Có 2 con học trường THCS Thanh Trì, chị Nguyễn Linh - tổ 13, phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi nhận được thông báo rằng học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 được đến trường sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Chị Linh bộc bạch đây là quyết định đúng đắn và niềm mong mỏi của phụ huynh.
“Trong những ngày Tết, tôi sẽ chuẩn bị và hỗ trợ các con một số kỹ năng cần thiết như bảo vệ sức khoẻ và duy trì thói quen “mở sách vở…” - chị Linh chia sẻ, đồng thời cho biết sẽ cùng con đi mua sắm một số thiết bị học tập trước khi trở lại trường. Việc này, giúp nhắc nhở các con rằng ngày đi học sắp đến gần, từ đó giúp các con có ý thức hơn trong học tập.
Giáo viên và phụ huynh cần chuẩn bị kỹ các tình huống, kỹ năng cho học sinh trước khi trở lại trường học trực tiếp.
Theo cô Dương Thị Thanh Tâm - giáo viên Trường THPT Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội), việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp là cần thiết, bởi sau 1 học kỳ học trực tuyến ít nhiều cô - trò cũng gặp không ít khó khăn và thách thức.
“Việc mở cửa trường học không chỉ là mong muốn của giáo viên, nhà trường mà còn là mong mỏi của phụ huynh, học sinh” - cô Tâm bày tỏ và cho biết, trước kỳ nghỉ Tết, cô đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến, khơi gợi cho học sinh chuẩn bị quay lại trường học cũng như nêu những khó khăn để có phương án hỗ trợ.
Thầy Nông Ngọc Trọng - giáo viên Trường THPT An Mỹ (Bình Dương) cho rằng, nhiều địa phương mở cửa trường học sau Tết, do đó, giáo viên có thể trao đổi với phụ huynh thiết lập thói quen cho các em để sớm bắt nhịp với việc việc học trực tiếp trên lớp như dậy sớm, tăng cường vận động, duy trì nề nếp học tập trong những ngày nghỉ Tết.
“Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên quá gây áp lực với cho các con trong học tập. Có thể rèn luyện cho các em kỹ năng giao tiếp, hoà nhập… bởi sau thời gian dài học online, nhiều học sinh cũng hạn chế về mặt này, nhất là với học sinh đầu cấp” - thầy Trọng trao đổi.
Hiện, nhiều cơ sở giáo dục xác định, khi học sinh trở lại học trực tiếp sẽ dành thời gian để thầy - trò “khởi động” trước khi “nhập môn”. Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc nội trú Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu) cho hay.
Những ngày đầu đến trường, nhà trường yêu cầu các lớp tổ chức chương trình hoạt động theo hướng kết nối, nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi cho học sinh. Việc tổ chức các hoạt động vẫn phải bảo đảm an toàn, với tiêu chí: học mà chơi, chơi mà học.
Cùng với đó, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm làm công tác tư tưởng để học sinh sớm bắt nhịp với học tập. Đồng thời chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàn thích ứng khi có tình huống đột xuất, bất ngờ.
PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục - khuyến cáo, phụ huynh và các cơ sở giáo dục cần đề phòng một số tình huống có thể xảy ra khi học sinh đi học trở lại như: bạo lực học đường; căng thẳng trong học tập; kết quả học tập sụt giảm, thậm chí đề phòng cả tình huống học sinh kỳ thị với một số bạn trong lớp từng là F0.
Phụ huynh cần theo dõi, quan sát con em mình, nếu có những dấu hiệu bất thường, cần quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời, tránh những hệ luỵ không đáng có.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - nhấn mạnh, khi mở cửa trường học, các trường và giáo viên cần có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh. Cần tổ chức các hoạt động giáo dục theo tinh thần đoàn kết và bảo đảm mục tiêu “2 trong 1”: Vừa gắn với nội dung chuyên môn, vừa đảm bảo phòng chống dịch.
Cùng với đó, cần khuyến khích học sinh học tập và có phương pháp đánh giá thích hợp. Đặc biệt, cần chủ động “kích hoạt” lại các tiêu chí xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc khi các em trở lại lớp học truyền thống.