Gần hai tuần Hà Nội mở cửa trường, nhưng con trai đang học lớp 8 của chị Nguyễn Thị Phương Thảo (37 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) mới đến trường 2 buổi. Sau 2 buổi học đầu tiên, cô giáo chủ nhiệm thông báo 2 bạn F0, cả lớp nghỉ tại nhà theo dõi sức khoẻ và chuyển qua học trực tuyến đến khi có thông báo mới.
Tình trạng cứ xuất hiện học sinh F0 là cả lớp nghỉ ở nhà là thực tế đang diễn ra ở các trường. Điều này khiến nhiều phụ huynh, chuyên gia lo lắng điệp khúc cứ đi học một ngày rồi nghỉ nửa tháng thường xuyên xảy ra, và nếu vậy thì nên để trẻ ở nhà học online như trước.
1 em F0, cả lớp nghỉ học
"Con trai tôi nói chưa từng tiếp xúc với 2 bạn F0, chỉ học cùng lớp, giờ nghỉ giải lao các con cũng không chơi cùng nhau. Tôi và nhiều phụ huynh hỏi cô giáo việc không phải là F1 nhưng sao vẫn cho cả lớp nghỉ học trực tiếp thì nhận được câu trả "nhà trường quy định như vậy để đảm bảo an toàn", phụ huynh nói và cho rằng phản ứng của nhà trường khá tiêu cực và chưa đúng với quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.
Học sinh đi học trở lại. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Theo quy định của Bộ Y tế, người tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp dưới da, cơ thể...), giao tiếp trong 2 mét không đeo khẩu trang ở không gian hẹp, tối thiểu 15 phút với F0 mới được xác định là F1. Trong khi đó, các con ở lớp liên tục đeo khẩu trang, uống bình nước cá nhân và không đùa nghịch với F0 nhưng vẫn bị xác định là F1. "Điều này thật vô lý", chị nói.
Không tiếp xúc với F0 nhưng vẫn được xác định thành F1 vì học chung lớp là vô lý.
Phụ huynh Nguyễn Thị Phương Thảo
"Khi nhận được thông tin lớp của con có F0, gia đình tôi khá hoang mang và đưa con xét nghiệm PCR. Rất may kết quả 2 lần đều âm tính. Đến nay, lớp các con nghỉ được hơn 1 tuần, và dù tất cả đều xét nghiệm âm tính nhưng vẫn chưa có phương án đi học trở lại", chị Thảo nói.
Phụ huynh này và con rất sốt ruột khi vừa mới đi học được 2 buổi thì lại nghỉ 2 tuần ở nhà. Nếu việc này kéo dài sẽ không đảm bảo lượng kiến thức, giờ giấc sinh hoạt của gia đình liên tục bị đảo lộn khiến cả học sinh, phụ huynh đều thấy mệt mỏi.
Cũng trong hoàn cảnh trên, anh Trần Cao Phong (46 tuổi, TP Nam Định, Nam Định) chia sẻ từ sau Tết Nguyên đán, 2 con gái lớp 9 và lớp 12 trở lại trường học trực tiếp được 1 buổi thì nhận thông báo nghỉ do lớp có F0.
"Cả hai đều là học sinh cuối cấp đang giai đoạn nước rút ôn tập nên tôi rất lo lắng về tiến độ học và chất lượng ôn thi. Đây không phải lần đầu có hiện tượng này. Cô con gái lớp 12 từng 5 lần nghỉ ngắt quãng. Đi học trực tiếp được vài buổi, trường có F0 thì lại nghỉ", phụ huynh nói và cho rằng nếu không có phương án điều chỉnh, đi học rồi lại nghỉ liên tục mỗi khi phát hiện F0 thì tâm lý và sức khoẻ học sinh đều ảnh hưởng.
"Nếu cứ một em F0 thì cả lớp nghỉ thì việc quay trở lại trường không còn ý nghĩa. Sao không cho cách ly một em F0 và những em ngồi cạnh hoặc tiếp xúc gần ở nhà thôi. Cứ rập rình thế này thì trẻ học được gì đâu?", anh Phong nói.
Mỗi nơi một kiểu
Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, tính đến ngày 15/2, trường ghi nhận 37 lớp học có F0 (trong tổng số 76 lớp từ khối 7 đến 12) và chuyển sang học trực tuyến. “Theo quy định thì chỉ số học sinh F0 và F1 phải chuyển học trực tuyến. Tuy nhiên, phụ huynh làm đơn bày tỏ nguyện vọng cho cả lớp học trực tuyến. Do sĩ số các lớp của trường cũng chỉ khoảng 30 nên trên cơ sở nguyện vọng của phụ huynh, nhà trường cũng tạo điều kiện cho các gia đình”, bà Dương nói.
Học sinh đi học trở lại. (Ảnh minh hoạ: T.P)
Với yêu cầu chung của Sở GD&ĐT và TP Hà Nội, nhà trường vẫn mở cửa, lớp nào không có F0 vẫn học bình thường. “Có lớp sĩ số 25 thì đến hôm qua 15/2 đã có đến 13 F0”, bà Dương nói.
Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cũng cho hay, nếu xuất hiện F0 trong trường học, những nhóm lớp nào liên quan đến F0 thì mới chuyển sang học trực tuyến, các lớp khác vẫn học trực tiếp. "Hạn chế tối đa tình trạng nghỉ học tập thể cả lớp hoặc cả trường khi có vài F0".
Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, Hiệu trưởng trường THPT Quỳnh Côi (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), những lớp có học sinh F0 sẽ dừng học và chuyển sang học trực tuyến. “Chúng tôi cho các lớp xuất hiện F0 nghỉ 2-3 ngày để học sinh test COVID-19, kết quả âm tính sẽ đi học trở lại. Nếu nguy cơ lây lan mạnh có thể nghỉ 4-5 ngày”, ông Tú nói và cho rằng nếu để tất cả các em trong lớp đó đi học, nguy cơ lây chéo rất mạnh.
Với giáo viên F0 sẽ nghỉ dạy ở nhà theo quy định. Trường hợp giáo viên là F1, nếu xác định nguy cơ không cao thì không có quyết định cách ly của ngành y tế thì đi làm bình thường.
Trong khi đó, bà Văn Thuỳ Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) thông tin, trường có khoảng hơn 50 học sinh và cán bộ giáo viên là F0. Trong đó, một lớp 12 có 8 học sinh là F0 nên cả lớp nghỉ, học online tại nhà một tuần.
Còn lại các lớp khác vừa học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Học sinh F0 và F1 nghỉ tại nhà, các bạn khác trong lớp đi học bình thường. Bà cho biết, quan điểm của trường không đóng cửa toàn bộ mà khoanh vùng hẹp nhất có thể, chỉ học sinh nào tiếp xúc gần, ngồi cạnh, vui chơi với F0 nguy cơ lây nhiễm cao mới được coi là F1. Sau 7 ngày cách ly, F1 có thể quay trở lại trường nếu xét nghiệm đủ 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR.
Cứng nhắc, cực đoan
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, địa phương quá cứng nhắc và có phần tiêu cực khi vài học sinh là F0 đã vội cho cả lớp, cả trường nghỉ học.
Nếu liên tục đóng và mở cửa trường, tâm lý học sinh bị xáo trộn, việc học không được đảm bảo. Đây sẽ là cực hình với cả phụ huynh và học sinh.
TS Lê Viết Khuyến
"Điều này đi ngược với tinh thần mở cửa và trạng thái bình thường mới mà Chính phủ cùng người dân cả nước đang hướng tới", ông nói. "Học sinh từ 12 đến 17 tuổi cơ bản được tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, không có lý gì lại đóng cửa lớp/ trường học cực đoan như vậy".
Hiện Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về xác định F0 và F1, nếu địa phương, các trường không thống nhất thực hiện theo, mỗi nơi một kiểu sẽ ảnh hưởng lớn đến phụ huynh, học sinh. Nếu liên tục đóng và mở cửa trường học, tâm lý học sinh bị xáo trộn, việc học không được đảm bảo sự liên tục thì kết quả sẽ giảm sút. "Đây sẽ là cực hình với cả phụ huynh và học sinh", ông nhấn mạnh.
Tại hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 do Bộ Y tế phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức hôm 16/2, TS Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng nêu hiện tượng nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay khi phát hiện vài ca F0. Theo ông, đây là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lý.
Không nghỉ cả lớp/trường
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi đi học, cha mẹ, thầy cô cần hướng dẫn trẻ thực hiện tốt các biện pháp 5K để phòng bệnh. Chúng ta cần đưa ra quan điểm mới về phòng, chống dịch, hiện đã chuyển sang thích ứng linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, chấp nhận F0 trong cộng đồng. Khi cho học sinh đi học, nếu dịch xảy ra ở lớp nào thì phải đánh giá cụ thể, thế nào là F0, thế nào là F1 rồi học sinh tiếp tục học tập ra sao, không phải cứ học chung với F0 thì cả lớp sẽ là F1.
Học sinh nào là F0, triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng thì cho cách ly tại nhà, còn em nào nặng có thể đi bệnh viện.
Đo thân nhiệt cho học sinh. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Với các trường hợp là F1 thì thực hiện theo các quy định của bệnh viện và cách ly tại nhà theo quy định. Nếu dịch xảy ra ở lớp nào thì cần xác định nguy cơ lây nhiễm, tỷ lệ tiếp xúc của F0 với các bạn xung quanh. Từ đó đưa ra phương án cho 1 nhóm học sinh hay cả lớp đó nghỉ. "Không nhất thiết vì một vài ca mắc bệnh mà cho cả lớp, cả trường nghỉ học", ông nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý giáo viên cần thường xuyên nhắc nhở các em nên hạn chế tiếp xúc với lớp khác, giờ ra chơi không nên tập trung đông đúc.
Không phải cứ học chung với F0 thì cả lớp sẽ là F1.
PGS.TS Trần Đắc Phu
“Khi học sinh đi học, nghi ngờ trẻ có triệu chứng bệnh như ho, sốt, sổ mũi, đau họng, mất khứu giác, trường nên xét nghiệm nhanh và báo cho cơ quan y tế. Khi trẻ dương tính với nCoV thì không nên cho đi học, cần cách ly trẻ với những người chưa tiêm vaccine trong gia đình để tránh lây nhiễm chéo. Phụ huynh không nên lo sợ mà hãy tập trung chăm sóc, bảo vệ trẻ thật tốt”, ông Trần Đắc Phu khuyên.
Trong bối cảnh nới lỏng các hoạt động, việc lây nhiễm trong cộng đồng là không thể tránh khỏi, nhất là việc đi lại nhiều, tiếp xúc nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao, có thể lây theo yếu tố gia đình, lây theo khu vực. Do đó, trẻ đi học có thể bị nhiễm bệnh và ở nhà cũng có thể bị bệnh.
Chúng ta cần cân đối rủi ro và nhận thức rõ rằng việc cho trẻ đi học trở lại là cần thiết. Các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng khi cho con em mình đến trường. Chúng ta đã có kinh nghiệm xử lý các ổ dịch ở nhà, cộng đồng và nhà trường rồi. Ở đâu có ca mắc sẽ xử lý ở đó, không nên bắt cả lớp, cả trường nghỉ học.
Ông Phu cũng mong nhà trường tăng cường các biện pháp phòng bệnh, tuyệt đối tránh để lớp này tiếp xúc với lớp kia, như vậy, việc khoanh vùng tốt hơn nếu có ca mắc tại lớp đó.
Video: Học sinh Hà Nội trở lại trường
Liên quan việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi học sinh trở lại trường học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh lưu ý, việc ứng phó khi có F0 trong trường học cần thực hiện linh hoạt, ổn định về mặt tâm lý và không hoang mang. "Cần tập huấn cho các thầy cô tại trường về chuyên môn cũng như công tác truy vết, khoanh vùng khi có F0, F1. Việc xét nghiệm, xác định F1 không nên áp dụng cứng nhắc và xem xét đối tượng nào cần xét nghiệm mới thực hiện, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
4 bước xử lý khi phát hiện F0 trong trường
Bộ GD&ĐT ban hành sổ tay đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, trong đó, nêu rõ 4 bước xử lý khi phát hiện học sinh mắc COVID-19:
Bước 1, thông báo kết quả dương tính cho Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của sở GD&ĐT, cha mẹ học sinh, cách ly tạm thời F0 tại trường. Thông báo ngay cho trạm y tế địa phương để triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Bước 2, đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 97% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.
Bước 3, tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Các lớp khác hoạt động bình thường.
Bước 4, cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể, người tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 tự cách ly y tế tại nhà 7 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày thứ 1, 3, 7.
Những người tiêm chưa đủ liều vaccine thì cách ly y tế 10 ngày, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR 3 lần vào ngày thứ 1, 5, 10. Còn người chưa tiêm vaccine thì cách ly y tế 14 ngày, xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, 7, 13.
Riêng với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu phát hiện 1 ca dương tính thì cho toàn bộ các em là F1 cách ly tại nhà theo quy định.