Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chùa Cầu bị chê mới, cựu Bí thư Thành ủy Hội An nói có yêu mới bày tỏ khen chê

(VTC News) -

Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự vừa lên tiếng trước thông tin Chùa Cầu - biểu tượng xuyên suốt 4 thế kỷ của phố cổ Hội An - lạ lẫm sau trùng tu.

Những ngày gần đây, dư luận đang bàn tán xôn xao trước diện mạo mới của Chùa Cầu ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, sau cuộc đại trùng tu. Ngày 28/7, trả lời Báo điện tử VTC News, ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - chia sẻ, về nguyên tắc trùng tu Chùa Cầu, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện đã tận dụng tốt cấu kiện còn sử dụng được, tức là tất cả những phần kiến trúc còn có thể sử dụng như gỗ, sàn, lan can,... nếu đảm bảo tính nguyên gốc thì đã được giữ lại.

Nhiều người cảm thấy lạ lẫm về diện mạo mới của Chùa Cầu sau khi được trùng tu..

 

"Chỉ một số thanh gỗ mục ruỗng mới được thay mới. Đối với những thanh gỗ mới này, đơn vị thi công cần nghiên cứu, xử lý làm sao cho nó tương đồng với màu phần gỗ cũ. Thậm chí, cần phải khắc rõ ngày, tháng, năm lên các thanh gỗ mới để con cháu đời sau biết được là những phần này đã được tu bổ vào thời gian nào” - ông Sự nói.

Cũng theo Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, đối với phần mái ngói, khi tiến hành tháo dỡ thì phần lớn đã bị hỏng nên phải đặt làm mới. Tất cả ngói được sử dụng cho việc trùng tu Chùa Cầu được sản xuất từ đất sét tại chính làng gốm Thanh Hà của Hội An.

Tất cả những phần kiến trúc còn có thể sử dụng như gỗ, sàn, lan can nếu đảm bảo tính nguyên gốc thì đã được giữ lại.

"Khi mới lợp lên, chúng ta sẽ thấy nó mới. Song chỉ sau vài mùa mưa, mái ngói sẽ phủ rêu và mang dáng vẻ cổ kính như trước. Còn đối với phần tường bên ngoài, rõ ràng màu đỏ đậm nhìn khác xa so với màu nâu của công trình trước khi trải qua cuộc đại trùng tu. Về phần này, tôi nghĩ đơn vị phụ trách trùng tu nên xem xét lại và có thể quét lại màu nhạt hơn để mọi người không nhìn di tích với ánh mắt lạ lẫm" - ông Sự phân tích.

Đề cập đến việc nhiều người bày tỏ sự chê bai khi Chùa Cầu "khoác áo mới", vị cựu lãnh đạo của TP Hội An cho rằng: "Có yêu thì người dân, du khách mới bày tỏ sự khen – chê đối với di tích được xem là biểu tượng của đô thị cổ. Vậy nên lãnh đạo địa phương cũng như những người làm công tác trùng tu di tích phải biết lắng nghe, tiếp thu, thậm chí có sự điều chỉnh sao cho phù hợp. Không chỉ đối với Chùa Cầu mà còn là kinh nghiệm sau này đối với các di tích khác ở phố cổ”.

Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Đức Minh - Nguyên phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An - thẳng thắn "chê" màu vôi Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu.

Ông Minh đánh giá, trong khi nội thất làm chỉn chu thì bề mặt bên ngoài sơn phết không đồng bộ nên nhìn mới, hiện đại.

"Cả phần ngói cũng vậy. Màu sắc không được xử lý giống với màu gốc của Chùa Cầu. Thiết nghĩ, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện trùng tu cần phải xem lại" - ông Minh nhấn mạnh.

Lớp vôi phủ bên ngoài di tích Chùa Cầu khiến nhiều người có cảm giác lạ lẫm.

Ông Hồ Xuân Tịnh - Nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam - cho rằng, nếu Chùa Cầu được tu bổ đúng nguyên tắc trùng tu di tích thì không có vấn đề gì phải lo.

Theo ông Tịnh, khi tu bổ phải quét vôi lại, mà quét vôi thì sẽ thấy nó mới. Quan trọng là vật liệu gỗ, ngói, vôi, kỹ thuật trùng tu như thế nào..., có giữ được yếu tố gốc của di tích hay không.

Trong khi đó, ông P.V.C – một chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác trùng tu di tích ở Quảng Nam - cho biết trùng tu phải đảm bảo bảo tồn yếu tố gốc của chất liệu, kiến trúc, kích thước, màu sắc nguyên thủy, nguyên gốc.

Vì vậy, phải phân định rõ, những màu sắc đang bị cho là mới so với trước khi trùng tu có phải là màu gốc, nguyên thủy hay không? Nếu đòi hỏi phải khớp với màu sắc nguyên trạng trước trùng tu thì đó cũng là màu sắc đã phai nhạt theo thời gian chứ không phải màu sắc nguyên thủy.

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%. Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn.

Việc tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.

Dự án này được khởi công ngày 28/12/2022, trong quá trình tu bổ được tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng; đồng thời được UBND tỉnh gia hạn thời gian thi công tu bổ công trình bởi tính chất quan trọng của di tích này khi Chùa Cầu được xem là biểu tượng của đô thị cổ Hội An.

THANH BA

Tin mới