Mỹ vừa triển khai tàu USS Rafael Peralta – một trong những tàu khu trục mới nhất đến Yokosuka, Nhật Bản trong tuần này. Tàu USS Rafael Peralta đã rời cảng San Diego, California đến Yokosuka vào ngày 4/2. Đây là tàu chiến thứ 12 của Mỹ hiện diện tại căn cứ tiền tiêu ở Tây Thái Bình Dương, hoạt động cùng với tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu chỉ huy của hạm đội 7 - USS Blue Ridge.
Tàu khu trục USS Rafael Peralta. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Đầu tư cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Việc điều thêm một tàu khu trục tới Nhật Bản là một quyết định không hề dễ dàng đối với Mỹ, bởi Washington còn phải lo nơi ăn chốn ở cho hơn 300 thành viên trong thủy thủ đoàn và gia đình của họ. Tuy vậy, Hạm đội 7 cho biết, sự hiện diện của các tàu chiến tối tân nhất trong lực lượng tại căn cứ tiền tiêu đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Giới phân tích dự đoán, những động thái tương tự nhiều khả năng sẽ gia tăng khi Tổng thống Joe Biden bắt tay đánh giá lại sự hiện diện quân sự của Mỹ trên toàn cầu.
Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại hôm 4/1, Tổng thống Biden nêu rõ: “Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ dẫn đầu quá trình đánh giá tình hình toàn cầu đối với các lực lượng quân sự Mỹ trên thế giới để sự hiện diện của chúng ta phù hợp với lợi ích quốc gia”.
Ông Biden cho biết thêm, chính quyền mới sẽ hoãn quyết định rút quân khỏi Đức - được công bố vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông Trump, cho đến khi hoàn tất quá trình đánh giá.
Vào tháng 6/2020, cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương quyết định cắt giảm 1/3 số binh sỹ Mỹ tại Đức, đồng thời chỉ trích Berlin không đảm bảo đủ mức chi tiêu cho quốc phòng. Trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng từ Nga, quyết định của ông Trump đã bị nhiều thành viên NATO chỉ trích.
Việc hoãn quyết định rút quân khỏi Đức là dấu hiệu cho thấy chính quyền Joe Biden quan tâm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác của nước này. Trong một tuyên bố riêng rẽ, Bộ trưởng Quốc phòng Austin cho biết: “Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến các đồng minh và đối tác của chúng tôi khi đánh giá tình hình”.
Theo các nhà phân tích, khi đưa sự mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu, chính quyền của ông Biden nhiều khả năng sẽ đầu tư nguồn lực nhiều hơn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – nơi mà Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh sự ảnh hưởng.
Trong bài bình luận đăng trên tạp chí Foreign Affairs tháng 1/2021, chuyên gia chính sách châu Á Kurt Campbell – người được Tổng thống Biden bổ nhiệm giữ chức vụ điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đề xuất rằng Washington nên phân bố lực lượng đồng đều trên khắp khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.
Kurt Campbell và Rush Doshi – nhân vật được chỉ định phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cũng cho rằng kế hoạch dàn trải lực lượng sẽ giúp quân đội Mỹ "giảm sự phụ thuộc vào một nhóm nhỏ các căn cứ dễ bị tổn thương ở Đông Á".
Tổng thống Biden được cho là đang xem xét hoãn rút quân khỏi Afghanistan. Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, cựu Tổng thống Trump đã cam kết giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước ngoài, đồng thời mong muốn thực hiện điều này trước hạt chót là vào tháng 5/2021, theo thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ với Taliban. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, Washington nên phối hợp với các thành viên NATO có quân đội đồn trú ở Afghnistan khi thực hiện kế hoạch rút quân để đảm bảo sự ổn định trên thực địa.
Thay đổi sách lược quân sự
Sau khi lên nắm quyền, hầu hết các tổng thống Mỹ đều điều chỉnh sách lược quân sự để phù hợp với sự thay đổi địa chính trị trên toàn cầu. Chẳng hạn, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, cựu Tổng thống George W. Bush tập trung vào mô hình chiến tranh cơ động và tác chiến phi đối xứng nhằm tiêu diệt các tổ chức khủng bố. Đây là sự thay đổi lớn so với cách tiếp cận có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Cựu Tổng thống Obama chủ trương tái cân bằng các lực lượng và thực hiện chính sách “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương. Ông Obama có kế hoạch điều động một số lực lượng đồn trú tại Trung Đông và châu Âu tới Australia và khu vực lân cận. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được thực hiện do chính quyền Obama phải dồn sức cho cuộc chiến chống các nhóm khủng bố, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump lại tập trung vào việc yêu cầu các đồng minh gia tăng chi phí cho quốc phòng và chia sẻ gánh nặng quân sự. Điều này khiến các chiến lược về an ninh khu vực đứng ở một ưu tiên thấp hơn. Các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc phải chịu sức ép gia tăng chi phí cho việc đồn trú của quân đội Mỹ, thậm chí đối mặt với lời cảnh báo rút quân của Washington nếu họ không đóng góp đủ. Các cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự đã rơi vào tình trạng bế tắc dưới thời Trump và chính quyền của ông Biden sẽ phải kế thừa những cuộc đàm phán dang dở này.
Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao về vấn đề Đông Bắc Á tại Quỹ Heritage, cho rằng, chính quyền Joe Biden nên tuyên bố duy trì số lượng binh sỹ Mỹ hiện có tại Hàn Quốc cho đến khi “giảm thiểu được các mối đe dọa về hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên”.
Không chỉ riêng Mỹ, nhiều nước châu Âu hiện nay cũng đang tăng cường sự kết nối với châu Á. Đức dự kiến gửi một tàu khu trục nhỏ đến Nhật Bản còn Anh sẽ điều động tàu sân bay Queen Elizabeth đến Ấn Độ Dương. Những động thái này thể hiện sự quan ngại trước việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại các vùng biển trong khu vực.