Đây là thông tin được công bố tại hội thảo “Tăng cường hợp tác công tư - thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế” do Báo Đầu tư vừa tổ chức.
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế và dược phẩm. Những công bố đầu tư gần đây của các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia như AstraZeneca, GSK, Sanofi… cho thấy tiềm năng lớn của thị trường.
Hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực dịch vụ có thể mở ra những đóng góp hơn nữa từ khu vực tư nhân. (Ảnh minh họa)
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, chi tiêu y tế tại Việt Nam dự kiến đạt 23 tỷ USD vào năm 2022, trong khi nghiên cứu của BMI Research cũng cho thấy ngành dược phẩm có thể đạt quy mô 16,1 tỷ USD vào năm 2026.
Phó Chủ tịch EuroCham Torben Minko nhận định, Việt Nam có tiềm năng phát triển hình thức PPP đầy hứa hẹn, với nguồn nhân lực năng động, tầng lớp thu nhập trung bình ngày càng tăng, và nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao cũng tăng lên.
Diễn đàn Y tế của EuroCham bao gồm ba Tiểu ban ngành nghề: Tiểu ban Dược phẩm (PG),Tiểu ban Thuốc chất lượng quốc tế - Generic và Sinh phẩm tương tự (IQMED) và Tiểu ban Trang thiết bị y tế và Chẩn đoán (MDD). Mối quan tâm chính của các thành viên EuroCham trong PPP bao gồm các mô hình đặt máy tại các cơ sở y tế công lập, giải quyết các mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng, củng cố hệ thống y tế và tăng cường khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các loại thuốc mới và chất lượng cao.
Khi chưa khung pháp lý rõ ràng, các thành viên PG vẫn tham gia vào các dự án hợp tác tư nhân với các trường đại học và bệnh viện nhằm nâng cao năng lực cũng như chất lượng tổng thể của hệ thống chăm sóc sức khỏe qua các chương trình giáo dục liên quan đến y tế, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển và thử nghiệm lâm sàng.
Tại hội thảo, đại diện Eurocham hoan nghênh Việt Nam trở thành điểm đầu tư có giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực dược phẩm trong số các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản khi kinh doanh tại Việt Nam, trong đó cần có một khung pháp lý phù hợp hơn để thúc đẩy PPP phát huy hết tiềm năng của hình thức đầu tư này.
Đối với các thành viên MDD, mô hình đặt máy tại các cơ sở y tế công lập được triển khai từ nhiều năm nhưng chưa được quy định về mặt pháp lý, mặc dù có văn bản thống nhất giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội cho mô hình này.
Trong lĩnh vực trang thiết bị y tế và chẩn đoán, Phó Chủ tịch EuroCham Torben Minko chia sẻ mong muốn có nghị định mới về mô hình đặt máy tại các cơ sở y tế công lập sẽ sớm được thông qua và ban hành trong năm nay.
Ngoài ra, các chính sách bền vững và thực hiện hiệu quả cần được đưa ra trên ba trụ cột chính là đăng ký thuốc, thanh toán tiền thuốc và mua sắm công. Các chính sách về mô hình đặt máy cần được phổ biến rộng rãi và tổ chức tập huấn cho các bên liên quan để giúp hiểu rõ hơn về chính sách, cũng như tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.