Video: Vỡ sông băng Ấn Độ khiến 14 người thiệt mạng, 170 người mất tích
Băng tan kèm đất đá gây lũ quét tại lưu vực sông Dhauliganga và Alaknanda, phá hủy nhiều ngôi nhà và công trình thủy điện Rishi Ganga. (Ảnh: Reuters)
"Vụ việc xảy ra khoảng 10h. Chúng tôi nghe thấy âm thanh như tiếng nổ làm rung chuyển cả làng", một người dân địa phương cho biết. Anh này quan sát thấy nước sông dần chuyển sang màu bùn và dâng lên thành dòng chảy xiết. (Ảnh: Reuters)
Đập Tapovan bị "rửa trôi" hoàn toàn sau vụ vỡ sông băng. (Ảnh: NDTV)
Một nhân chứng cho biết anh nhìn thấy một bức tường bụi, đá và nước khi thảm kịch xảy ra. "Nó đến rất nhanh, không có thời gian để báo cho ai cả. Tôi cảm thấy ngay cả chúng tôi cũng bị cuốn trôi", anh này cho hay. (Ảnh: AP)
Cảnh sát trưởng Uttarakhand Ashok Kumar cho biết hơn 50 người đang làm việc tại Rishi Ganga. Khoảng 150 người làm việc ở Tapovan. Khoảng 30 người khác bị mắc kẹt trong một đường hầm dài khoảng 2,5 km. Trong số này có 16 người đã được giải cứu. (Ảnh: AP)
Theo truyền thông địa phương, 14 người thiệt mạng sau vụ vỡ sông băng và hơn 170 người vẫn đang mất tích. Gần 180 con cừu và dê bị cuốn trôi trong trận lũ quét. (Ảnh: AP)
Chiến dịch cứu hộ được triển khai từ chiều 7/2 với sự tham gia của cảnh sát, quân đội, lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia và tiểu bang. Tuy nhiên, địa hình hiểm trở, nhiệt độ thấp, bùn và mảnh vỡ trong đường hầm đang đặt ra thách thức lớn với lực lượng cứu hộ. (Ảnh: Twitter)
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ vỡ sông băng, nhưng các chuyên gia cho rằng có thể do biến đổi khí hậu. (Ảnh: AP)
Uttarakhand là khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét và lở đất. Các nhà hoạt động môi trường thời gian gần đây yêu cầu giới chức địa phương xem xét lại các dự án điện ở các vùng núi tại bang nay. Vào tháng 6/2013, đợt mưa gió mùa ở Uttarakhand gây ra đợt lũ lụt khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người.