Liên quan đến Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế, ngày 22/3, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức buổi gặp gỡ người dân nằm trong diện di dời, giải tỏa.
Những ngôi nhà lụp xụp, rách nát đang phá nát hình ảnh của di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. (Ảnh: Đào Hằng)
Theo khung chính sách do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì các trường hợp sử dụng đất lấn chiếm trong giai đoạn từ 19/5/1976 - 15/10/1993, trên đất có nhà ở sẽ được hỗ trợ 100% theo hiện trạng, nhưng không vượt quá 200m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở.
Những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước cũng được hỗ trợ 100% theo diện tích xây dựng, nhưng không vượt quá 200m2.
Các trường hợp sử dụng đất do lấn chiếm trong giai đoạn từ 15/10/1993 -1/7/2004, đất có nhà ở được hỗ trợ 50% theo hiện trạng nhưng không vượt quá 200m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở. Những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước trong giai đoạn này được hỗ trợ 50% theo diện tích xây dựng, không vượt quá 200m2.
Việc hỗ trợ đối với các trường hợp sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 nhưng chưa nộp tiền để được sử đất được chia làm 2 loại đối tượng.
Đối tượng sử dụng đất trước 15/10/1993 được hỗ trợ 100% theo diện tích hiện trạng, không vượt quá 200m2. Đối tượng sử dụng đất giai đoạn từ 15/10/1993 - 1/7/2004 được hỗ trợ 50% theo diện tích hiện trạng, không vượt quá 200m2. Phần diện tích đất lớn hơn hạn mức giao đất ở thì được hỗ trợ theo quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở.
Đối với nhà ở, công trình sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường thì được hỗ trợ bằng 80% giá trị xây mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.
Đặc biệt, khung chính sách này quy định, các hộ gia đình, cá nhân khi được bồi thường hoặc hỗ trợ về tài sản là nhà ở và công trình xây dựng khác có số tiền bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn 120 triệu đồng mà phải di chuyển chỗ ở đến nơi tái định cư mới thì được hỗ trợ thêm cho đủ 120 triệu đồng để có điều kiện làm nhà ở nơi ở mới…
Tại buổi gặp mặt, người dân đã nêu những thắc mắc và đưa ra các kiến nghị về chính sách di dời, tái định cư cũng như vấn đề sinh kế sau di dời và các ý kiến này được đại diện chính quyền trả lời một cách khá chi tiết.
Việc di dời những khu ổ chuột treo trên Kinh thành Huế hàng trăm năm qua là công việc mang tính cấp bách và dù gặp nhiều khó khăn nhưng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn đang nỗ lực kêu gọi, thực hiện. (Ảnh: Đào Hằng)
Ông Huỳnh Cư - Bí thư Thành ủy Huế đề nghị người dân giám sát chặt chẽ và có ý kiến phản ánh những bất hợp lý, sai sót trong quá trình thực hiện đề án.
Người đứng đầu Thành ủy Huế đánh giá, việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế tốn một nguồn lực khá lớn. Do dự án không nằm trong kế hoạch dài hạn của tỉnh nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn về nguồn tài chính. Hiện tỉnh đang rất lo lấy nguồn lực ở đâu để đáp ứng kịp tiến độ dự án.
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế là chủ trương lớn cả về quy mô tiền bạc và quy mô dân cư. Chưa từng có một dự án nào trên địa bàn tỉnh quy mô lớn như vậy.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế nói, sở dĩ lâu nay tỉnh không thực hiện được việc di dời dân là do chưa có khung chính sách phù hợp. Để thực hiện đề án, tỉnh xây dựng khung chính sách và được Chính phủ phê duyệt, nhờ đó giải quyết được những vướng mắc về pháp luật trong công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nói, việc cân đối vốn để thực hiện đề án đang gặp nhiều khó khăn. Hiện Chính phủ mới chỉ hỗ trợ 100 tỷ đồng cho việc thực hiện đề án năm 2019 và tỉnh phải huy động các nguồn khác nhằm đảm bảo số tiền khoảng 250 tỷ đồng để thực hiện.
Ông Phan Ngọc Thọ mong muốn người dân chia sẻ với những khó khăn của tỉnh và bình tĩnh, không nghe theo những tác động bên ngoài để dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện đề án.
Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế là "cuộc di dân lịch sử" của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đề án được thực hiện nhằm di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư 1.362 tỷ đồng.
Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài, hệ thống hồ 4 phường nội thành TP Huế.