"Thực tế cho thấy có những dự án hiện nay cần đến 38-40 con dấu, từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá; có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp đề cập vấn đề này khi nói về vướng mắc liên quan thủ tục hành chính trong triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất, tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 tổ chức sáng 9/10.
Dẫn chứng thủ tục hành chính về giải phóng mặt bằng, ông Hiệp cho rằng, sau khi thông báo đầy đủ cho các tổ chức, chính quyền ở địa phương, phải 60 ngày sau chủ đầu tư mới được đối thoại với người dân.
"Riêng dự án của chúng tôi có 177 bước, qua 360 ngày mới đủ để đối thoại, để cưỡng chế. Thủ tục giải phóng mặt bằng là gánh nặng mà các doanh nghiệp bất động sản phải chịu đựng", ông Hiệp nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam. (Ảnh: Bộ Tư pháp)
Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định dù đã có quy trình mẫu để giải quyết thủ tục hành chính, nhưng cần kiểm tra lại quy trình này bởi chưa có chế tài khiến kéo dài các thủ tục.
Ông Hiệp cho biết, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản rất phức tạp, hiện có tới khoảng 15 luật liên quan đến lĩnh vực này nhưng tính đồng bộ còn chưa cao.
Vì vậy, Chính phủ đã sửa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đã góp phần hạn chế sự thiếu đồng bộ của quy định trước đây, thể hiện sự cam kết đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.
Từ thực tiễn nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền quan tâm tới việc phân cấp cho chủ đầu tư trong một số khâu điều chỉnh quy hoạch để tăng tính chủ động và tiết kiệm thời gian đồng thời nên có quy trình kiểm tra, giám sát thủ tục hành chính, ví dụ như quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bày tỏ đồng tình, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, nếu sản xuất kinh doanh không tháo gỡ ườm rà về thủ tục hành chính, doanh nghiệp phải theo đuổi quy trình, giấy phép sẽ gây nên những rào cản.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân. (Ảnh: Bộ Tư pháp)
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải, theo khảo sát mới đây, vướng mắc này đã trở thành vấn đề đứng thứ 2. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề này, nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài. Vì vậy cần tập trung cao độ để giải quyết “bài toán” liên quan đến cải cách thủ tục hành chính và câu chuyện minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.
“Quy hoạch là vấn đề lớn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Quy trình mỗi lần điều chỉnh liên quan nhiều sở, ngành, kéo dài quy trình nên chúng ta nên tinh gọn đầu mối. Như vậy sẽ phần nào giải quyết vướng mắc hiện nay liên quan đến quy hoạch”, bà Thủy nhận định.
Liên quan những đề xuất này, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, dự án nhà ở là loại dự án liên ngành, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật.
Quá trình tổng kết việc thực hiện Luật Nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đã nhận diện các vấn đề pháp lý doanh nghiệp còn vướng mắc, qua đó tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở năm 2023, trong đó giao Chính phủ quy định các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng ban hành Nghị định 95 hướng dẫn Luật Nhà ở và Nghị định 100 hướng dẫn Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện từng giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Nhìn chung, các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng đã được giảm bớt, giảm áp lực cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đầu tư.