Chàng trai nổi đình nổi đám khắp dải đất miền Trung về sở thích sưu tầm cổ vật ấy là Trần Cảnh Hiền (35 tuổi, trú khối phố 2, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).
Nhắc đến cơ duyên đến với nghề "độc" này, anh Hiền kể: "Sau nhiều năm bôn ba ở đất Sài Gòn và làm ăn thất bát, năm 2008, tôi quyết định khăn gói về quê. Cả gia đình lúc ấy sống dựa cả vào quán cà phê vỉa hè được bày bán trước nhà với nguồn thu nhập hết sức bấp bênh. Hình ảnh những người phụ nữ hành nghề ve chai, chuyên thu mua các món đồ sót lại từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã thôi thúc tôi đi theo con đường sưu tầm cổ vật".
Từ đó, người ta hiếm thấy Trần Cảnh Hiền bưng bê phục vụ cà phê. Thay vào đó, Cảnh Hiền bắt đầu hành trình "săn lùng" (thu mua) cổ vật.
Đặc biệt, anh dồn cả tâm huyết sưu tầm các dụng cụ, vũ khí quân sự Pháp, Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Hiện tại, bộ sưu tập của anh Hiền đã lên đến hàng nghìn món đồ, trong đó nhiều nhất phải kể đến bộ sưu tập đèn măng-xông hay các loại bình bi-đông, quân trang.
Anh tìm kiếm và thu mua tất tật các món đồ thời chiến. Từ đạn, bom, mìn cho đến từng chiếc đèn dầu.
Trong "bảo tàng" kỷ vật thời chiến của Trần Cảnh Hiền có cả chục chiếc điện thoại như thế này.
Tất cả các món đồ thời chiến được ông chủ trẻ sắp xếp một cách ngăn nắp.
Từ các thùng đạn, thùng thuốc quân y cồng kềnh cho đến từng cái mũ, túi đựng lựu đạn... được bày biện khiến người xem mê mẩn.
Bộ quân phục hoàn chỉnh được Hiền trưng bày ngay giữa không gian tràn ngập kỷ vật thời chiến.
Và hàng chục bộ quân phục như thế được treo kín 4 bức tường.
Không chỉ sưu tầm hiện vật, Hiền còn thuộc làu từng vật dụng, vũ khí. Từ tên gọi cho đến chức năng và công dụng.
Không ít người tìm gặp anh Hiền ngỏ ý mua toàn bộ bộ sưu tập nhưng anh nhất quyết từ chối, bởi đã dành hàng chục năm với cả tâm huyết để "săn lùng". Với Hiền, chúng là những đồ vật vô giá, không có gì có thể đánh đổi được niềm đam mê.
"Vì gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền nên thi thoảng tôi phải ngậm ngùi bán đi một vài hiện vật. Tuy nhiên, về cơ bản, tôi vẫn giữ lại hầu như toàn bộ những thứ mà mình tâm đắc để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê", Trần Cảnh Hiền chia sẻ.
Để giờ đây, không gian lưu giữ kỷ vật thời chiến của chàng trai xứ Quảng đang trở thành địa chỉ lui tới thường xuyên của những người mê cổ vật, đặc biệt là kỷ vật thời chiến.
>>> Đọc thêm: Ảnh: Những 'kỷ vật thời gian' trong khu chợ đồ cũ bí ẩn nhất Sài Gòn