Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chốt giá tạm thời với 40 dự án năng lượng tái tạo

(VTC News) -

Có 40 dự án năng lượng tái tạo được chốt giá tạm thời, trong đó 16 nhà máy đấu nối lưới điện quốc gia chạy thử nghiệm, 5 nhà máy đã vận hành khai thác thương mại.

Ngày 27/5, Công ty Mua bán điện (trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đã hoàn thành đàm phán ký biên bản và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 40/40 chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo đề xuất giá tạm 50% khung giá trần.

Trả lời VTC News sáng 28/5, ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, trong số 40 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) gồm điện gió, điện mặt trời được chốt giá tạm thời, 19 dự án hoặc một phần dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và ký PPA, 16 dự án đã nối lưới, đã và đang thử nghiệm, 5 dự án được hoà lưới điện quốc gia với tổng công suất 303 MW đã hoàn thành thử nghiệm, phát điện thương mại.

Hiện đã có 16 dự án điện tái tạo chuyển tiếp được nối lưới, đang thử nghiệm, 5 dự án được đưa vào khai thác thương mại. (Ảnh: Báo Thanh niên).

"Trong 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa có giá, có 53 dự án đã nộp hồ sơ đàm phán, nhưng có 40 dự án đồng ý áp giá tạm bằng 50% khung giá trần, 13 dự án đợi đàm phán giá chính thức theo khung giá trần và 32 dự án chưa nộp hồ sơ. Theo Quyết định số 21, khung giá trần của điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng/kWh, điện gió là 1.587-1.816 đồng/kWh. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu các  chủ đầu tư khẩn trương nộp hồ sơ, hoàn thành các thủ tục pháp lý để đàm phán với EVN”, ông Hoà cho biết.

Gần 5 tháng kể từ thời điểm có khung giá trần cho dự án chuyển tiếp (10/1/2023), tuy nhiên, việc đàm phán giá vẫn chậm. Theo ông Trần Việt Hoà, nguyên nhân là nhiều chủ đầu tư vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… Vì vậy, dự án này chưa đáp ứng các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN.

Đến nay vẫn còn 32/85 dự án, với tổng công suất 1.576,05MW chưa gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3/2023, nhưng sau 2 tháng vẫn không bổ sung được.

“Việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý còn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức. Từ đó dẫn tới việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền. Cũng có thể nhiều dự án đã hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng chưa lắp đặt đầy đủ thiết bị để sẵng sàng đấu nối lên lưới điện quốc gia. Do vậy, chủ đầu tư nào còn thiếu điều kiện gì cần sớm hoàn thiện để đấu nối vào lưới điện quốc gia, khai thác thương mại”, ông Hoà nói.

Cũng theo ông Hoà, hiện tổng công suất của hơn 53 dự án đã nộp hồ sơ, tổng công suất điện khoảng hơn 3.000 MW. Tuy nhiên, công suất khả dụng không đạt như công suất thiết kế, bởi thời gian này điện gió khai thác rất kém, còn năng lượng mặt trời khai thác khá hơn.

“Thực tế, nguồn năng lượng tái tạo dù được đưa vào khai thác thương mại hết nhưng công suất cũng không nhiều so với nhu cầu sử dụng thực tế. Do vậy, việc quan trọng nhất ở thời điểm này là phải tiết kiệm năng lượng để hạn chế nguy cơ thiếu điện xảy ra, đồng thời giảm vốn đầu tư, áp lực đầu tư trong lĩnh vực năng lượng”, ông Hoà nói.

Trước đó, cung cấp thông tin cho báo chí về một số nội dung liên quan đến tình hình cung ứng điện và việc đấu nối, tính giá điện của các dự án năng lượng tái tạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, ông đã ký văn bản hỏa tốc gửi EVN yêu cầu tập đoàn này khẩn trương đàm phán với các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới khi đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hồ sơ pháp lý theo quy đinh.

Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá sẽ được thanh quyết toán theo quy định giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới.

Bộ Công thương yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp với các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN như thỏa thuận đấu nối (nếu đã hết hạn) trước ngày 27/5; hoàn thành thực hiện các thử nghiệm (theo quy định tại Quyết định số 25 ngày 16/5/2019 của Cục Điều tiết điện lực) trước ngày 27/5 đối với các nhà máy đăng ký thử nghiệm; xem xét kết quả thử nghiệm của các nhà máy điện, đảm bảo phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật và quy định có liên quan.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở công thương theo phân cấp có nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp phối hợp với các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện công tác thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh (nếu có) và kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ đầu tư; Cục Điều tiết điện lực khẩn trương thực hiện công tác cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành đầu tư nhằm đưa các dự án sớm đi vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện và khai thác tài nguyên, tránh lãng phí đầu tư.

PHẠM DUY

Tin mới