Bà Krina Patel từng là cái tên sáng giá cho một ghế ở Quốc hội Ấn Độ, đại diện cho thành phố Ahmedabad, bang Gujarat. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi sau khi bà này bị đối thủ tố không xây nhà vệ sinh trong nhà.
Trong hồ sơ tranh cử, bà Patel khai sở hữu một căn hộ, một chiếc ô tô trị giá gần 14.000 USD cùng số vàng trị giá hơn 20.000 USD. Patel ban đầu nói nhà mình có nhà vệ sinh, nhưng sau đó thú nhận với Ủy ban bầu cử rằng ngôi nhà tại làng Kanbha của bà không có nhà tắm.
Nữ chính trị gia Ấn Độ bị loại khỏi danh sách đề cử vào Quốc hội vì nhà không có nhà vệ sinh. (Ảnh: EPA)
Lời thừa nhận này khiến bà bị loại khỏi đường đua vào Quốc hội.
Ấn Độ bắt đầu phát động chiến dịch "Ấn Độ sạch" nhằm cung cấp nhà vệ sinh cho hơn 1,3 tỷ người. Đối với quốc gia đang phải vật lộn với vấn nạn đi vệ sinh lộ thiên, việc có nhà vệ sinh tại nhà là một điều bắt buộc với bất cứ ai muốn đảm nhận các vị trí trong chính quyền.
Hồi tháng 10/2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố nước này đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng đi vệ sinh lộ thiên.
"Thế giới sẽ phải choáng ngợp vì 100 triệu nhà xí đã được xây dựng cho hơn 600 triệu người dân trong vòng 60 tháng. Trước đây, không ai có thể tin rằng Ấn Độ một ngày sẽ giải quyết chuyện đi vệ sinh lộ thiên nhanh chóng thế này", ông Modi nói tại chính Ahmedabad, quê nhà của bà Patel.
Harsh Goel, nhân viên chính phủ ở bang Punjab khẳng định các quan chức cần phải đi đầu trong việc chuyển đổi hành vi nếu muốn làm gương cho người dân.
“Làm thế nào mà một ứng viên có thể truyền cảm hứng và làm gương cho mọi người nếu bản thân bà ấy không dùng nhà vệ sinh", ông này nói.
Bất chấp tuyên bố của ông Modi, các chuyên gia cho rằng các con số không truyền tải đúng sự thật và vấn đề đi vệ sinh ngoài trời vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tại Ấn Độ.