Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

'Chung cư lợn' ở Trung Quốc gây lo ngại về mùi hôi và nguồn xả

(VTC News) -

Một số nông dân sống gần tòa nhà chăn nuôi lợn 26 tầng ở tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) tỏ ra lo ngại về mùi hôi từ tổ hợp này sau khi nó đi vào hoạt động hết công suất.

Theo New York Times, việc đưa vào hoạt động các tổ hợp chăn nuôi lợn khép kín như thành phố Ngạc Châu thuộc tỉnh Hồ Bắc được xem là đột phá quan trọng đối với ngành chăn nuôi Trung Quốc. Đây là một giải pháp cho nguồn cung thịt lợn mỗi năm ở thị trường 1,4 tỷ dân này. Nhưng nó cũng gây ra nhiều lo ngại về môi trường.

Lo ngại mùi hôi từ 1,2 triệu con lợn

Theo công ty chăn nuôi Hubei Zhongxin Kaiwei, chủ đầu tư dự án ở Ngạc Châu, dự kiến tổ hợp chăn nuôi này mỗi năm cho xuất chuồng khoảng 1,2 triệu lợn thịt (tương đương 108.000 tấn thịt mỗi năm). Tổng đầu tư của dự án lên đến 4 tỷ nhân dân tệ (hơn 570 triệu USD).

Công ty này cho biết chất thải từ lợn sẽ được xử lý và sử dụng để tạo ra khí sinh học, khí này có thể được sử dụng để phát điện và đun nước nóng trong trang trại. Công nhân sẽ được yêu cầu trải qua nhiều vòng khử trùng và xét nghiệm trước khi được phép vào và không thể rời khỏi trang trại cho đến ca nghỉ tiếp theo.

Mô hình chăn nuôi khép kín như của Hubei Zhongxin Kaiwei dù được coi là hướng đi cho tương lai, nhưng một số chuyên gia lẫn người dân vẫn bày tỏ lo ngại về những nguy cơ đến từ những dự án chăn nuôi tập trung quá lớn.

Tờ Guardian dẫn lời một nông dân giấu tên sống ở ngôi làng đối diện tổ hợp của Hubei Zhongxin Kaiwei cho biết ông không thể hiểu nổi tại sao lại xây dựng một trang trại lớn đến thế, đồng thời lo ngại việc ở quá gần trang trại này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình ông.

“Khi trang trại vào hoạt động hết công suất, mùi hôi trong không khí là điều có thể thấy trước”, nông dân này cho biết.

Người nông dân này cũng cho rằng tổ hợp chăn nuôi của Hubei Zhongxin Kaiwei sẽ là xu hướng của tương lai, khi mỗi con lợn giờ đây chỉ cần vài tháng để xuất chuồng trong khi thông thường phải mất đến hơn nửa năm.

Cận cảnh tổ hợp chăn nuôi Hubei Zhongxin Kaiwei có 24 tầng dành riêng cho chăn nuôi lợn. Mỗi tầng hoạt động độc lập cho mọi giai đoạn trong tuổi đời của lợn, từ giao phối đến trưởng thành. (Ảnh: New York Times)

Cũng theo New York Times mô hình chăn nuôi khép kín trong các tòa nhà cao tầng tăng mạnh ở Trung Quốc sau khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) xóa sổ hơn một nửa đàn lợn của nước này vào năm 2019. Dịch ASF đã dẫn đến việc giá thịt lợn tăng cao kỷ lục và xóa sổ hàng triệu trang trại truyền thống ở nông thôn Trung Quốc.

Để tránh rủi ro lan truyền, Bộ nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc từ năm 2021 đã phân loại đất nước thành năm khu vực địa lý và đề xuất không vận chuyển vật nuôi xuyên vùng, trong khi chính quyền các địa phương khuyến khích tăng năng lực tại chỗ để đáp ứng nhu cầu.

Trước đó, năm 2019, Bộ nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc thậm chí đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn trong các tòa nhà cao tầng.

Tổ hợp chăn nuôi của Hubei Zhongxin Kaiwei gồm hai tòa nhà 26 tầng, mỗi tòa rộng 400.000 m2, tất cả đều sẽ được trang bị máy cho ăn tự động (hơn 30.000 điểm cho ăn), hệ thống lọc không khí và khử mùi thông minh.

Tất cả hoạt động của tổ hợp này đều được điều khiển thông qua hệ thống giám sát trung tâm tại tầng 1 mỗi tòa nhà.

Dù được giới thiệu là chăn nuôi khép kín, tổ hợp Hubei Zhongxin Kaiwei vẫn khiến một số người dân sinh sống gần đó lo ngại về ô nhiễm. (Ảnh: New York Times)

Đàn lợn quá đông đi liền với dịch bệnh

Truyền thông Trung Quốc ca ngợi dự án Hubei Zhongxin Kaiwei là một trong những tổ hợp chăn nuôi hiện đại nhất. Mô hình này giúp tối ưu hóa hiệu quả lao động, tạo ra hệ sinh thái xanh và giảm thiểu tổng chi phí đầu tư.

Tuy nhiên, các nhà vận động môi trường cho rằng các phương pháp chăn nuôi này sẽ có tác dụng ngược lại, làm tăng khả năng bùng phát dịch bệnh đồng thời thúc đẩy tiêu thụ protein động vật, vốn có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Theo Hiệp hội vi sinh Mỹ (ASM) ước tính có khoảng 225 triệu con lợn ở Trung Quốc đã chết hoặc bị tiêu hủy sau khi đợt dịch ASF vào năm 2018, dù các mô hình chăn nuôi kiểu mới có thể giúp kiểm soát dịch bệnh nhưng nó cũng có những mặt trái.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng chăn nuôi khép kín trên quy mô lớn chỉ làm tăng xác suất và mức độ nghiêm trọng nếu dịch bệnh bùng phát.

Dirk Pfeiffer, giáo sư tại Đại học Hong Kong cho biết: “Mật độ động vật càng cao thì nguy cơ lây lan và khuếch đại mầm bệnh truyền nhiễm cũng như khả năng đột biến càng cao”.

Matthew Hayek, trợ lý giáo sư về nghiên cứu môi trường tại Đại học New York cho biết thêm: “Các cơ sở chuyên sâu có thể làm giảm sự tương tác giữa động vật hoang dã và thuần hóa cũng như bệnh tật của chúng, nhưng nếu dịch bệnh xâm nhập vào bên trong, chúng có thể bùng phát nhanh như một đám cháy”.

“Tôi đã nghe nhiều báo cáo về an toàn sinh học, hiệu quả và tính bền vững với các mô hình chăn nuôi tương tự tại Mỹ. Tuy nhiên có rất ít kế quả nào cho thấy tổ hợp chăn nuôi khép kín này mang lại hiệu quả như kỳ vọng”, ông Matthew Hayek nói thêm.

Khi đến thăm tổ hợp chăn nuôi của Hubei Zhongxin Kaiwei, khách thăm quan phải tắm rửa, khử trùng và sau đó lau khô người trước khi mặc bộ đồ bảo hộ toàn thân để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh nhưng không gì đảm bảo quy trình này sẽ luôn hoạt động. (Ảnh: New York Times) 

Cũng theo các chuyên gia, hệ thống điều hòa không khí tự động tại tổ hợp chăn nuôi Hubei Zhongxin Kaiwei dù hiện đại vẫn không thể so sánh với các trang trại chăn nuôi ngoài trời.

“Việc ách tắc ở các chuồng bên trong tổ hợp chăn nuôi với mỗi tầng có trên 1.000 con lợn tạo điều kiện cho dịch bệnh lây từ động vật sang người lây lan. Hãy nhìn vào sự lây lan của COVID trong các tòa nhà cao tầng bạn có thể thấy nhiều đợt bùng phát hơn ở những cơ sở chăn nuôi tập trung như vậy”, Anita Krajnc điều phối viên tổ chức bảo vệ môi trường The Plant Based Treaty cho biết.

Dù các tổ hợp chăn nuôi tập trung như Hubei Zhongxin Kaiwei mang đến những nguy cơ nhưng Giáo sư Zhu Zengyong thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc lại cho rằng so với các phương pháp chăn nuôi truyền thống, mô hình chăn nuôi khép kín trong các tổ hợp cao tầng thông minh hơn, với mức độ tự động hóa và an toàn sinh học cao, đồng thời tiết kiệm tài nguyên đất đai.

Chỉ riêng ở tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc, tính đến năm 2020, đã có đến 64 tổ hợp chăn nuôi bên trong nhà cao tầng được lên kế hoạch hoặc đang xây dựng. Và theo ông Zhu Zengyong đây là xu hướng tất yếu.

Trà Khánh (Nguồn: New York Times; Guardian)

Tin mới