Những ngày đầu xuân Canh Tý 2020, chúng tôi ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Kim Hoa, cháu nội nhà cách mạng Nguyễn Doãn Nguyên.
Ông Nguyên là người đảng viên lão thành từng sát cánh cùng Tổng Bí thư Trần Phú, tích cực hoạt động cách mạng thời kỳ Đảng ta mới thành lập năm 1930.
Rót chén trà hương sen của xứ Nghệ mời chúng tôi, chị Kim Hoa nhẹ cầm trên tay cuốn hồi ký “Chân lý luận” của ông nội mình, rồi bắt đầu kể về cuộc đời của người ông đáng kính.
Không biết đang bảo vệ Tổng Bí thư
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Yên Thành (tỉnh Nghệ An), ngay từ lúc còn trẻ, người thanh niên Nguyễn Doãn Nguyên hăng say tham gia cách mạng.
Năm 1927, ông Doãn Nguyên cùng các thanh niên ưu tú khác lãnh đạo cuộc bãi khóa của học sinh thành phố Huế. Bị truy lùng gắt gao, ông di chuyển vào miền Nam hoạt động cách mạng.
Chân dung nhà cách mạng Nguyễn Doãn Nguyên chụp năm 1938. (Ảnh gia đình nhân vật cung cấp)
Sau khi Đảng ta được thành lập (3/2/1930), người thanh niên yêu nước Nguyễn Doãn Nguyên tham gia hoạt động tại Thành ủy Sài Gòn. Sau đó, theo phân công của Đảng, ông được giao trọng trách tạo bình phong, bảo vệ cho Thường vụ Trung ương Đảng và trực tiếp bảo vệ cho Tổng Bí thư Trần Phú.
Trong cuốn hồi ký ghi lại “Những ngày tháng cuối cùng của đồng chí Trần Phú”, nhà cách mạng Doãn Nguyên kể rằng, sau hội nghị thứ nhất Trung ương Đảng, Thường vụ Trung ương dời vào Sài Gòn để tiện lãnh đạo cao trao cách mạng toàn cõi Đông Dương và tiện liên lạc với Quốc tế Cộng sản ở Matxcova, qua đường Hương Cảng (Trung Quốc) và Marseille (Pháp).
“Ở Sài Gòn, tôi được giao trách nhiệm tổ chức một cơ quan đặc biệt, để một số đồng chí ở và hoạt động bí mật ở trung tâm thành phố. Đoàn thể còn giao cho tôi nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho cơ quan đó… Tất cả những việc này, tôi có kinh nghiệm, vì đã từng trải qua khi còn hoạt động ở hội Phục Việt, Hưng Nam và Tân Việt.
Vào đầu tháng 11/1930, đồng chí Huy, bí danh của Lý Tự Trọng, liên lạc viên của Trung ương Đảng hướng dẫn một người trung niên gầy yếu, mắt đeo kính râm, mặc âu phục trắng, đội mũ phớt nâu tới tôi ở và giới thiệu: Đây là đồng chí Năm (tức Tổng Bí thư Trần Phú), tới ở chung trong cơ quan và giao trách nhiệm giúp đỡ và chăm sóc chu đáo. Bàn giao xong, đồng chí Huy ra về”, nhà cách mạng Nguyễn Doãn Nguyên viết trong hồi ký.
Theo lời kể của ông Nguyên, sau khi xem xét nơi ở, đồng chí Năm có vẻ yên trí, ngồi vào phòng và căn dặn thêm vài điều về công tác nội bộ và bảo đảm an toàn cơ sở.
“Tuy chưa biết biết rõ tên thật của anh, nhưng qua câu chuyện, tôi cũng đoán được cương vị chủ chốt của anh trong cơ quan. Nhưng vì tuyệt đối phải giữ bí mật, tôi không hỏi gì. Đó là vấn đề nguyên tắc, vấn đề kỷ luật mà mỗi người trong cơ quan phải tuân theo.
Được giao nhiệm vụ đặc biệt, tôi hết sức chăm lo nhiệm vụ và đã làm việc tận tụy. Đồng chí Năm, với bản lĩnh và lòng nhiệt thành cách mạng đã không quản mệt mỏi, hết lòng giúp đỡ tôi và các đồng chí khác tìm tòi, nghiên cứu về chủ nghĩa Mác –Lenin”, nhà cách mạng Nguyễn Doãn Nguyên viết.
“Chân lý là mặt trời chiếu sáng cho chúng ta đi. Có hiểu đúng thì mới có hành động đúng. Thành công cuộc sống chính do đây”, đó là những điều mà ông Doãn Nguyên tâm đắc nhất trong những lời dặn của đồng chí Năm (sau này ông mới biết đó chính là Tổng Bí thư Trần Phú).
Cũng trong thời gian này, Tổng Bí thư Trần Phú tập trung tu chỉnh lại bản Luận cương Chính trị, để trình bày trước Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng cuối tháng 11/1930. Ngoài ra, ông còn tìm hiểu và nghiên cứu phong trào cách mạng đang diễn ra mạnh mẽ trong cả nước, từ đó vạch ra những kế hoạch lãnh đạo Đảng một cách khoa học, sát với thực tiễn.
Bị tra tấn, quyết không khai về Tổng Bí thư
Đầu năm 1931, Tổng Bí thư Trần Phú quyết định dời cơ quan sang vị trí khác, để tránh tai mắt của mật thám địch. Ông Doãn Nguyên được giao nhiệm vụ tìm kiếm địa điểm thích hợp và sau đó chuyển cơ quan đến số 3 đường Colombie.
Vợ chồng ông Nguyễn Doãn Nguyên tại Nghệ An năm 1975. (Ảnh gia đình nhân vật cung cấp)
Ở đây, ông Doãn Nguyên tranh thủ giúp Tổng Bí thư Trần Phú sưu tầm tài liệu báo chí, tìm hiểu về tình hình đấu tranh giai cấp trong nước, cũng như quốc tế. Với vai trò giống như thư ký riêng, ông Doãn Nguyên hàng ngày ghi chép, đánh máy các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của Tổng Bí thư Đảng.
“Những đêm trường, khi lên cơn ho sù sụ (vì bệnh lao), đồng chí Năm ôm choàng lấy tôi. Tôi cũng ôm chặt đồng chí trong lòng, cùng nhau vật lộn với vi trùng “cốc”, thứ vi trùng đục khoét phế quản của anh. Và nhiều lần chúng tôi đã thắng, sau khi anh uống cốc nước đường hay ít viên thuốc trừ lao, mà tôi kiếm được”.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần 2, Tổng Bí thư Trần Phú bận rộn tập trung nghiên cứu tình hình phong trào cách mạng trong cả nước, cố gắng tìm ra ưu khuyết điểm của từng địa phương và đề ra các phương pháp bổ khuyết thích hợp.
Cuối tháng 3/1931, Trung ương Đảng họp lần 2 tại Sài Gòn trong bối cảnh cao trào cách mạng đang gặp nhiều khó khăn bởi sự đàn áp của giai cấp thống trị. Theo đề nghị của Tổng Bí thư Trần Phú, Hội nghị đã quyết định những biện pháp cụ thể để phát triển phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân chống khủng bố, bóc lột, gây dựng cơ sở cách mạng khắp cả nước.
Tuy nhiên, ngay sau khi Hội nghị kết thúc, một số cán bộ lãnh đạo bị bắt, trong đó có ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Ngô Đức Trì. Để đề phòng bất trắc, Tổng Bí thư Trần Phú tạm lánh sang một nơi khác an toàn.
Chúng dọa nổ súng. Tôi bình tĩnh, nghĩ rằng, nếu nói ra, đồng chí Năm sẽ bị tóm ngay, còn mình thì có tội với cách mạng. Nên thà chịu chết, chứ nhất định không nói, không khai, không chỉ gì hết, để đồng chí Năm có thì giờ tẩu thoát”.
Nhà cách mạng Nguyễn Doãn Nguyên
“Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 1 tuần lễ, đồng chí Năm thấy tình hình yên ổn, không có rục rịch gì cả. Vả lại, anh quá tin ở Ngô Đức Trì, tin chắc Trì sẽ không khai, sẽ chịu chết thôi, nên anh lại trở về ở chung với tôi để tiện công tác”, ông Doãn Nguyên ghi lại trong hồi ký.
“Ngày 17/4/1931, vào khoảng 8h tối, như thường lệ anh Năm và tôi đem báo ra xem, đem tài liệu ra nghiên cứu, thảo luận. Bỗng anh đứng dậy, tìm chìa khóa cầu tiêu, để ra sau đi ngoài. Còn tôi vẫn ngồi bàn đọc sách, nghiên cứu như không có việc gì xảy ra. Đột nhiên, có tiếng động, xào xạc”.
Bọn mật thám lao vào nhà, chĩa súng vào thái dương ông Doãn Nguyên và chị giúp việc tên Thạch. Chúng yêu cầu hai người đứng ép vào một góc tường, rồi hỏi người còn lại. Ông Nguyên chối đáp, thì bị chúng đá ngay vào mặt, vào hông liên tục.
“Chúng tiếp tục hỏi, tôi tiếp tục chối, nói là không có ai nữa,ngoài hai người thôi. Chúng dọa nổ súng. Tôi bình tĩnh, nghĩ rằng, nếu nói ra, đồng chí Năm sẽ bị tóm ngay, còn mình thì có tội với cách mạng. Nên thà chịu chết, chứ nhất định không nói, không khai, không chỉ gì hết, để đồng chí Năm có thì giờ tẩu thoát.
Bọn mật thám trong cơ quan tra hỏi chúng tôi và nói: “Còn một người nữa tên là Trần Phú, bí danh Lý Quý, thường gọi là Năm Lý, học ở Nga trước đây, nay về hoạt động phá rối. Nó chui vào chỗ nào, nói mau, không thì cho chết”. Hai chúng tôi đều không nói, nhất định chịu chết”, trích hồi ký của ông Doãn Nguyên.
Sau đó, địch chở ông Nguyên và chị Thạch về bốt Chợ Lớn để hỏi cung. Chúng tra tấn, đánh đập khủng khiếp suốt gần một tháng để khai thác, nhưng không có kết quả gì. Cả hai người chiến sĩ cách mạng nhất quyết không để lộ bí mật của tổ chức, không khai báo về bất kỳ ai.
Tuy vậy, ít lâu sau đó, Tổng Bí thư Trần Phú không may lọt vào tay địch. Chúng tra tấn ông hết sức dã man, với đủ loại cực hình, như “lột mề gà”, “xẻ bàn chân tẩm xăng đốt”… Nhưng tất cả thủ đoạn ấy điều vô hiệu. Trần Phú vẫn im lặng kiên cường, bất khuất. Cuối cùng chúng giải Tổng Bí thư Đảng ra tòa án lấy cung và xử án vào hạ tuần tháng 4/1931.
Không thể khuất phục ý chí của người đảng viên cộng sản trung kiên, kẻ địch nhốt Trần Phú xuống hầm tối, sau đó chuyển về khám lớn ở Sài Gòn, giam chung với các chính trị phạm khác.
“Trong tù, Tổng Bí thư Đảng tham gia tất cả các cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị chống lại chế độ dã man của khám lớn Sài Gòn. Trần Phú đã nhịn ăn 5 ngày liên tiếp, lúc này, anh nôn ra nhiều máu và ho suốt ngày đêm. Sức khỏe anh yếu dần, bệnh lao tái phát nghiêm trọng.
Sáng 6/9/1931, anh Phú trút hơi thở cuối cùng, khi tuổi đời mới 27, để lại tiếc thương cho toàn Đảng và những người cộng sản trong và ngoài nước”, ông Doãn Nguyên viết trong hồi ký.
“Chân lý luận” của cuộc đời
Chị Kim Hoa giở nhẹ từng trang hồi ký của ông nội mình, thỉnh thoảng ngừng lại, xem kĩ từng tấm hình thời trẻ của nhà cách mạng Nguyễn Doãn Nguyên. Cả tuổi thơ của chị gắn bó với người ông đáng kính, thường xuyên được nghe những lời khuyên răn, dạy bảo về triết lý nhân sinh quan, thế giới quan của Chủ nghĩa Mác.
“Kể từ khi được gặp và làm việc cùng Tổng Bí thư Trần Phú, ông tôi luôn mang trong lòng niềm tin mãnh liệt về lý tưởng cách mạng và chủ nghĩa xã hội. Ông dành hết cuộc đời mình cho con đường chân lý mà Đảng dẫn đường, chỉ lối. Cho đến hôm nay, thế hệ con cháu vẫn luôn tin tưởng và dõi theo những gì mà ông cha đã truyền dạy”, chị Hoa chia sẻ.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chiến sĩ yêu nước Nguyễn Doãn Nguyên tham gia hoạt động tích cực ở huyện, tỉnh và liên khu 4. Ông từng giữ chức vụ Ủy viên Thường vụ Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác Liên khu 4. Ông viết nhiều bài cho tạp chí “Giải phóng” và “Tìm hiểu”, góp phần truyền bá Chủ nghĩa Mác ở địa phương.
Từ giai đoạn 1953-1958, ông Doãn Nguyên công tác tại Thường vụ Đoàn khoa học kỹ thuật Liên khu 4, sau đó về tỉnh, phụ trách xây dựng Thư viện Nghệ Tĩnh. Những năm về hưu, ông say sưa nghiên cứu và viết các công trình triết học “Chân lý luận”.
“Chân lý luận là tài liệu có phần nêu khái quát về chân lý, thế giới quan khoa học và nhân sinh quan khoa học. Tất cả nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng văn hóa tư tưởng, không thể thiếu trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội hiện nay ở nước ta.
Đây là kết quả của những năm tháng hoạt động cách mạng của ông tôi trong quá trình làm việc cùng Tổng Bí thư Trần Phú giai đoạn 1930-1931. Sau đó, ông đã ôn lại, chỉnh lý, bổ sung và phát triển thêm, trên cơ sở khoa học tự nhiên và xã hội và hoàn thành viết vào năm 1975. Phần văn vần của Chân lý luận được ông viết xong vào năm 1982 ở thành phố Vinh”, chị Kim Hoa chia sẻ.
Sau khi cuốn “Chân lý luận” được hoàn thành, nhiều cơ quan nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương và địa phương đánh giá tích cực về giá trị của tài liệu trên. Với những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chiến sĩ yêu nước Nguyễn Doãn Nguyên được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2001.
Chia tay ra về, chúng tôi vẫn còn xúc động về câu chuyện kể của chị Kim Hoa về người ông kính yêu, người chiến sĩ cách mạng quả cảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tổ chức Đảng và đồng chí của mình.
Nguyện vọng duy nhất của chị Kim Hoa và gia đình là muốn lan tỏa tình cảm đặc biệt của cha ông mình dành cho lý tưởng Đảng tới thế hệ trẻ hôm nay. Thông điệp giá trị cao cả của "chân lý luận" là mỗi người hãy giữ cho mình những lẽ sống tốt đẹp, để vun đắp ước mơ cuộc đời và xây dựng nhiều hơn cho quê hương, Tổ quốc.