Chiều 6/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội nêu 2 vấn đề trọng tâm. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội, giao Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với địa phương thực hiện việc này, đánh giá căn cơ hơn những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn và những vấn đề đang đặt ra.
“Nếu cần thiết có thể nghiên cứu để có cơ chế, chính sách đặc thù cho Ninh Thuận”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần cố gắng làm sớm việc này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất cụ thể của tỉnh Ninh Thuận về sớm ban hành cơ chế giá điện mặt trời, nối lưới đối với các dự án điện mặt trời vận hành thương mại sau ngày 1/10/2021; chủ trương kéo dài thời gian về cơ chế hưởng giá điện gió theo Quyết định số 39 của Thủ tướng đến hết ngày 31/3/2022.
Đây là những vấn đề lớn đã được nêu tại Nghị quyết số 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ, đồng thời xuất phát từ thực tiễn của địa phương, một số vấn đề do vướng mắc chung như chính sách về giá điện năng lượng tái tạo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận chiều 6/11.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ nghiên cứu để gia hạn thời hạn áp dụng biểu giá điện gió, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành được do tác động của dịch bệnh COVID-19.
“Đây cũng có thể xem là một trong những giải pháp trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, đặt trong bối cảnh như thế để chúng ta tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đối với cơ chế giá điện mặt trời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, nhất là Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành để đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện mặt trời. Đây là vấn đề đang vướng nhưng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành.
Chủ trương này đã bàn từ năm 2017, 2018 nhưng hiện vẫn chưa ban hành được cơ chế cụ thể. Dự án có quy hoạch rồi mà không có cơ chế giá thì cũng không thể triển khai được. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung hoàn thiện sớm vấn đề này.
Đối với nhóm chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết 115 của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét cho phép Ninh Thuận được áp dụng tỷ lệ vay lại 10% đối với các dự án đầu tư mới sử dụng vốn ODA quan trọng, cấp bách theo đúng tinh thần Nghị quyết 115, trước mắt, có thể áp dụng đến năm 2023 khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 31 của Quốc hội.
Về đề xuất hỗ trợ 100% vốn đối ứng cho các dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn nước ngoài, vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì Chính phủ và Thủ tướng chủ động xử lý, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định.
Về Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (Đề án), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện theo đúng kết luận của Ban cán sự Đảng Chính phủ.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội giao Bộ Công thương sớm đề xuất với Chính phủ quyết định thời gian chấm dứt quy hoạch của các dự án Nhà máy điện hạt nhân, tạo điều kiện pháp lý cho tỉnh phê duyệt Đề án này; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phân bổ nguồn vốn thực hiện Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Nghị quyết 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ đều đã có chủ trương phát triển nguồn điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG); đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để thực hiện chủ trương tại hai Nghị quyết này, cố gắng đưa vào kỳ quy hoạch sớm hơn.
Về đầu tư lưới điện, nếu chuẩn bị kịp, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ báo cáo Quốc hội để xem xét tại Kỳ họp chuyên đề cuối năm nay. Dự án Luật sửa đổi Luật Điện lực cũng đã đề cập vấn đề đầu tư hệ thống truyền tải điện để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng hạ tầng lưới điện.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, Quốc hội Khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là quyết sách quan trọng, đúng đắn và kịp thời. Để thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết 31 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115 ngày 31/8/2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam khẳng định, Nghị quyết số 31 của Quốc hội và Nghị quyết số 115 của Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Ngay sau khi có 2 Nghị quyết này, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Chương trình hành động, Nghị quyết và kế hoạch triển khai thực hiện với 4 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 30 nhiệm vụ cụ thể. Nhờ đó, hai năm (2019-2020), Ninh Thuận thuộc nhóm tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước; thu ngân sách đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, về đích trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.