Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội: Nghị quyết mới sẽ tạo động lực cho TP.HCM phát triển

(VTC News) -

Ông Vũ Hồng Thanh kỳ vọng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ tạo ra động lực, nguồn lực mới cho Thành phố phát triển.

Chiều 24/6, với 481/484 phiếu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM với nhiều chính sách đặc thù, bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2023.

Trả lời VTC News, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội kỳ vọng Nghị quyết mới sẽ tạo ra nhiều động lực, nguồn lực mới cho TP.HCM phát triển.

Nghị quyết tạo động lực phát triển

Theo ông Vũ Hồng Thanh, TP.HCM hơi bị "hụt hơi", dù đóng góp cho tăng trưởng GDP, đóng góp ngân sách về giá trị tuyệt đối vẫn cao nhưng giá trị tỷ trọng đang giảm dần. Vì thế, muốn TP.HCM tăng trưởng cao, cần phải có cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để thành phố, từ trước đến nay và sau này, là động lực tăng trưởng cho cả nước. 

TP.HCM cần động lực mới để tiếp tục phát triển.

"Trong các cơ chế, chính sách nêu trong nghị quyết mới lần này, chúng tôi cũng tham gia xây dựng, góp ý rất nhiều và đã được Quốc hội ủng hộ. Tuy nhiên, nếu trong quá trình tổ chức thực hiện, Chính phủ, TP.HCM khai thác thêm hơn, tốt hơn thì chắc chắn tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn nữa", ông Thanh nói.

Nêu ví dụ về mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD), ông Thanh cho rằng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần phải mở rộng hơn nữa để trong dự thảo Luật Đất đai có cơ chế chính sách để mở rộng thêm diện tích đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ... đồng thời giải quyết bài toán hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư với người dân. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các công trình trọng điểm của địa phương, khu vực.

Ngoài các điểm kết nối, TP.HCM cần tính toán tiếp tục phát triển các công trình giao thông như: đường sắt tốc độ cao, đường vành đai 3 mở rộng để có thêm cơ hội mở rộng, đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông. Qua đó dùng nguồn lực đấy để tạo ra động lực phát triển cho cho đất nước, cho TP.HCM.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao dư địa chênh lệch địa tô của TP.HCM. Nếu mở rộng thêm phạm vi thực hiện cơ chế sẽ tăng thêm nguồn lực để thành phố thực hiện các dự án phát triển đô thị, dịch vụ du lịch, thương mại, giải quyết việc làm cho người dân trong thời gian tới.

Xử lý dứt điểm các dự án BT trước đây

Một vấn đề nữa mà ông Thanh nêu ra là cần phải xử lý dứt điểm các dự án BT cũ trước đây và triển khai hình thức BT mới.

"Theo quan điểm của chúng tôi, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện thời gian vừa qua chúng ta chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ nên có thể bị trục lợi. Chi phí đầu vào cao, chi phí trả lại cho doanh nghiệp theo hình thức là đổi đất lấy hạ tầng trước đây lại tính giá đất thấp. Doanh nghiệp hưởng lợi nhiều, còn nhà nước là bị thiệt cả đầu vào và thiệt cả đầu ra", ông Thanh nhận xét.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Do đó, cần phải khắc phục cơ chế này. Nghị quyết 31 cũng là cơ sở chính trị để triển khai các dự án BT của TP.HCM trước đây và qua theo dõi thấy rằng, một số dự án cũng đã xác định được quỹ đất để Thành phố xử lý. Một số trường hợp chưa xác định được quỹ đất, trong thời gian tới phải xác định quỹ đất để cho Thành phố thanh toán lại cho doanh nghiệp.

"Vấn đề quan trọng là phải xác định giá trị quỹ đất để thanh toán ngược trở lại cho nhà đầu tư, bảo đảm đúng thời điểm, đúng giá trị, tránh thiệt hại cho nhà nước", ông Thanh nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề đầu tư các công trình giao thông trên đường hiện hữu, ông Thanh dẫn thực tiễn giám sát và tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437.

"Rất nhiều trạm thu phí BOT đặt không đúng chỗ và người dân ở xung quanh trạm đấy bị ảnh hưởng tiêu cực, phải mất thời gian, trả thêm tiền để đi trên chính đoạn đường mà trước đây người ta vẫn đi. Do vậy, phải chọn lại dự án như thế nào, phải có cơ chế chính sách như thế nào cho phù hợp", ông Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh cho rằng, TP.HCM phải chọn và có cơ chế, chính sách để thu phí BOT tại một số trạm cần phải được cân đối, chỗ nào phải giảm, chỗ nào miễn để không ảnh hưởng đến người dân, tránh xảy ra khiếu kiện, mâu thuẫn xã hội, mất an ninh trật tự. 

Ngoài ra, TP.HCM cần có phương án cổ phần hóa, thoái vốn và phương án bán, thanh lý nhà đất để tạo thêm nguồn lực. Đồng thời phải sử dụng nguồn lực phù hợp, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực lan toả sự phát triển của thành phố.

PHẠM DUY

Tin mới