Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc đã đạt được sự phát triển vượt bậc về kinh tế. Bất chấp ba năm đầy thử thách bởi đại dịch Covid-19, nước này vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục nằm trong top GDP cao hàng đầu thế giới.
Thế nhưng, theo dữ liệu được công bố hôm 8/3, mức lương người lao động nữ ở Hàn Quốc được trả trong nửa đầu năm 2022 chỉ bằng 2/3 so với nam giới, Korea Herald đưa tin.
Các thống kê lấy từ dữ liệu của 21,5 triệu người lao động được trả lương, bao gồm 11,8 triệu nam giới và 9,7 triệu phụ nữ.
Theo đó, mức lương trung bình hàng tháng của người lao động nữ trong giai đoạn được trích dẫn là 2,2 triệu won (tương đương 1.600 USD), bằng 65% so với mức 3,39 triệu won của nam giới, theo dữ liệu được thu thập bởi viện nghiên cứu của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc.
Khoảng cách tồi tệ
Thực tế, tỷ lệ phụ nữ bị trả lương thấp hơn nhiều so với nam giới, với mức lương hàng tháng dưới 1,66 triệu won - bằng 2/3 mức lương trung bình của người Hàn Quốc - góp phần vào xu hướng này.
Gần 30% phụ nữ ở nước này có mức lương được phân loại là "thấp" trong nửa đầu năm 2022, con số này chỉ là 9,9% ở nam giới.
Dữ liệu đồng thời chỉ ra có 43% nhân viên nữ được thuê làm lao động tạm thời, cao hơn nhiều so với 30% ở nam giới. Ngoài ra, số năm làm việc bình quân của nữ là 4,81, thấp hơn của nam là 6,92 năm.
Những khác biệt này bắt nguồn từ vấn đề cơ cấu phân biệt giới tính trong quá trình tuyển dụng, theo Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc.
Liên đoàn lao động bảo trợ đã tổ chức một cuộc biểu tình vào khoảng 15h chiều 8/3 tại Daehangno, trung tâm Seoul, kêu gọi chính phủ giải quyết và thu hẹp khoảng cách giới tại nơi làm việc.
Gần 2/3 số người lao động nữ được tuyển dụng làm thư ký văn phòng, người chăm sóc, thu ngân, công nhân vệ sinh, đầu bếp, nhân viên xã hội, công nhân sản xuất, giáo viên trường học hoặc y tá...
Ngoại trừ thư ký văn phòng, y tá và giáo viên, những công việc đó có mức lương hàng tháng thấp hơn mức trung bình của người lao động được trả lương là 2,86 triệu won. Khoảng cách giới tính về tiền lương có xu hướng duy trì trong cùng một loại công việc.
Làm cùng một công việc, phụ nữ ở Hàn Quốc được trả mức lương thấp hơn đàn ông. (Ảnh: The Star)
Những phát hiện này cũng phù hợp với Chỉ số Khoảng cách Giới tính Toàn cầu 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Hàn Quốc xếp thứ 115/146 quốc gia được khảo sát về khoảng cách trong việc tham gia kinh tế và cơ hội giữa nam và nữ.
Khoảng cách tiền lương theo giới tính của Hàn Quốc là tồi tệ nhất trong số 38 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tính đến năm 2021.
Trong chỉ số của The Economist, Hàn Quốc xếp cuối cùng về vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ tại nơi làm việc, trong số 29 quốc gia được khảo sát.
Khoảng cách giới tính trong mức lương trung bình vẫn tồn tại bất chấp thực tế rằng theo nguyên tắc, các công ty Hàn Quốc phải tạo cơ hội việc làm bình đẳng cho cả hai giới, cũng như trả lương bình đẳng với công việc có giá trị như nhau.
Chính quyền Yoon Suk Yeol cam kết bắt buộc các công ty trong nước phải tiết lộ dữ liệu liên quan đến tuyển dụng, việc làm và nghỉ hưu theo giới tính.
Vào tháng 1, Bộ Việc làm và Lao động đã đưa ra kế hoạch để các tổ chức do nhà nước điều hành thực hiện việc tiết lộ dữ liệu dựa trên giới tính bắt đầu từ nửa cuối năm 2023.
Gánh nặng dai dẳng của phụ nữ
Không chỉ chênh lệch mức lương nhận được, phụ nữ sống ở Hàn Quốc - một quốc gia phát triển - còn chịu nhiều thiệt thòi về vai vế xã hội, gánh nhiều trách nhiệm do định kiến.
Nữ giới Hàn Quốc hiện đại vẫn vấp phải định kiến về việc lập gia đình, sinh con.
Phụ nữ Hàn Quốc hiện đại vẫn chịu nhiều định kiến về lập gia đình, sinh con. (Ảnh: CGTN)
Năm 2017, Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc nhận định phụ nữ được giáo dục tốt, có thu nhập cao đang quá kén chọn bạn đời, khuyên họ nên "hạ thấp tiêu chuẩn" để sớm kết hôn.
"Các chính sách khuyến khích sinh nở hiện hành cố gắng giải quyết vấn đề dân số bằng cách quy trách nhiệm cho phụ nữ, tạo áp lực buộc họ phải có con", Kim Sun-hye - Giáo sư ngành Thai sản tại ĐH Nữ Ewha - nói với NBC.
Hồi đầu năm 2021, chính quyền thành phố Seoul trở thành tâm điểm chỉ trích khi công bố bản hướng dẫn mang tính kỳ thị phụ nữ mang thai.
Thông tin công khai trên website Trung tâm Thông tin Mang thai và Sinh nở chứa nhiều nội dung phân biệt giới tính như khuyến khích thai phụ thay giấy toilet, chuẩn bị đồ ăn cho gia đình, siêng làm việc nhà, giữ gìn dáng vóc... kể cả khi mang bầu.
Park Jin-kyung, Giáo sư nghiên cứu Hàn Quốc và Quốc tế tại ĐH Hankuk, cho biết bản hướng dẫn thai sản trên có phần ảnh hưởng từ thời đại công nghiệp hóa. Theo đó, vai trò của người đàn ông được phân định là "bươn chải ngoài xã hội", còn phụ nữ chỉ cần "chăm lo việc nhà".