Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chờ gió lành sau một năm vượt bão

(VTC News) -

Năm 2022 đầy biến động nhưng nhiều ĐBQH và chuyên gia vẫn tin rằng, kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ thăng hoa nếu có những chính sách điều hành tích cực của Chính phủ.

Sức chống chịu cũng như sự phục hồi tích cực chính là tiền đề để kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng trưởng tích cực, bền vững.

Ngoạn mục vượt lạm phát, dịch bệnh

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng sản phẩm trong nước (GDP) Việt Nam cả năm 2022 trăng trưởng 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 (quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83%; quý III tăng 13,71%; quý IV tăng 5,92%).

GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Một điểm sáng nổi bật nữa của “bức tranh” kinh tế là khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong 10 năm 2011 - 2022.

Năm 2022 nhiều biến động nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng.

Đại biểu Quốc hội Hà Sĩ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, năm 2022, khả năng cao chúng ta sẽ đạt được con số tăng trưởng kinh tế trên 8%, khi mà mức tăng trưởng quý 3 đạt 13,67% và 9 tháng đầu năm tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Với diễn tiến này, nếu tăng trưởng quý 4 đạt mức 6% thì cả năm sẽ đạt 8,1%.

“Rõ ràng, đây là một con số ấn tượng khi so sánh với các nước trên thế giới và trong khu vực, thể hiện sức chống chịu dẻo dai của doanh nghiệp, của người dân và Chính phủ Việt Nam cũng như sự phục hồi tích cực của nền kinh tế. Nhiều tổ chức quốc tế và trong nước đều có chung nhận định này”, ông Đồng nói.

Đóng góp vào thành tích trên phải kể đến thành công của chính sách chống dịch COVID-19, tác động tích cực của các gói hỗ trợ hồi phục kinh tế với chủ lực là chính sách tài khóa mở rộng.

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy kinh tế Việt Nam có độ trễ, độ lệch nhịp đáng kể so với kinh tế thế giới. Cụ thể, khi thế giới đã bước qua giai đoạn phục hồi mạnh, đang chững lại hoặc suy giảm thì chúng ta mới đạt đỉnh hồi phục...”, ông Đồng lý giải về những con số ấn tượng trong quý 3/2022.

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trần Văn Lâm - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho rằng những số liệu này rất bất ngờ.

“Còn nhớ, khi xây dựng mục tiêu của năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn, chuỗi cung bị đổ vỡ, đứt gãy cũng như những khó khăn của thị trường thế giới đang bủa vây, có ý kiến cho rằng, chúng ta cần xem xét để điều chỉnh giảm mục tiêu, tốc độ tăng trưởng cho phù hợp và khả thi. Lúc bấy giờ, do nhiệm vụ trọng tâm là tập trung vào dịch bệnh, cho nên mục tiêu, tốc độ tăng trưởng cũng không được ưu tiên. Thế nhưng, cho đến cuối năm nay, những kết quả đạt được có thể nói là vượt sự mong đợi, kỳ vọng”, ông Lâm nói.

Kỳ vọng sống khỏe giữa biến động

Nhận định về bức tranh kinh tế năm 2023, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính tin tưởng rằng, năm 2023 chắc chắn sẽ ghi nhận nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như miễn, giãn, hoãn thuế, cho vay để doanh nghiệp có thêm nguồn lực phát triển hoặc các chính sách điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, nhằm giữ tốc độ cung tiền ra thị trường phù hợp với tốc độ tăng trưởng, để vừa kiểm soát được lạm phát, vừa tạo ra một dòng tiền tương đối ổn định, cung cấp cho các doanh nghiệp phát triển.

Chuyên gia dự báo, năm 2023, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tuy ở mức thấp hơn nhưng sẽ bền vững hơn.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm nhận định, tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2022 có thể coi là nền tảng rất tốt, tạo đà cho sự phục hồi và tăng trưởng, phát triển bền vững của kinh tế xã hội trong thời gian tới, mà đầu tiên là năm 2023. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận những thách thức sừng sững trước mắt.

“Chúng ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức và những yếu tố bất định khó lường. Do vậy, cần phải dự phòng đầy đủ các phương án sẵn sàng đối phó, ưu tiên tăng trưởng chậm nhưng chắc”, ông Lâm khẳng định.

Theo ông Lâm, thách thức lớn nhất là tình hình lạm phát mạnh trên thế giới, trong khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, những tác động của thế giới chắc chắn sẽ nhanh chóng tác động đến kinh tế nước ta.

“Hiện nay, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều lâm vào cảnh lạm phát cao và chưa rõ thời điểm có thể ngăn chặn được. Nếu như chúng ta không có các giải pháp ứng phó kịp thời thì vấn đề nhập khẩu lạm phát từ thị trường thế giới sẽ hiện hữu và là một trong những khó khăn lớn trong năm 2023. Bên cạnh đó, sự đổ vỡ của thị trường thế giới khiến doanh nghiệp khó mở rộng thị trường cũng là những khó khăn, thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lâm nói.

Tuy vậy, ông Lâm tin rằng, năm 2023 tăng trưởng tuy ở mức thấp hơn nhưng sẽ bền vững hơn, các yếu tố nền tảng của nền kinh tế sẽ từng bước đi vào ổn định. Đây là cơ sở để kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững và sẽ tiệm cận những chuẩn mực của nền kinh tế thế giới hiện nay. Từ đó, kinh tế Việt Nam sẽ chuyển hướng dần sang tăng trưởng xanh, sang nền kinh tế tuần hoàn, củng cố thêm nền tảng phát triển bền vững cho đất nước trong trung và dài hạn.

Cũng nhận định về những khó khăn trong phát triển kinh tế năm 2023, PSG.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo, bên cạnh những yếu tố về lạm phát, đứt gãy nguồn cung, những bất thường khác về chiến tranh, dịch bệnh sẽ tác động đến thị trường, nguyên liệu đầu vào và giá cả trên thị trường thế giới.

“Muốn duy trì đà tăng trưởng với tốc độ nhanh và bền vững chúng ta phải có những chủ trương, định hướng để lường trước mọi tình huống và có kịch bản ứng phó một cách kịp thời, hiệu quả”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Còn đại biểu Hà Sĩ Đồng dự báo, rủi ro địa chính trị quốc tế và khu vực đang ở mức rất cao và khó lường. Kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Còn Việt Nam, với độ lệch nhịp vốn có, tốc độ tăng trưởng kinh tế 2023 sẽ chậm trở lại, trong khi áp lực lạm phát sẽ được bộc lộ đầy đủ hơn, đồng thời, các vấn đề trục trặc về an toàn vĩ mô sẽ nảy sinh.

“Lý do tăng trưởng chậm lại là nền kinh tế đã và đang quay trở lại mức bình thường của thời“tiền dịch COVID-19”; cầu kinh tế thế giới suy giảm với các điều kiện tiền tệ đang bị thắt chặt; các động lực tăng trưởng chính của ta có khá ít sự cải thiện mang tính đột phá”, ông Đồng nhận xét.

PHẠM DUY

Tin mới