Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chủ đầu tư cao tốc gần 35.000 tỷ: 'Phát ngôn mặt đường hỏng do mưa nhiều là sơ suất'

"Phát ngôn mặt đường hỏng do mưa nhiều là sơ suất trong diễn đạt của lãnh đạo ban quản lý dự án cao tốc. Câu nói khiến vấn đề bị đẩy lên cao", theo chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam.

Chiều 15/10, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC, chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gặp gỡ một số cơ quan báo chí nói về tuyến đường vừa thông xe đã xuất hiện nhiều điểm xuống cấp. 

Chưa rõ nguyên nhân đường hỏng

Không đưa ra lý giải nào về nguyên nhân hư hỏng mặt đường, ông Trần Văn Tám cho biết doanh nghiệp đang ưu tiên khắc phục những điểm hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông. 

Vị trí mặt đường hư hỏng thuộc gói thầu số 6, đơn vị nhận thầu là Tổng công ty Thành An và Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc. Do công trình đang trong thời gian bảo hành nên hai đơn vị này sẽ có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục các điểm hư hỏng.

Ông thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp để xảy ra hư hỏng tại tuyến cao tốc vừa khánh thành.

"Phát ngôn mặt đường hỏng do mưa nhiều là sơ suất trong việc diễn đạt của lãnh đạo ban quản lý dự án cao tốc. Câu nói khiến vấn đề bị đẩy lên cao", ông Tám đính chính.

"Ai có trách nhiệm người đó phải nhận. Bản thân tôi mới giữ cương vị hiện tại được hơn 1 năm, trong khi công trình được thi công từ nhiệm kỳ trước. Nhưng tôi không lấy lý do đó để thoái thác trách nhiệm", Tổng giám đốc VEC trần tình.

Bề mặt cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ trâu". Ảnh: Zing

Trước nghi vấn chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thấp do sức ép về tiến độ, lãnh đạo VEC phủ nhận. "Trong quá trình thi công đường có nhiều đơn vị kiểm định lại chất lượng, tư vấn giám sát, mọi yêu cầu chất lượng đều đảm bảo theo quy định", ông Tám khẳng định.

Theo thống kê của VEC, tổng diện tích các vết hư hỏng tại mặt đường là 70 m2 (trên tổng số 3,1 triệu m2 diện tích mặt đường). Phương pháp sửa chữa là bóc toàn bộ lớp bê tông nhựa tại những nơi có vết lõm rải rác để tráng lại. Dự kiến nếu thời tiết thuận lợi, việc sửa chữa hoàn thành vào trưa 17/10.

Cũng theo ước tính của VEC, việc dừng thu phí cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khiến đơn vị này thất thu mỗi ngày từ 500 đến 700 triệu đồng.

Nghi vấn bớt xén

Sau khi tuyến cao tốc xuất hiện hư hỏng, dư luận lật lại nhiều vấn đề sai phạm trong quá trình thi công dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trong đó có câu chuyện "bán thầu" của Công ty Posco E&C.

Từ năm 2014, VEC đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty Posco E&C về việc thực hiện gói thầu xây lắp số A5 (Km131+700 và Km131+500 - Km139 + 204) với giá trị hợp đồng trên 1.394 tỷ đồng.

Lãnh đạo VEC khẳng định sẽ khắc phục xong các điểm hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong ngày 17/10.  

Đến ngày 12/4/2017, đoàn thanh tra Bộ Giao thông và Vận tải đã chỉ ra một số vấn đề tại gói thầu số A5. Công ty Posco E&C đã chia nhỏ gói thầu rồi "sang tay" bán lại cho các nhà thầu phụ thi công đoạn cao tốc từ Sơn Tịnh đến TP Quảng Ngãi. 

Đơn cử, Posco đã ký một hợp đồng trị giá trên 579 tỷ đồng với Liên danh Thiên An và Vinaconex. Sau đó, Posco ký hợp đồng với 16 công ty để thực hiện dự án.

Tại thời điểm đoàn thanh Bộ Giao thông và Vận tải kiểm tra, Posco đang ký hợp đồng thuê thầu phụ với 6 doanh nghiệp khác. Việc thuê thầu phụ quá nhiều khiến dư luận đặt câu hỏi về khả năng kiểm soát chất lượng thi công của mỗi đơn vị.

Kỹ sư Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Cầu đường TP Đà Nẵng, đặt nghi vấn có dấu hiệu bớt xén, thay đổi nguyên vật liệu khi thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dẫn đến việc đường hỏng nhanh. Ông Dân kiến nghị Bộ Giao thông cần vào cuộc để kiểm tra toàn diện dự án.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, được khởi công ngày 19/5/2013 và chính thức thông xe đầu tháng 9 vừa qua. 

Tuy nhiên chỉ sau 1 tháng, mặt đường cao tốc xuất hiện nhiều điểm bong tróc và hàng loạt "ổ gà", "ổ trâu".

Ngày 11/10, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ GTVT làm rõ nguyên nhân cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới thông xe đã xảy ra hỏng mặt đường và trách nhiệm của đơn vị thi công. 

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu VEC khẩn trương chỉ đạo nhà thầu và các đơn vị liên quan kiểm tra để sửa chữa, khắc phục căn cơ, triệt để các vị trí hư hỏng. 

Ngày 12/10, Hội đồng thành viên VEC đã kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Tổng giám đốc Trần Văn Tám. Ông Tám có vai trò phụ trách trực tiếp và quản lý vận hành bảo trì dự án nhưng không nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Hội đồng thành viên, để xảy ra hậu quả. 

Tổng giám đốc VEC phải tổ chức kiểm điểm Ban quản lý dự án và Ban giám đốc do chậm sửa chữa các hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin báo chí không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm.

Các đơn vị quản lý, bảo trì tuyến cao tốc cũng phải tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan. Hội đồng thành viên VEC yêu cầu Tổng giám đốc báo cáo kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trước ngày 19/10.

 

Nguồn: Zing News

Tin mới