Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chiêm ngưỡng hiện vật chiến tranh quý hiếm tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

(VTC News) -

Cơ sở mới Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có nhiều hiện vật chiến tranh đặc biệt quý hiếm gắn với các nhân vật, sự kiện, câu chuyện về lịch sử dân tộc.

Video: Hành trình đưa 'ngựa thồ' C-130 về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Dự án Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khởi công năm 2020 trên khu đất có diện tích 74,3 ha, trong đó diện tích sử dụng khoảng 38,66 ha. 

Công trình nằm trên Đại lộ Thăng Long (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) với thiết kế hiện đại gồm 4 tầng nổi và tầng bán âm.

 Đây là dự án cấp đặc biệt, do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến 30/6/2024, dự án Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 gồm khu vực trưng bày tầng 1 của tòa nhà chính, quảng trường, đài tưởng niệm và hạng mục phụ trợ.

Đây được xem là công trình ý nghĩa cho cả quá khứ và tương lai, tạo điểm nhấn không chỉ cho Quân đội, mà còn cho Thủ đô và cả nước. Công trình sẽ góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, là điểm nhấn kiến trúc, kết nối hài hòa và bảo tồn kiến trúc, cảnh quan khu vực. 

Theo ghi nhận của PV VTC News, đến nay, nhiều hiện vật như máy bay chiến đấu, máy bay vận tải quân sự, xe tăng, pháo từ bảo tàng cũ đã được vận chuyển về trưng bày trước khuôn viên của bảo tàng. Trong số các hiện vật này, C-130 với biệt danh "ngựa thồ" là hiện vật có kích thước lớn nhất.

C-130 là máy bay vận tải hạng trung, thân rộng, chính thức trang bị cho Không quân và Hải quân Mỹ năm 1956. Sau ngày Thống nhất đất nước 30/4/1975, Việt Nam thu được 7 chiếc máy bay C-130 và đã bổ sung ngay vào lực lượng phục vụ cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam. 

Đến giữa những năm 80 của thế kỷ 20, không quân Việt Nam dừng sử dụng C-130, chuyển sang làm hiện vật trưng bày. 13 năm trước, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhận quyết định của cấp trên chuyển giao "ngựa thồ" về trụ sở ở 28A đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội. Tuy nhiên, do bảo tàng không đủ diện tích trưng bày, máy bay được gửi lại Nhà máy A41 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân ở TP.HCM.

Năm 2023, bảo tàng quyết định vận chuyển C-130 từ TP.HCM về cơ sở mới sắp hoàn thiện. Hành trình về Hà Nội từ TP.HCM khoảng 1.700km. Song, để tránh tất cả các cầu trọng tải yếu, các đường có cua gấp, dốc cao, hay các trạm soát vé..., đội vận tải phải chọn quãng đường hơn 1.800km. 

Để vận chuyển các khối bộ phận của C-130, đơn vị đã sử dụng 5 xe rơ-moóc siêu trường siêu trọng. Xe lớn nhất chở thân máy bay nặng 7 tấn, dài gần 30m. Hai xe khác chở 2 sải cánh và 4 động cơ. Cánh đuôi, càng, lốp và cấu kiện nằm trên 2 xe còn lại. Quá trình vận chuyển có hàng loạt xe tiền trạm, xe công vụ, xe chở cán bộ hậu cần, kỹ thuật cùng đi. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ dẫn đường của cảnh sát giao thông, kiểm soát quân sự của các địa phương khi đoàn xe đi qua.

Phiên bản đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là thế hệ C-130 đầu tiên, sử dụng động cơ phản lực cánh quạt Allison T56 ba lá. C-130 nặng hơn 34 tấn, sải cánh hơn 40m, chiều dài thân hơn 30m, cao gần 12m, 4 động cơ, có thể tải 19 tấn hàng hoặc 64 lính dù, trọng lượng cất cánh tối đa hơn 70 tấn.

Ngoài C-130, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam còn có nhiều hiện vật chiến tranh khác, tiêu biểu nhất trong hệ thống các hiện vật là 4 bảo vật quốc gia, trong đó có 2 máy bay MiG-21 số hiệu 4324 và 5121, xe tăng T54B số hiệu 843, bản đồ quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Các hiện vật đã được di chuyển về cơ sở mới. 

 

Tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 4324 được trưng bày ở bên trong bảo tàng, ngay sảnh trung tâm.

Theo hồ sơ hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tiêm kích 4324 đã lập công lớn góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bằng việc dùng không quân và hải quân để đánh phá miền Bắc lần thứ nhất giai đoạn 1965 - 1968.

Ngày 10/3/2015, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức lễ công bố Quyết định số 53 ngày 14/1/2015 của Thủ tướng, công nhận máy bay MiG-21 mang số hiệu 4324 là bảo vật quốc gia.

Được đặt gần chiếc MiG 21 – 4324 bên trong khu chuyên đề kháng chiến chống Mỹ là bảo vật quốc gia MiG-21 mang số hiệu 5121. Đây là chiếc MiG-21 do Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Tuân điều khiển bắn rơi máy bay ném bom B-52 của không quân Mỹ vào đêm 27/12/1972.

Chiếc MiG-21 mang số hiệu 5121 được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012. 

Điều khiển chiếc máy bay này ngoài Anh hùng Phạm Tuân còn có phi công Đinh Tôn và Vũ Đình Rạng.

Bảo vật quốc gia thứ 3 trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843. Xe tăng 843 được chuyển từ miền Nam ra Hà Nội trưng bày nhân kỷ niệm 35 thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (tháng 12/1979). Sau đó nó được giữ lại và chuyển giao cho bảo tàng.

Đến năm 2012, xe tăng 843 chính thức được công nhận bảo vật quốc gia.

Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh là tấm bản đồ miền Nam Việt Nam can 12 mảnh, phía trên có chữ viết: “Làm tại Chỉ huy sở, ngày 22/4/1975”. Trên bản đồ có chữ ký của đồng chí Phạm Hùng ký tên là Bảy và chữ ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng... Ngày 10/3, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Lễ công bố quyết định của Thủ tướng công nhận bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh là bảo vật quốc gia.

Nhóm Phóng Viên

Tin mới