Năm 1930, cũng trong không khí những ngày lễ Tết truyền thống của một số dân tộc Đông Á, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), trong cuộc họp của đại diện một số tổ chức cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Đại diện của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là người chủ trì và cũng chính là người đưa ra đề xuất này tại cuộc họp.
Hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam cả trong quá khứ và ngày nay nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của các yếu tố bên ngoài, quyết định đến sự xuất hiện của Đảng.
Trước hết, đó là xu hướng của một kỷ nguyên do chiến thắng của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mở ra, khi chủ nghĩa Mác – Lênin chuyển từ lý thuyết sang thực tiễn. Cuộc cách mạng Bolshevik đã chỉ cho người Việt Nam con đường giải phóng đất nước, dân tộc khỏi sự áp bức, tiến tới giải phóng con người.
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc ngày 21/1/2016. (Ảnh: Gazeta pravda)
Quốc tế III đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập một đảng vô sản ở Việt Nam. Đại diện Quốc tế III được cử đến Đông Dương chính là Hồ Chí Minh, người từng đi đến nhiều quốc gia, những nơi mà Người đã tích cực tham gia vào đời sống chính trị và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Cộng sản Pháp và Liên Xô. Điều đó đã giúp Người cả về lý thuyết và thực tiễn, để hiểu được sự cần thiết phải đoàn kết phong trào giải phóng dân tộc với cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội.
Ngay từ khi bắt đầu hoạt động, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hướng quần chúng không chỉ để chiến đấu chống lại thực dân, mà còn để giành quyền lực chính trị. 15 năm sau, vào mùa thu năm 1945, những người cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, lên nắm quyền, tuyên bố nền độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh, từng tự hào nhấn mạnh rằng, chưa từng có ví dụ nào trong lịch sử, khi Đảng Cộng sản chỉ 15 năm sau khi ra đời đã có thể lên nắm quyền.
Quyền lực của nhân dân và nền độc lập của đất nước phải được bảo vệ khỏi những kẻ xâm lược nước ngoài cho đến những năm 1980. Hồ Chí Minh qua đời trước khi Tổ quốc được thống nhất và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam trường tồn theo lời di huấn của Người, một trong những lời di huấn đó là: bất kỳ tiến trình chính trị nào của Đảng, bất kỳ chiến lược nào cũng phải xuất phát từ thực tế của Việt Nam, và đều tôn trọng quy luật khách quan.
Theo di huấn này, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, 34 năm trước, đất nước đề ra đường lối đổi mới và mở cửa, đặt tên là “Đổi Mới”. Nhờ đường lối được cả dân tộc, nhân dân thống nhất, đồng lòng này, nền kinh tế đất nước vượt qua khủng hoảng, đạt mức phát triển trung bình thế giới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập vào nền kinh tế thế giới được thực hiện thành công.
Kể từ đầu những năm 1990, Việt Nam nổi lên là nền kinh tế có tốc độ phát triển cao. Trong năm ngoái, năm 2019, tăng trưởng GDP ước đạt 7,2% với lạm phát 2,01% và sản xuất công nghiệp tăng 9,1%. Vào đầu năm 2020, một thành tựu quan trọng trong việc phát triển công nghệ thông tin đã được công bố: toàn bộ lãnh thổ Việt Nam được phủ sóng mạng di động thế hệ thứ tư.
Nhờ chính sách đối ngoại linh hoạt dưới sự lãnh đạo của Đảng, uy tín quốc tế của Việt Nam đã tăng lên rõ rệt. Việt Nam hiện duy trì quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, trong khi quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập với 18 nước. Năm 2020, Việt Nam đóng vai trò là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là thành viên không thường thực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ được tinh thần chiến đấu, hoàn thành xuất sắc vai trò tiên phong của không chỉ giai cấp công nhân, mà cả toàn thể nhân dân Việt Nam.
Sau Đại hội XII của Đảng Công sản Việt Nam (tháng 1/2016), Đảng đặc biệt chú ý đến việc nâng cao hiệu quả công tác trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước. Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN thông qua 124 văn bản chỉ đạo liên quan đến thành phần nhân sự, trách nhiệm đặc biệt của các đảng viên, duy trì sự trong sạch về ý thức hệ và đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, các định dạng làm việc mới của bộ máy Nhà nước, chính quyền địa phương, bảo vệ Tổ quốc và bảo đảm an ninh của đất nước.
Phê bình và tự phê bình tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Đảng, nhờ đó kỷ luật Đảng được củng cố và các đảng viên trở nên trong sạch hơn. Theo báo chí Việt Nam, cuộc chiến chống lại “sự tự diễn biến” và “sự tự chuyển hóa” của các đảng viên đang tiến hành. Các biện pháp giáo dục cho thời kỳ hậu Đại hội đã được áp dụng cho 50 nghìn đảng viên.
Chiến dịch chống tham nhũng, được tiến hành với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng và toàn xã hội Việt Nam. Đầu tháng 1, cuộc họp thường kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được tổ chức, tại đó ghi nhận rằng vào năm 2019, số lượng tội phạm tham nhũng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn hội nghị tiếp tục cải thiện các thể chế quản lý kinh tế xã hội nhà nước và đấu tranh chống tham nhũng.
Năm 2020 không chỉ là một năm đầy ắp các ngày lễ kỷ niệm của dân tộc Việt Nam, mà còn là năm của Đại hội Đảng XIII. Đó sẽ là một bước tiến mới trên con đường hướng tới những mục tiêu ấp ủ, được xây dựng trong các văn kiện của Đảng, như là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bằng những bước đi vững chắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.