“Đề xuất của chúng tôi là cấm vận dầu của Nga, tùy thuộc vào các loại sản phẩm dầu mỏ, trong vòng 9 tháng. Các thời hạn ngắn hơn sẽ gây ra tác động tiêu cực đến giá dầu toàn cầu, điều này mâu thuẫn với mục tiêu của chúng tôi”, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni nói.
EU đề xuất cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Ảnh minh họa: TASS
“Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu”, quan chức EU lưu ý và nhấn mạnh điều này cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga.
Trước đó, ngày 4/5, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi các nước thành viên của EU loại bỏ dần việc nhập dầu thô từ Nga trong vòng 6 tháng và chấm dứt nhập sản phẩm tinh luyện từ Nga vào cuối năm 2022.
“Chúng ta sẽ bảo đảm loại bỏ dần dầu mỏ Nga một cách có trật tự, theo một cách thức cho phép chúng ta và đối tác của chúng ta tìm được các tuyến cung cấp thay thế và giảm tối đa tác động lên thị trường toàn cầu”, bà Ursula von der Leyen nói.
Song, Chủ tịch EC thừa nhận rằng việc có được sự đồng thuận từ cả 27 nước thành viên EU về các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ Nga là điều không hề dễ dàng.
Slovakia và Hungary, hai quốc gia sử dụng nhiều dầu mỏ của Nga, cho biết, sẽ không ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với năng lượng của Nga.