Video: Quá trình vận chuyển máy bay C-130 từ TP.HCM ra Hà Nội.
Những ngày đầu tháng 3/2024, dự án Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang được thi công gấp rút với mục tiêu hoàn thành cơ bản giai đoạn 1, kịp đón khách tham quan vào giữa năm.
Hiện, máy bay, xe tăng và nhiều loại khí tài cỡ lớn thu thập từ các cuộc kháng chiến, gắn bó với nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng được trưng bày cả trong và khuôn viên bên ngoài của bảo tàng quân sự lớn nhất Việt Nam.
Là người tham gia tiếp nhận, vận chuyển hiện vật từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) và các kho lưu trữ để đưa về trụ sở mới, Thượng tá Phạm Vũ Sơn, Trưởng phòng Sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) bày tỏ vui mừng khi bảo tàng đã có không gian rộng rãi để bài trí thêm nhiều hiện vật lịch sử gắn với sự phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với công việc, Thượng tá Phạm Vũ Sơn cho biết, với niềm đam mê tìm hiểu lịch sử, sau khi tốt nghiệp đại học, ông về làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).
"Đến năm 2003, tôi chuyển công tác sang phòng Sưu tầm thuộc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho đến nay", Thượng tá Sơn nói và bày tỏ, hơn 20 năm gắn bó cùng bảo tàng, ông được tiếp xúc, tham gia sưu tầm hàng nghìn hiện vật lịch sử, mỗi hiện vật đều có những giá trị riêng.
Một trong những hiện vật lịch sử để lại cho Thượng tá Sơn nhiều ấn tượng nhất là máy bay vận tải C-130 (còn được gọi là "ngựa thồ"). Với ông Sơn, C-130 không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là một nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng đầy tự hào của ông và đồng đội, khi phải mất đến hơn một thập kỷ (từ khi nhận nhiệm vụ) mới đưa được chiếc "ngựa thồ" do Mỹ chế tạo này ra Hà Nội.
Việt Nam thu được 7 chiếc vận tải cơ C-130 sau năm 1975. (Ảnh: Tư liệu)
Theo ông Sơn, quân đội Mỹ bắt đầu triển khai máy bay vận tải quân sự Lockheed C-130 Hercules đến miền Nam Việt Nam từ năm 1962. Sau đó dòng máy bay này thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm vận chuyển hàng hóa, thả truyền đơn và vận chuyển vũ khí dọc theo Đường mòn Hồ Chí Minh.
"Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Việt Nam thu được 7 chiếc C-130 và đã bổ sung ngay vào lực lượng không quân, phục vụ cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam", ông Sơn thông tin.
Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho hay, do tác động của chiến tranh cũng như không có linh kiện sửa chữa, thay thế, đến giữa những năm 1980, không quân Việt Nam quyết định dừng sử dụng C-130, chuyển sang làm hiện vật trưng bày tham quan.
"Cách đây 13 năm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhận quyết định chuyển giao C-130 về làm hiện vật trưng bày. Tuy nhiên, diện tích trưng bày tại 28A đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, Hà Nội) không đảm bảo nên máy bay được gửi lại Nhà máy A41 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân (sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM)", Thượng tá Sơn nói.
Khi dự án xây dựng bảo tàng mới được thông qua, nhiệm vụ đưa "ngựa thồ" về Hà Nội được đặt ra với quyết tâm cao. Ông Sơn bộc bạch: "Mang được hiện vật C-130 về khuôn viên mới là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ bảo tàng. Sau 13 năm ấp ủ, tôi là thế hệ trẻ, được tiếp nối các chú, các anh đi trước thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao".
"Quy trình phức tạp, tốn nhiều thời gian, huy động đông đảo lực lượng để đưa máy bay C-130 từ TP.HCM về Hà Nội cũng để lại cho cá nhân tôi nhiều ấn tượng về hiện vật này", Trưởng phòng Sưu tầm nói.
Thượng tá Phạm Vũ Sơn cho biết, C-130 có khối lượng khoảng 34 tấn, sải cánh hơn 40m, chiều dài thân gần 30m, cao 12m. Cách duy nhất để vận chuyển C-130 từ TP.HCM ra Hà Nội là đi đường bộ với quãng đường hơn 1.700km.
Với kích thước "quá khổ", không có phương tiện vận tải nào có thể vận chuyển nguyên trạng máy bay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phải lên kế hoạch trùng tu, tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt một cách chi tiết nhất.
"Hơn 30 năm gửi tại bãi đỗ sân bay Tân Sơn Nhất, máy bay đã xuống cấp, trước khi đưa ra Hà Nội chúng tôi phải tiến hành sửa chữa, phục hồi. Công việc này được tiến hành từ năm 2019", ông Sơn nói.
Không chỉ công tác trùng tu tốn kém và mất nhiều thời gian mà việc tháo dỡ C-130 cũng vô cùng phức tạp. Theo Thượng tá Sơn, quy trình tháo máy bay gồm nhiều bước, được thực hiện bởi một ekip kỹ thuật gần 20 nhân sự thuộc Nhà máy A41 (Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân). Nhóm cán bộ, kỹ sư này phụ trách công đoạn tháo ra cũng như lắp vào khi đến Hà Nội.
Chia sẻ thêm về quá trình tháo dỡ "ngựa thồ", ông Sơn cho biết, trước tiên, cán bộ kỹ thuật mất nhiều ngày để khảo sát, đánh giá hiện trạng và chuẩn bị lực lượng, phương tiện. Sau khi thu thập đủ số liệu, nhóm kỹ sư tiến hành thiết kế riêng giá đỡ kỹ thuật, hệ thống chịu lực bằng thép cho từng bộ phận máy bay.
Theo ông Sơn, khâu chuẩn bị này rất quan trọng nhằm bảo đảm các bộ phận như cánh máy bay nặng vài tấn khi được tháo rời khỏi thân sẽ không bị xê dịch. Sau đó, cánh được tách khỏi thân máy bay nhờ bánh xe gắn dưới giá đỡ.
"Nếu không có giá đỡ đúng tiêu chuẩn, chỉ cần tháo 1 - 2 con vít sẽ khiến cánh bị xệ, hỏng các khớp nối. Một khi hư hỏng, rất khó lắp lại như ban đầu và cũng không có linh kiện để thay thế", Thượng tá Sơn thông tin.
Sau khi công đoạn tháo dỡ hoàn tất, việc xếp các bộ phận máy bay lên xe vận chuyển cũng được tính toán kỹ lưỡng để tiết kiệm diện tích, đảm bảo không bị va đập lúc qua những đoạn đường xấu.
Để vận chuyển các khối bộ phận của C-130, đơn vị đã sử dụng 5 xe rơ moóc siêu trường siêu trọng. Xe lớn nhất chở thân máy bay nặng 7 tấn, dài gần 30m. 2 xe khác chở 2 sải cánh và 4 động cơ. Cánh đuôi, càng, lốp và cấu kiện nằm trên 2 xe còn lại.
"Tối 11/10/2023, 5 xe đầu kéo cùng hàng loạt xe tiền trạm, xe công vụ, xe chở cán bộ hậu cần, kỹ thuật bắt đầu hành trình đưa hiện vật lịch sử từ TP.HCM ra Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhờ sự hỗ trợ dẫn đường của Cảnh sát giao thông, kiểm soát quân sự của các địa phương khi đoàn xe đi qua", ông Sơn nói.
Khoảng cách thực tế theo đường bộ là hơn 1.700km nhưng theo Thượng tá Sơn, không thể đi theo lộ trình có sẵn mà phải lựa tuyến khác nhau phụ thuộc điều kiện đường sá. Do xe quá khổ, nên phải chọn cung đường tránh trạm soát vé, tránh cầu không chịu được tải trọng và tính toán đường dẫn lên cầu đủ rộng để xe cua.
"Vậy nên trên thực tế tổng quãng đường mà đoàn di chuyển là khoảng 1.800km", Thượng tá Sơn cho hay.
Nói về những khó khăn của đoàn trên hành trình từ Nam ra Bắc, Trưởng phòng Sưu tầm cho biết, một trong những cung đường khó khăn nhất là đi qua khu vực Tây Nguyên với đồi núi hiểm trở, dốc quanh co, đường hẹp. Các lái xe luôn được yêu cầu giữ đúng tốc độ, theo tinh thần chậm mà chắc, yếu tố an toàn luôn đặt lên hàng đầu.
"Xe tiền trạm đi trước hàng chục cây số để chủ động các phương án. Có những khúc cua, cả đoàn phải xuống xe làm hoa tiêu cho tài xế", Thượng tá Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng, với việc vận chuyển hiện vật đặc thù thì khó có thể tính toán vận tốc trung bình của đoàn bởi có những ngày di chuyển được 100 - 200km nhưng có hôm thời tiết xấu, cung đường trắc trở thì chỉ được 30 - 40km.
Bên cạnh việc các thành viên trong đoàn tuyệt đối tuân thủ kế hoạch, lịch trình, theo đại diện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, công tác phối hợp với các địa phương, quân khu trên tuyến đường cũng cực kỳ quan trọng.
"Khi trời tối, xe phải được đưa về bãi đỗ riêng, bố trí lực lượng canh gác để đảm bảo an ninh cho phương tiện và hiện vật. Hay khi đi qua khu dân cư, đô thị phải có lực lượng công an, quân sự điều tiết giao thông", ông Sơn nói.
Tròn 10 ngày di chuyển, tối 20/10/2023, tất cả các bộ phận của “ngựa thồ” C-130 có mặt tại cơ sở mới của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để tiến hành lắp đặt.
"Từ khi bắt đầu tháo dỡ cho đến lúc máy bay được lắp đặt hoàn thiện tại bảo tàng ở Hà Nội là khoảng 2,5 tháng", Thượng tá Phạm Vũ Sơn nói thêm.
Chia sẻ thêm về kế hoạch vận chuyển, trưng bày hiện vật chiến tranh tại cơ sở mới, Thượng tá Lê Vũ Huy (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) cho biết, hiện nay bảo tàng đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật.
Tại bảo tàng cũ (28A đường Điện Biên Phủ) trưng bày khoảng 2.000 hiện vật; kho bảo quản cơ sở ở Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có hơn 100.000 hiện vật; những vũ khí, khí tài khối lượng lớn như máy bay, xe quân sự, radar, tên lửa… đang được gửi tại các nhà máy, kho, quân binh chủng trên cả nước.
"Tất cả các hiện vật này đang được di chuyển về cơ sở mới. Khi khánh thành giai đoạn 1, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ hơn 150.000 hiện vật về địa điểm mới để bảo quản, lưu giữ, trưng bày phục vụ khách tham quan. Có lẽ đây là kế hoạch vận chuyển hiện vật chiến tranh lớn nhất trong suốt 70 năm thành lập của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam", ông Huy nói.
Thượng tá Huy cho biết, cùng với các hạng mục xây dựng, đơn vị chức năng đang tổ chức thi công, trưng bày các hạng mục trong nhà cũng như ngoài trời với nỗ lực cao nhất để đón khách tham quan trong năm 2024.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nêu rõ mục tiêu sẽ khánh thành trước dịp 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân cũng như ngày truyền thống của Tổng Cục chính trị vào cuối năm 2024.
Với quy mô diện tích gần 39ha, bên cạnh phần trưng bày 6 chủ đề về tiến trình lịch sử được xem là "xương sống của bảo tàng" như tại cơ sở cũ, Thượng tá Huy cho biết, đơn vị sẽ trưng bày thêm 8 chuyên đề, 7 bộ sưu tập và 12 chuyên ngành quân sự ở khu vực trong nhà.
Còn khuôn viên ngoài trời, ông Huy thông tin, bảo tàng sẽ tổ chức phục dựng các công trình quân sự tiêu biểu như: Trận Bạch Đằng; địa đạo Củ Chi; đường Trường Sơn; làng chiến đấu ở phía Bắc; làng chiến đấu ở phía Nam; hệ thống hầm hào, công sự, ụ pháo chiến đấu.
Ngoài ra còn có khu vực trưng bày các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, các khu trải nghiệm, khu vui chơi trẻ em.
"Chúng tôi hướng đến xây dựng một thiết chế văn hoá đa năng, tổng hợp đặc biệt quan trọng, phản ánh toàn diện về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bảo tàng hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, thưởng ngoạn, giải trí ngày càng cao của công chúng trong nước và quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ", Giám đốc bảo tàng nhấn mạnh.
Với mục tiêu làm nổi bật nghệ thuật quân sự qua các thời kỳ lịch sử, nhưng theo Thượng tá Lê Vũ Huy, bảo tàng sẽ tập trung giới thiệu vào cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ - Hai cuộc kháng chiến trường kỳ gắn với rất nhiều thành tích, chiến công, nhân vật lịch sử cũng như khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc.