Nằm trong chương trình phiên họp thứ 23, sáng 9/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Phát biểu thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, mức lạm phát 3,15% năm 2022 là điểm sáng, nhưng theo các chuyên gia thì "điều hành quá chặt" khiến bỏ lỡ nhiều cơ hội điều chỉnh dịch vụ công.
"Lạm phát thì thấp nhưng lãi suất thì cao, chênh lệch lãi suất huy động với lạm phát lớn chưa kể đến lãi suất cho vay nên doanh nghiệp càng khó khăn", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đề cập đến việc điều hành chính sách tiền tệ, ông Vương Đình Huệ cho rằng nới room tín dụng (giới hạn cho vay) quá muộn trong những ngày cuối năm 2022, khiến room tín dụng mở ra không dùng hết.
"Tôi nhớ còn có mười mấy ngày là kết thúc năm 2022 các đồng chí mới tiến hành mà sức ép nới room tín dụng đã có từ kỳ họp thứ 4 (giữa tháng 11/2022), tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội đã nêu rất nhiều. Điều này cho thấy phản ứng chính sách thiếu nhạy bén", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá trong quý 4/2022, kinh tế đối diện nhiều cú sốc từ bên trong và bên ngoài khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhiều lần tăng lãi suất, trong nước chứng kiến cú sốc liên quan Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn. Dù vậy, Việt Nam vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và lạm phát, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là nỗ lực rất lớn.
"Năm ngoái khi xảy ra vấn đề, anh em chúng tôi lo lắm, không ngủ được, nhưng chúng ta vẫn giữ vững ổn định vượt qua được cho thấy nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trước những cú sốc lớn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là việc đáng ghi nhận.
Song nhìn từ thực tế, ông Vương Đình Huệ cho rằng các thị trường xuất hiện tình trạng khó khăn từ tài chính, tiền tệ tới bất động sản. Ông đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn tình hình năm 2023 để có kịch bản ứng phó kịp thời.
Đối với 2023, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải quán triệt, bám sát những nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Trung ương để hoàn thiện báo cáo. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, cơ bản giữ được ổn định vĩ mô, nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá ổn định, tổng mức bán lẻ tăng đến 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu khác lại giảm nhanh là điều cần phải tập trung suy nghĩ, thảo luận như chỉ số sản xuất công nghiệp, động lực tăng trưởng, số lao động trong khu vực công nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Về đầu tư dù nỗ lực cố gắng nhưng cũng chỉ bằng 19% so với dự toán giao. Thu hút FDI giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước 4 tháng, vốn đầu tư thực hiện cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu giảm đến 11,8%, nhập khẩu giảm 15,4%.
"Cán cân thương mại thặng dư nhưng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hơn 8 tỷ USD, xuất siêu chủ yếu là đầu tư nước ngoài. Lạm phát cơ bản cao hơn chỉ số giá bình quân. Các thị trường vẫn đang vướng mắc, doanh nghiệp và người dân vẫn đang rất khó khăn", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng những con số trên đã nói lên được tất cả mà không cần nhiều lời. Do đó cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó mới có giải pháp. Trong đó, bám sát vào những giải pháp đã có trong nghị quyết của Quốc hội, kết luận Trung ương, sát với những nguyên nhân hiện nay như phải tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ.
"Cần khắc phục một bộ phận lẩn tránh, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, khó khăn lớn nhất là tình trạng cán bộ có biểu hiện e ngại, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến chậm trễ trong giải quyết công việc.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Về khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết vấn đề khúc mắc là ở dòng tiền, cần có sự hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn. Môi trường đầu tư còn chưa thuận lợi.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, hiện nay đang có nhiều thủ tục mới phát sinh, nên cần có cuộc tổng rà soát toàn bộ các thủ tục để xem xét những thủ tục nào là thừa, lãng phí, gây cản trở, ách tắc hoạt động của doanh nghiệp, người dân.
Nhấn mạnh việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là tương đối khó khăn dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho hay Bộ sẽ tiếp tục tham mưu để có giải pháp phù hợp hơn, hiệu quả hơn để tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề trước mắt, đánh giá khách quan tình hình để linh hoạt ứng phó với biến động kinh tế trong nước và thế giới.