Sáng 15/3, trong chương trình phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về Quỹ bình ổn giá (Điều 20) cần nghiên cứu đổi tên theo hướng rộng hơn gồm cả các biện pháp bình ổn giá.
"Việc bình ổn giá phải theo quy luật thị trường và quản lý, định hướng quản lý của Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhất là bảo vệ lợi ích của những người yếu thế. Trong thực tế cũng có những tình huống rất bất ngờ, rất đặc biệt, ví dụ như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, tình trạng khẩn cấp, khi đó Nhà nước có thể đưa ra quyết định đặc biệt…", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Về những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thẩm quyền quyết định danh mục bình ổn giá, ông Vương Đình Huệ đề nghị bổ sung cụm từ “biến động lớn” trong quy định về tiêu chí đối với hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (khoản 1 Điều 17) trong trường hợp giá có biến động tác động đến đời sống của người dân.
Liên quan đến thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá, Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu và cơ quan thẩm tra đề nghị nên giữ như quy định của luật hiện hành.
Danh mục này tác động lớn đến quyền và nghĩa vụ của công dân, của doanh nghiệp, nhưng để có sự linh động hơn, trên cơ sở kế thừa luật hiện hành, ông Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu trường hợp trong thời gian Quốc hội không họp, có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thay đổi quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá trên cơ sở đề nghị của Chính phủ.
"Sửa đổi theo hướng này cũng nhằm chia sẻ trách nhiệm cho Chính phủ", Chủ tịch Quốc hội nói.
Cơ bản đồng tình với nguyên tắc định giá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nguyên tắc định giá nên tách ra thành hai khoản.
Theo đó, với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá quy định phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí, lợi nhuận (nếu có), cung cầu hàng hóa, dịch vụ và chủ trương phát triển từ chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ. Còn với những hàng hóa, dịch vụ khác không quy định tại Điều 21, các tổ chức và cá nhân có thể chủ động định giá tài sản, hàng hóa theo nguyên tắc bù đắp chi phí có lãi, đảm bảo quy luật cung cầu cạnh tranh của thị trường.
Trước đó, trình bày báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án luật này. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.
Theo đó, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vì quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.
Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, cần có sự điều hành của Nhà nước. Khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở, khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài, khi lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng thì việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp.
Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định làm rõ tính chất hoạt động có thời hạn, Chính phủ chịu trách nhiệm công khai, hiệu quả, kịp thời trong quản lý, sử dụng Quỹ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phú Cường cho biết, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của Quỹ.
Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập Quỹ là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất.
"Lý do nữa cần bỏ Quỹ là trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu báo cáo.
Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, trong quản lý, điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn lực, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả thực tế trong điều hành, nhất là khi biến động, đồng thời có lộ trình để sớm đưa giá xăng dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.
Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, dự thảo luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ năm tới.