Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT xây dựng ứng dụng (app) hoặc tích hợp vào cổng dịch vụ công của Bộ để chủ sở hữu xe đủ tiêu chuẩn giãn chu kỳ kiểm định. Nghị định sửa đổi về hoạt động kiểm định xe cơ giới cần theo hướng hợp lý, khoa học, hiệu quả, giảm phiền hà cho dân và tránh tình trạng trục lợi.
Tại buổi làm việc với các Bộ, ngành, đại diện các Hiệp hội, chuyên gia, nhà quản lý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới ngày 4/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đồng ý tự động giãn chu kỳ kiểm định với phương tiện phù hợp quy định.
Phó Thủ tướng đồng ý giãn chu kỳ kiểm định, chủ xe có thể thực hiện trực tuyến.
Dự thảo Nghị định được kỳ vọng sẽ điều chỉnh những vấn đề "nóng" đang được dư luận xã hội quan tâm, Phó Thủ tướng yêu cầu phải giải quyết, khắc phục những tồn tại, yếu kém, khó khăn, vướng mắc thời gian qua để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng, độ an toàn của phương tiện vận tải tham gia giao thông.
Cụ thể, dự thảo Nghị định cần tách bạch chức năng cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh phân cấp quản lý theo hướng Bộ GTVT quy định tiêu chí, điều kiện về tổ chức bộ máy, trang thiết bị, quy trình đăng kiểm...,để địa phương có căn cứ thực hiện; tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra các đơn vị đăng kiểm, kiểm chuẩn thiết bị đăng kiểm… với sự tham gia của sở khoa học và công nghệ các địa phương.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Chiến Thắng - Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP mở rộng đối tượng tham gia hoạt động kiểm định nhằm thu hút tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học trong kiểm định xe.
Tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia-đề nghị áp dụng cơ chế tự động gia hạn chu kỳ kiểm định các phương tiện đáp ứng các tiêu chí của Thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Ô tô đủ điều kiện theo quy định sẽ được giãn chu kỳ đăng kiểm, có thể thực hiện trực tuyến.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng tình với ý kiến của ông Hùng và đề nghị Bộ GTVT xây dựng ứng dụng (app) hoặc tích hợp vào cổng dịch vụ công của Bộ để chủ sở hữu xe đủ tiêu chuẩn giãn chu kỳ kiểm định theo thông tư 02/2023/TT-BGTVT được đăng ký và các cơ quan chức năng có thể tra cứu, thực hiện giãn chu kỳ kiểm định trực tuyến.
Đồng thời Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT kết nối dữ liệu để khắc phục tình trạng một xe đăng ký kiểm định qua app ở nhiều trung tâm.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Nghị định mới về đăng kiểm sẽ điều chỉnh những vấn đề nóng đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm.
Do vậy, phải giải quyết, khắc phục được những bất ổn hiện nay với sự tham gia của các chủ thể liên quan, để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường.
Nghiên cứu phương án cơ sở bảo dưỡng tham gia kiểm định
Nhấn mạnh yêu cầu liên thông hệ thống đăng kiểm, Phó Thủ tướng cho rằng, dự thảo Nghị định cần bảo đảm sự quản lý thống nhất của Bộ Giao thông Vận tải trong lĩnh vực đăng kiểm bằng các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện chung.
Từ đó, các đơn vị đăng kiểm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, trong trường hợp được phép, có thể tham gia thực hiện đăng kiểm dân sự; bổ sung quy định cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, tính đủ theo giá thị trường nhằm tạo điều kiện thông thoáng, lành mạnh cho xã hội hóa hoạt động đăng kiểm.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ GTVT xem xét, nghiên cứu các phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S, 4S của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và xuất, nhập khẩu ô tô ở trong nước tham gia kiểm định.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT xem xét, nghiên cứu phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S (có không gian trưng bày xe mới, dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng chính hãng), 4S (có thêm chức năng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng so với 3S) tham gia kiểm định.
Bộ xem xét thời gian chu kỳ đăng kiểm trên cơ sở phù hợp giữa tiêu chuẩn kỹ thuật của xe ô tô hiện nay; tăng cường các biện pháp hành chính, kỹ thuật với xe cũ; phân định yêu cầu đăng kiểm xe tư nhân và xe hoạt động kinh doanh dựa trên số kilômét thực tế; quy định chặt chẽ, kiểm soát nghiêm ngặt việc hoán cải phương tiện giao thông theo hướng xác định rõ trách nhiệm từ khâu thiết kế kỹ thuật, thực hiện, giám định.
Cùng với việc ban hành Nghị định, Bộ có lộ trình cụ thể xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn theo lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT xây dựng ứng dụng (apps) hoặc tích hợp vào cổng dịch vụ công của Bộ để chủ sở hữu xe cơ giới đủ tiêu chuẩn giãn, hoãn đăng kiểm theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, được đăng ký.
Các cơ quan chức năng có thể tra cứu trực tuyến; kết nối dữ liệu để khắc phục tình trạng "một phương tiện đăng ký đăng kiểm ở nhiều trung tâm hoặc một người đăng ký đăng kiểm nhiều phương tiện khác nhau".
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Nghị định mới về đăng kiểm sẽ phải thay đổi cách thức quản lý và cung cấp dịch vụ công, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng kiểm; giải quyết được những tồn tại, yếu kém, vướng mắc thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng, độ an toàn của phương tiện giao thông.
Nghị định mới cần tách bạch chức năng cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm.
Đồng thời đẩy mạnh phân cấp quản lý theo hướng Bộ GTVT quy định tiêu chí, điều kiện về tổ chức bộ máy, trang thiết bị, quy trình đăng kiểm, để địa phương có căn cứ thực hiện; tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra các đơn vị đăng kiểm.