Các em cần cộng đồng dang rộng vòng tay giúp đỡ, tiếp tục chặng đường tương lai phía trước.
Đồng hành cùng trẻ
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực phát triển, nhà hoạt động xã hội và là tác giả chính luận, nghiên cứu và vận động chính sách nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói của người dân, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho rằng xã hội cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá tổn thương tinh thần của trẻ em trong đại dịch COVID-19.
Nhiều trẻ mồ côi sau đại dịch COVID-19.
Dịch bệnh tạo ra sang chấn tâm lý, bởi nó xáo trộn, phá vỡ nhịp điệu cuộc sống quen thuộc hàng ngày, đẩy con người vào sự bất an, với mối nguy hiểm luôn hiện hữu mà không ai có thể kiểm soát. Với đối tượng trẻ em, ảnh hưởng của dịch bệnh còn lớn hơn nhiều do sức kháng cự về mặt tâm lý yếu hơn người trưởng thành.
Đại dịch khiến trẻ em mất cơ hội đến trường, phải học trực tuyến, không có cơ hội giao tiếp xã hội, gặp gỡ bạn bè dẫn đến tiềm ẩn nhiều hội chứng tâm lý, trong đó có trầm cảm. Với những trẻ em bị dịch bệnh cướp đi hơi ấm yêu thương của cha mẹ, tổn thương tinh thần còn lớn hơn vạn lần.
dang hoang giang.jpg
Trẻ em mồ côi sau đại dịch rất cần được lắng nghe và thấu hiểu.
TS Đặng Hoàng Giang
Nỗi sợ cuộc sống bên ngoài, sợ những tiếp xúc xã hội vốn xa xỉ trong thời kỳ đại dịch, sợ đau đớn tổn thương lần nữa, hay đơn độc trên đường đời khi không còn người thân yêu bên cạnh,... có thể khép chặt cánh cửa tâm hồn, thậm chí ảnh hưởng đến tương lai, nếu các em không được chăm sóc sức khỏe tinh thần đủ tốt.
Từng tiếp xúc với nhiều người trẻ thông qua các công trình nghiên cứu về tâm lý học và hành vi xã hội, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho rằng chiếc chìa khóa để người lớn cùng các em chữa lành những vết thương tâm lý là sự lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận mọi phản ứng tâm lý của các em, dù đó là những phản ứng tiêu cực.
Tiến sĩ Giang cho rằng, nhà trường, phụ huynh phải ý thức được vết thương tâm lý mà trẻ em vừa trải qua, không nên chỉ quay lại xem điểm số thế nào, các em ngoan hay không, học giỏi hay không, mà cần quan sát, nói chuyện, lắng nghe thế giới nội tâm của các em. Để tìm hiểu xem các em có bị dư chấn tâm lý sau khi bị cách ly, không có bạn bè, phải học online dẫn đến thiếu những tương tác, tiếp xúc xã hội cần thiết trong quá trình hình thành tính cách và quan sát thế giới.
Với những trẻ em mồ côi sau đại dịch, khi thấy các em có biểu hiện như stress, mất ngủ, chán học hành, thiếu hợp tác, thì không nên coi đó là dấu hiệu căng thẳng thông thường sẽ sớm qua đi, hay vội đánh giá đó là tính cách của các em. Thầy cô, người thân cần kiên nhẫn lắng nghe, khuyến khích các em bộc lộ cảm xúc thật, dù cảm xúc ấy có bột phát theo chiều hướng nào. Hãy ghi nhận cảm xúc ấy như hiện tượng tâm lý bình thường, đừng đánh đồng những cảm xúc ấy với sự yếu nhược hay kém cỏi.
Hàn gắn vết thương
Thạc sĩ Lê Hồng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP.HCM) - cho rằng trách nhiệm từ nhà trường với những trẻ mồ côi cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa, tạo ra môi trường giáo dục gia đình và học đường lành mạnh là yếu tố tiên quyết, giúp các em có bệ đỡ để vượt qua những khó khăn, tổn thất tinh thần.
Trường THPT Võ Văn Kiệt có 26 học sinh mồ côi cha hoặc mẹ trong đợt dịch COVID-19. Theo ThS Lê Hồng Anh, các thầy cô phải trở thành người cha, người mẹ tận tâm để lắng nghe tiếng lòng của các em.
le hong anh.png
Các thầy cô phải trở thành người cha, người mẹ tận tâm để lắng nghe tiếng lòng của các em.
ThS Lê Hồng Anh
Mỗi thầy cô giáo cần đóng vai là anh, là chị, là mẹ, là cha của những học trò kém may mắn, để các em ấm lòng hơn và cùng bước tiếp qua những ngày sóng gió, trong bối cảnh các em đang thiếu thốn tình thương của cha, mẹ.
Ở độ tuổi này, dù đủ cái ăn cái mặc nhưng thứ cần nhất ở các em là tình thương, sự quan tâm, chăm sóc, khuyên bảo. Các em cũng cần những lời động viên, cách định hướng của người lớn khi các em gặp khó khăn, khúc mắc mà không biết tìm ai để giãi bày…
Trong 26 em học sinh không may có cha hoặc mẹ qua đời do dịch COVID-19 ở trường, em nào cũng có ý thức học tập rất tốt, bản thân các em còn biết chia sẻ giúp đỡ với người thân công việc nhà. Người lớn chúng ta hãy tiếp tục nắm tay các em trong những ngày sắp tới.
TS Đặng Hoàng Giang cho rằng, khi dịch bệnh qua đi, guồng quay giáo dục hoạt động hối hả trở lại, điều quan trọng không phải là thúc ép học sinh theo nhịp học tập đã bị dồn nén trong thời gian qua, mà là cùng các em ngồi xuống chia sẻ tiếng lòng. Với trẻ mồ côi cha mẹ, thầy cô có thể thay cha mẹ các em để trở thành điểm tựa tinh thần, dìu dắt các em qua những ngày khó khăn nhất.
“Đại dịch COVID-19 là cơ hội để xã hội nhìn nhận lại quá trình chăm sóc tâm lý. Hành trình cùng trẻ em hàn gắn vết thương lòng rất khó khăn và gian nan, nhưng càng khó thì càng phải làm. Chăm sóc đời sống cảm xúc của trẻ em đòi hỏi sự kiên nhẫn và bao dung, khác với đời sống tinh thần của các em vốn hiển hiện những nhu cầu ra bên ngoài.
Hãy dành nguồn lực để chăm sóc tinh thần cho các em, thay vì chỉ quan tâm đến những yếu tố khác như điểm số, thành tích, năng lực học tập. Hãy giúp các em có đời sống tinh thần khỏe mạnh để vượt qua sang chấn tâm lý”, TS Đặng Hoàng Giang đánh giá.
Video: Cuộc sống mới của những đứa trẻ mồ côi
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Bên cạnh quan tâm từ gia đình và nhà trường, những đứa trẻ thiếu thốn tình thương sau đại dịch COVID-19 rất cần sự chung tay của toàn xã hội, với những chính sách vĩ mô của các sở ban ngành.
Theo TS.BS Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ mồ côi do COVID-19 theo quy định. Ngoài hỗ trợ về tiền mặt, trẻ mồ côi còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề; hỗ trợ mai táng phí khi chết.
Trao học bổng đồng hành cùng trẻ mồ côi vượt đại dịch.
Khi trẻ em thuộc các đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
Từ hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, các Sở LĐ-TB&XH đã kịp thời hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em mồ côi do COVID-19 về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng; để các em không bị gián đoạn việc học tập. Đồng hành với đó là việc triển khai và kết nối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội và trợ giúp pháp lý để quyền, lợi ích của trẻ em không bị xâm hại do các em không có sự giám hộ của cha, mẹ; chăm sóc thay thế cho các em, ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế. Mục tiêu cao nhất là để trẻ em được sống trong môi trường gia đình, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ.
Bộ LĐ-TB&XH cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em mồ côi do COVID-19, trẻ em là con của sản phụ mắc COVID-19.
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,83 tỷ đồng cho 1.541 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ) và 128 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 (mức 1 triệu đồng/trẻ).
Riêng TP.HCM, trong năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT đã triển khai thực hiện công tác chính trị tư tưởng, đặt trọng tâm phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, tổ công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, các đơn vị chú trọng nâng cao năng lực cho trẻ em để các em tự giải quyết các vấn đề của bản thân và hoàn thành quá trình học tập trực tuyến tại nhà và khi đi học trực tiếp tại trường trở lại, đảm bảo tất cả các em học sinh bị tác động tâm lý do dịch bệnh COVID-19 đều được tư vấn chăm sóc.
Ngày 7/4, tại chương trình kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu biểu quyết thông qua quyết định: Trẻ em đang thực tế cư trú tại địa phương (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo Luật Cư trú) mà mồ côi cha hoặc mẹ và bị người còn lại bỏ rơi, sống với ông, bà hoặc người nuôi dưỡng nhưng hiện nay ông, bà hoặc người nuôi dưỡng đã tử vong thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên bằng với mức học phí theo quy định; riêng trường hợp trẻ em đang học tại các trường tư thục mức hỗ trợ học phí bằng với mức học phí của trường công lập. Mức hỗ trợ hàng tháng với trẻ em dưới 4 tuổi là: 1,2 triệu đồng/trẻ/tháng; Trẻ em từ đủ 4 tuổi trở lên là: 720.000 đồng/trẻ/tháng.
Với những chính sách kịp thời, cùng sự chung tay của gia đình, thầy cô, bạn bè, các em sẽ không còn cô độc trên quãng đường đời phía trước.