Trả lời VTC News, luật sư Lê Huy Thiệp, Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Trong luật chứng khoán, mọi hoạt động giao dịch của lãnh đạo doanh nghiệp phải được công khai, phải đưa những thông tin để nhà đầu tư biết được năng lực quản trị doanh nghiệp, giá cổ phiếu…”
Cụ thể, về nguyên tắc, cổ phiếu của các thành viên hội đồng quản trị của một doanh nghiệp rất nhạy cảm, bởi họ nắm được thông tin của doanh nghiệp nên rất có thể dẫn tới hành vi bán để trục lợi. Vì thế việc bán cổ phiếu của các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp theo quy định luôn đi kèm với các điều kiện như phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), các sở giao dịch chứng khoán.
Việc giao dịch cổ phiếu của thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp đại chúng bị hạn chế chứ không giống cổ phiếu do các cổ đông thông thường nắm giữ. Quy định này nhằm bảo vệ các cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hơn nữa, các công ty cổ phần, công ty đại chúng số lượng chủ sở hữu rất lớn, sử dụng vốn đại chúng để kinh doanh nên công khai, minh bạch là nguyên tắc tối quan trọng.
"Có dấu hiệu cho thấy ở đây có vấn đề. Đây là quan hệ mua - bán nhưng nếu bị xác định rằng gây thiệt hại và không tuân thủ quy định thì có thể tuyên bố giao dịch vô hiệu. Người nào có lỗi thì phải bồi thường. Pháp luật đã nêu đầy đủ quy định để điều chỉnh hành vi có liên quan. Trong trường hợp xác định được rằng hợp đồng đó, các giao dịch dân sự đó là vô hiệu thì hậu quả pháp lý của hoạt động vô hiệu là các bên trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào có lỗi là bên đó phải bồi thường. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng thì cần xem xét những chế tài xử lý để bảo vệ quyền hợp pháp của nhà đầu tư", ông Thiệp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Thiệp, để đánh giá mức độ nghiêm trọng để xem xét xử lý hành chính hay thế nào thì đó là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng.
Quy định tại nghị định 156 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính tối đa 1,5 tỉ đồng, đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng.
UBCKNN cho biết từ chiều 10/1, cơ quan này nhận được báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng chậm báo cáo, công bố thông tin.
Trước giao dịch, ông Quyết nắm giữ 215 triệu cổ phiếu FLC tương ứng 30,34% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Trong phiên giao dịch ngày 10/1, cổ phiếu FLC lập kỷ lục về thanh khoản khi khớp lệnh xấp xỉ 135 triệu cổ phiếu, cao kỷ lục từ khi niêm yết tới nay. Hiện FLC có 710 triệu cổ phiếu đang lưu hành, như vậy, riêng lượng giao dịch trong phiên 10/1 lên tới 19% tổng lường cổ phiếu của công ty. Không những vậy, thanh khoản FLC còn chiếm tới gần 10% thanh khoản sàn HoSE.
Thông tháng 12/2021, cổ phiếu FLC tăng trên 60%, từ mức 14.000 đồng/cổ phiếu lên mức 23.000 đồng/cổ phiếu.