Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Châu Âu kêu gọi 'đội quân bóng tối' giải cứu cánh đồng không người thu hoạch

(VTC News) -

Châu Âu cho rằng, họ không thiếu nguồn cung thực phẩm, nhưng kịch bản không mấy sáng sủa về Covid-19 sẽ tác động lâu dài tới vụ mùa và đời sống người nông dân.

"Đội quân bóng tối"

Khi những cánh đồng châu Âu thức giấc sau kỳ nghỉ đông, nhưng không tìm được người lao động tới thu hoạch, măng tây Đức bắt đầu thối rữa, dâu tây Pháp héo rũ trong các trang trại.

Các trang trại trên khắp Tây Âu phụ thuộc phần lớn vào nguồn lao động thời vụ từ Đông Âu. Nhưng quyết định áp lệnh phong tỏa của nhà nước vào thời điểm này khiến việc đi lại hết sức khó khăn.

Cánh đồng vào mùa thu hoạch ở Châu Âu nhưng không có người làm việc. (Ảnh: Reuters)

Tại Pháp, chính quyền nhà nước cũng ra sức hô hào người dân tại các thành phố xuống các vùng nông thôn để hỗ trợ thu hoạch nông sản.

"Cần phải có nhân lực để giải quyết công việc trên những cánh đồng”, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Didier Guillaume cho biết, đồng thời nhấn mạnh cần có tinh thần đoàn kết quốc gia để đảm bảo mọi người có đủ lương thực.

Ông Guillaume cho biết, các trang trại của Pháp đang thiếu tới 200.000 nhân công và kêu gọi nhân viên tại các nhà hàng, lễ tân trong khách sạn, lao động trong các tiệm làm tóc, những người đang không phải đi làm vào thời điểm dịch bệnh này đăng ký vào “đội quân bóng tối” hỗ trợ các trang trại.

Nhiều quốc gia khác cũng đang cố gắng huy động người dân nước mình đổ ra các cánh đồng thu hoạch, thậm chí kêu gọi cả những người chưa từng biết gì về việc đồng áng. 

Ở Đức, giới chức nước này kêu gọi học sinh, giáo viên đi giải cứu măng tây, loại nông sản vốn ngập tràn trên các sạp hàng vào nửa cuối tháng 4. 

Những cây măng tươi ở Đức chuẩn bị thu hoạch, nhưng không tìm được nguồn lao động vì dịch Covid-19. (Ảnh: AP)

Chính quyền Tây Ban Nha, Bỉ, Italy và Anh cũng đưa ra những lời kêu gọi tương tự.

Vào thời điểm này những năm trước, người lao động có thể di chuyển khắp nơi ở châu Âu và dừng lại ở các trang trại mà họ muốn làm việc. Nhưng từ khi có dịch, mọi chuyện hoàn toàn khác.

Hầu hết các quốc gia ở lục địa già yêu cầu công dân của họ ở nhà, thắt chặt kiểm soát biên giới và từ chối những người không có giấy phép cư trú. 

Lệnh phong tỏa kìm chân lao động thời vụ

Tại Bỉ, Stéphane Longlune, 52 tuổi, chủ trang trại trồng măng tây, cà chua, dâu tây đang đau đầu giải bài toán nhân công khi các lao động người Romania của ông bị cầm chân tại nhà.

Các nhà hoạch định chính sách nước này cũng tin rằng không chỉ vì lệnh phong tỏa, nhiều lao động địa phương cũng ngại di chuyển vì nỗi lo dịch bệnh.

Một công nhân thời vụ làm việc trên một cánh đồng măng tây ở Henning Hoffheinz, Đức. (Ảnh: AP)

Tại Đức, các nhà chức trách đã cấm cửa người lao động thời vụ vào thời điểm Covid-19, vì lo ngại các mầm bệnh “ngoại nhập” tiềm tàng.

Tác động của quyết định đó được cảm nhận rõ nét ở trang trại của ông Udo Hertlein tại Bavaria, nơi những thân măng tây trắng đang bắt đầu rạch đất vươn lên.

Người Đức từ lâu tự hào về giống măng trắng thơm ngon của mình, ông Hertlein cũng vậy. Nhưng giờ đây, khi nguồn lao động mùa vụ từ Romania không thể trở lại các cánh đồng, mọi chuyện đối với ông Hertlein và nhiều nông dân khác đang trở nên hết sức khó khăn.

Ủy ban Châu Âu mới đây ra lời kêu gọi các quốc gia thành viên nên xem lao động thời vụ là lực lượng quan trọng, nhưng EU không có quyền áp đặt lên chính sách của các quốc gia này.

Chính phủ ra sức hỗ trợ nông dân

Ông Hertlein sau đó đã phải cầu cứu các hiệp hội nông nghiệp, các cơ quan kết nối người sử dụng lao động, với hội người xin tị nạn hoặc các lao động địa phương thất nghiệp và liên tục đăng quảng cáo trên trang web của Chính phủ Đức.

Trang web bắt đầu hoạt động từ cuối tuần trước, trong đó có các danh sách các nông trang đang cần nhân lực và những người đang cần tìm việc.

Liên minh châu Âu có thể mất khả năng tự cung cấp lương thực trong năm nay. (Ảnh: Reuters)

Trong số này có Wolfgang Grabis, 58 tuổi tới từ Berlin. Công việc của Grabis trước đây là nhận vận chuyển đồ cho các phòng trưng bày của thành phố. Hiện các phòng trưng bày này đã đóng cửa, nên Grabis thất nghiệp.

Grabis nói rằng mình là một người linh hoạt nên có thể chuyển sang bất cứ công việc gì để kiếm ra tiền vào thời điểm hiện tại.

Ông Hertlein đang rất cần những người như Grabis kể cả khi anh không có kinh nghiệm đồng áng.

“Nếu họ có thể tới làm việc trong 1 hoặc 2 tháng, chúng tôi chắc chắn sẽ thuê họ”, ông này cho hay.

Hertlein cũng cho biết, nông trại của ông có thể tạm thời hoãn thời điểm thu hoạch măng tây, nhưng không thể trì hoãn mãi được. Mùa thu hoạch thường kết thúc vào tháng 6.

Ở Pháp, nhiều đơn vị được chính phủ hỗ trợ đăng tuyển trực tuyến thợ lái máy kéo, người làm phô mai, người trồng nho, với lưu ý đính kèm là “việc đang cần gấp”.

Mọi thứ đang rất lộn xộn”, Olivier Dumont, chủ trang trại rau diếp, đào, dâu tây ở miền nam Pháp cho biết.

“Với những người không lo xong thủ tục giấy tờ trước lệnh phong tỏa, họ đang mắc kẹt ở đất nước của mình”, Dumont nói và tiết lộ đã mất 1/4 nhân công trong mùa dịch.

Video: Bản tin cập nhật Covid-19 ngày 1/4

Italy, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 ở châu Âu cũng đang phải đối mặt với các thách thức tới từ ngành nông nghiệp.

Coldiretti - Hiệp hội nông nghiệp lớn nhất quốc gia này mới đây ban hành cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng thiếu nguồn nhân lực trồng cây. Khoảng 370.000 công nhân Italy mỗi năm hỗ trợ nông nghiệp, chiếm 1/4 nhân lực của ngành, nhưng nay đang bị cách ly.

Giới chức Italy đã phải can thiệp để cho phép lao động thời vụ ở lại đất nước của họ lâu hơn, cũng như nới lỏng các quy định khác để giúp đỡ người nông dân sản xuất trên các cánh đồng.

“Rủi ro là Liên minh châu Âu sẽ mất khả năng tự cung cấp lương thực trong năm nay và mất đi vai trò là nhà xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới”, Coldiretti cảnh báo.

Các chuyên gia thực phẩm và giới hoạch định chính sách tin rằng, trong năm nay người dân châu Âu vẫn có đủ thực phẩm, nhưng quyết định đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại đang giáng một đòn nặng nề vào hệ thống cung ứng mỏng manh tại khu vực.

“Khi các quốc gia chống dịch Covid-19, họ phải nỗ lực giữ đà di chuyển của các bánh răng trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Việc hạn chế giao dịch không chỉ không cần thiết và còn gây tổn hại cho các nhà sản xuất, người tiêu dùng và tạo ra sự hoảng loạn trên thị trường”, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) Qu Dongyu cho biết.

Song Hy

Tin mới