng suy cho cùng, cái tinh thần tuổi trẻ yêu đời, yêu cuộc sống thì không hề khác biệt. Cứ sau mỗi trận đánh, bộ đội ta và lính Trung Quốc lại ném tặng nhau những món quà quý giá nhất. Quân bên đó thường ném cho ta thịt hộp, thuốc lá thì quân ta lại đem thứ trà chốt quý giá nhất ném sang để cùng mời nhau thưởng thức.

Chế biến trà chốt ở “làng trà” Bách Shan.

Thế là giữa những tiếng bom đạn rung trời lở đất, máu đổ xương tan, vẫn có những giờ phút yên lặng, cả hai cùng nhau nhâm nhi chút thức ăn và thưởng thức cùng nhau những tách trà ấm thơm mát, ngọt lịm. Đó thực là một điểm sáng đẹp đẽ của trà đạo, của cuộc sống giữa chiến tranh khốc liệt.

Nghe chuyện trà chốt, tôi tò mò hỏi anh Trung rằng, Hà Giang bây giờ còn ai làm trà chốt nữa không, anh nhấp ngụm trà bảo: “Trà chốt với tôi đó là ký ức, đó là tinh thần không lùi bước của người lính chiến đấu tại chiến trường biên giới Vị Xuyên. Trà chốt bây giờ nếu thực làm như ngày xưa thì giá thành sẽ rất đắt, vì rất tốn công sức, ít người có thể mua được nên cứ mai một dần và giờ thì chẳng còn ai làm nữa.

Tôi chỉ làm trà chốt để giữ nghề của các anh và mang tính biểu tượng. Tôi cũng muốn khôi phục và phát triển thứ trà chốt tinh túy này, và biến nó thành một thứ đạo trà, nhưng không dễ. Cây chè shan tuyết Hà Giang là một sản vật tuyệt vời của núi rừng, nếu duy trì cách làm truyền thống và bảo tồn các cây trà cổ thụ để có được tinh chất trà đặc biệt như trà chốt người lính chế biến khi xưa, thì có thể biến thành một đạo trà”.

Anh Trần Lê Trung giới thiệu cách chế biến trà shan tuyết thành bánh.

Anh Trung dẫn chúng tôi tham quan một vòng “làng trà” Bách Shan mà anh cầu kỳ đầu tư xây dựng. Giữa “làng trà” có một căn nhà thờ nhỏ nép dưới tán cây. Anh bảo đây là nhà thờ anh dựng lên để thờ tất cả những người lính đã chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Vị Xuyên này. Nếu không có họ thì sẽ không bao giờ có thứ trà chốt đặc biệt ấy.

Anh muốn kể cho khách đến tưởng niệm những người lính ngã xuống câu chuyện về những chén trà chốt thanh mát bình dị. Anh Trung cũng lấy chính ngày 12/7 (ngày Giỗ Trận) làm ngày giỗ tổ nghề làm trà để thể hiện lòng tri ân và biết ơn về một thời kỳ lịch sử và những con người làm nên lịch sử dân tộc.

Dù sao thì thức trà chốt vẫn đang bị lãng quên và chỉ còn lại trong tâm trí của những cựu binh hoặc người dân địa phương sống gần chiến địa như anh Trung. Nếu được khôi phục lại nó sẽ là một trong những thứ đặc sản đặc sắc của Hà Giang và cũng là một trong những yếu tố xây dựng văn hóa trà đạo và tinh thần trà đạo của riêng Việt Nam. Lúc đó trà không chỉ còn là một thức uống giải khát đơn thuần nữa mà còn là một trong những tinh hóa văn hóa dân tộc vô cùng đẹp đẽ xứng đáng được lưu truyền.

Trần Huệ Trang

Tin mới