Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Chưa thấy việc mua sắm công nào kỳ quái như vaccine COVID-19

(VTC News) -

Nhắc đến những vướng mắc trong quá trình mua vaccine COVID-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng "chưa từng thấy chuyện mua sắm công nào kỳ quái như thế".

Tiếp tục phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/3, phát biểu thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu rõ, việc mua sắm vaccine COVID-19 vừa qua là trường hợp rất khác bởi đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ, hoàn toàn khác với những điều kiện thông thường, chưa bao giờ từng xuất hiện trong Luật Đấu thầu.  

"Tôi chưa từng thấy có chuyện mua sắm công nào kỳ quái như thế", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc mua vaccine như vừa qua chưa từng có tiền lệ, quy định ai mua là phải có bảo lãnh Chính phủ và muốn mua là phải đặt cọc rất lớn từ 30 - 50% giá trị lô hàng. Kèm theo một điều kiện nữa là nếu bên bán không giao hàng cho bên mua thì bên mua mất tiền cọc, hoặc vì lý do bất khả kháng không sản xuất kịp hay không đủ vaccine thì cũng mất tiền cọc.

"Lúc đó chúng tôi trao đổi với Chính phủ bây giờ không mua cũng chết, nếu không mua thì họ cũng không cần, cả thế giới đều như thế không phải chỉ mỗi Việt Nam. Có 1 triệu người mua mà chỉ có 1 người bán, vừa là độc quyền về biệt dược lại vừa trong điều kiện đặc biệt", Chủ tịch Quốc hội nói.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm thể chế trong luật trường hợp đặc biệt của đặc biệt, cần quy định rõ để sau này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vận hành được mà không phải ban hành nghị quyết.

Ông Vương Đình Huệ lưu ý đối với lĩnh vực y tế, cần nghiên cứu thêm một số nội dung để vận hành tốt hơn như trong đàm phán giá thuốc và vấn đề đấu thầu đối với biệt dược, vấn đề hóa chất... cũng cần phải có quy định trong Luật Đấu thầu này. 

Về lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tại Điều 31, Điều 32, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng các trường hợp “đặc biệt” và “đặc thù” nhưng thật cần thiết thì quy định vào trường hợp chỉ định thầu.

Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc thù, đặc biệt cũng là chỉ định thầu nên ghi thẳng vào trong Luật, tiến tới là bỏ các quy định về trường hợp đặc biệt để đảm bảo minh bạch. Trong trường hợp cần thiết vẫn cần duy trì trường hợp đặc biệt, đề nghị theo chủ trương phân cấp, phân quyền và một việc là giao một người chịu trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định giao Thủ tướng chịu trách nhiệm xem xét, quyết định, giao cho bộ thì bộ xem xét, quyết định.

"Không có chuyện một anh thì chấp thuận chủ trương, một anh ngồi chỉ định thầu", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói thêm. 

Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội rất quan tâm khi sửa luật là gỡ khó cho mua sắm trang thiết bị y tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường.

Liên quan đến chỉ định nhà thầu, có ý kiến đề nghị cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với thuốc, vật tư, thiết bị y tế trong trường hợp trên thị trường chỉ có một nhà sản xuất thì cần tổ chức đàm phán và công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Ngoài đấu thầu, cần nghiên cứu, bổ sung các hình thức mua sắm khác đối với việc cung cấp thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, tại dự thảo Luật đã có quy định về chỉ định thầu, đàm phán giá đối với thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Đối với việc cung cấp thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, ngoài các hình thức lựa chọn nhà thầu như thông thường còn được áp dụng hình thức đàm phán giá, sử dụng danh sách nhà thầu nhiều lần tạo sự linh hoạt, chủ động trong mua sắm. Mua sắm hóa chất, sinh phẩm kèm theo nhà thầu phải cung cấp máy móc xét nghiệm để sử dụng hóa chất, sinh phẩm đó.

Về đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, ông Nguyễn Phú Cường khằng định đã rà soát, chỉnh lý kỹ càng các nội dung này.

Trong đó, tại Điều 23 về chỉ định thầu quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân”.

Điều 28 về Hình thức “đàm phán giá” được quy định áp dụng riêng đối với “các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 1 đến 2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác”.

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 57 để áp dụng cho các trường hợp mua hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng hóa chất, sinh phẩm đó, nhằm góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng máy đặt, máy mượn để xét nghiệm tại các bệnh viện hiện nay.

Anh Văn

Tin mới