Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Phát triển ngành du lịch cần tư duy, tầm nhìn, bản sắc riêng

(VTC News) -

Lấy ví dụ câu chuyện phát triển du lịch của các nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phát triển ngành du lịch quan trọng là tư duy, tầm nhìn và tạo bản sắc riêng.

Chiều 2/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt các thành viên Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch, đại diện lãnh đạo các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt các thành viên Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch; đại diện lãnh đạo các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc.

Dự cuộc gặp mặt có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; đại diện lãnh đạo 6 tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc xưa và các đại biểu Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch, Viện Kinh tế, Văn hóa.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Khắc Hải đại diện cho ngành du lịch hoài niệm chiến trường xưa cho rằng, việc tổ chức du lịch tới nghĩa trang liệt sĩ, khu di tích lịch sử ghi dấu chiến trường xưa là một cách rất hiệu quả để thế hệ trẻ hiểu rõ, để có được cuộc sống như hôm nay đã có rất nhiều sự hy sinh của các thế hệ cha ông.

Đại diện cho các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương khẳng định, các di tích lịch sử ở 6 tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc xưa là những địa chỉ đỏ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.

Thực tế, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có sự quan tâm, tôn tạo các di tích. Tiềm năng du lịch về lịch sử là rất lớn. Tuy nhiên, sự quan tâm đầu tư, chú trọng khai thác du lịch sử, du lịch về nguồn, du lịch hoài niệm chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng. Các tỉnh mong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đầu tư hơn nữa cho các khu di tích phục vụ phát triển du lịch đến các khu di tích, qua đó tuyên truyền các thế hệ sau về truyền thống cách mạng; có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào các khu di tích này.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 gây tổn thất nặng nề, nhưng cũng là cơ hội rất lớn để Việt Nam tái cơ cấu căn bản, toàn diện ngành du lịch Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và theo Luật Du lịch đã được Quốc hội thông qua; đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu về cả môi trường, hạ tầng, doanh nghiệp và các sản phẩm du lịch.

Theo Chủ tịch Quốc hội, từ nhận thức du lịch như một hoạt động vui chơi giải trí trong Luật Du lịch trước đây đến nhận thức du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang đậm giá trị văn hóa, liên kết ngành, liên kết vùng và đến du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn là một bước tiến dài. Đã là ngành kinh tế thì phải vận hành trên cơ sở nguyên tắc và quy luật của thị trường.

Lấy ví dụ những câu chuyện phát triển du lịch của các nước trên thế giới về thu hút du khách đến tham quan, kích cầu mua sắm các sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng, mỗi nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phát triển ngành du lịch quan trọng là tư duy, tầm nhìn và tạo bản sắc riêng. Vì thế, các thành viên của Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch cần đóng góp tiếng nói để cùng với sự chung tay của Trung ương, địa phương và các nhà quản lý đẩy mạnh hơn nữa ngành du lịch trong thời gian tới.

Lấy ví dụ những câu chuyện phát triển du lịch của các nước trên thế giới về thu hút du khách đến tham quan, kích cầu mua sắm các sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng, mỗi nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phát triển ngành du lịch quan trọng là tư duy, tầm nhìn và tạo bản sắc riêng.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Viện Kinh tế Văn hóa thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo và chọn chủ đề: “Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng Chiến khu Việt Bắc” với 6 tỉnh gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Tôi cũng đồng tình với chủ đề hôm nay của cuộc hội thảo. Du lịch và đặc biệt là phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử và cách mạng. Giá trị văn hóa lịch sử cách mạng của Việt Nam là một loại tài nguyên du lịch vô cùng đồ sộ, phong phú và có thể nói là hiếm có của Việt Nam đối với thế giới. Vì vậy, trong tái cấu trúc ngành du lịch phải gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng, vô tận của chúng ta".

Chủ tịch Quốc hội thông tin, sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc, trên cơ sở kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng và Nhà nước đã giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng một chương trình mục tiêu về phát triển văn hoá, trong đó có nội dung bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, việc phát triển du lịch của 6 tỉnh cũng cần phải gắn chặt với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành du lịch cần góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai phục hồi và phát triển nền kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, ngành du lịch cần góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai phục hồi và phát triển nền kinh tế - xã hội, thực hiện các nghị quyết, gói hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, trong đó có việc hỗ trợ người lao động để vừa giữ chân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động yên tâm sản xuất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội, các cơ quan Quốc hội rất mong Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Viện kinh tế văn hóa, các thành viên của Câu lạc bộ thường xuyên góp ý, để hoàn thiện thể chế chính sách, các quyết sách của Quốc hội; cũng như công tác giám sát liên quan đến lĩnh vực này. Quốc hội hoan nghênh và sẵn sàng lắng nghe ý kiến góp ý dù bằng hình thức tập thể hay cá nhân, hoặc bằng văn bản, để làm sao, Quốc hội ngày càng sát với thực tiễn hơn.

Lê Tuyết (VOV)

Tin mới