Chàng trai 30 tuổi này là Lê Thanh Phong, thành viên ban điều phối Đội phản ứng nhanh Vivu. Đội của anh có nhiệm vụ cấp oxy, cấp thuốc và liên hệ bác sỹ cho những bệnh nhân trở nặng. Bất kể nắng hay mưa, tinh mơ hay tối muộn, anh cùng các thành viên trong đội không ngừng nghỉ, len lỏi tới mọi ngõ ngách để giành lại sự sống cho các F0.
Cả gia đình bước qua cửa tử
Chúng tôi gặp Phong lúc anh đang tất bật điều xe cấp cứu cho một ca F0 trở nặng. Trong ánh chiều chập choạng, mưa giăng lối, anh tỉ mẩn kiểm tra từng bình oxy trước khi xe lăn bánh.
Giữa màn mưa, lớp kính bảo hộ của Phong đục ngàu hơi sương. Còn vạt áo ướt thẫm kia có lẽ là bởi mưa, và bởi cả những giọt mồ hôi. Xe vừa khuất bóng, điện thoại Phong lại đổ chuông.
Qua lớp kính mờ hơi, chúng tôi thấy được ánh mắt đặc biệt của anh. Không phải là gấp gáp, cũng chẳng phải là lo lắng như hầu hết các cuộc gọi khác. Ánh nhìn lần này của Phong là ánh nhìn của sự bằng lòng, vui sướng. Một bệnh nhân F0 vừa báo tin khỏi bệnh sau nhiều ngày chiến đấu với thần chết.
Phải thú thật rằng, gặp Phong thật khó. Sau gần hai tuần, với hàng chục cuộc gọi và tin nhắn được gửi đi, hôm nay chúng tôi mới có thể gặp anh.
Giờ đây, khi dõi theo anh, chúng tôi mới chợt hiểu rằng, chẳng phải vì Phong cao ngạo hay khắt khe, mà chỉ vì một lý do duy nhất: thời gian không cho phép. Mỗi ngày, nhận hàng trăm cuộc gọi cấp cứu, anh quay cuồng trong vòng xoay điều phối: Cấp oxy - điều bác sĩ - tìm thuốc men. Thực tế này khác hẳn với hình ảnh đã được chúng tôi định sẵn trước đó về một F0 vừa lành bệnh.
Ngày này tháng trước, chính anh và 5 người thân trong gia đình đều là những F0 có tiên lượng xấu. Nằm trên giường bệnh, Phong mặc cả với sự an bài của ông trời. Còn nỗi đau nào hơn khi phải bất lực nhìn vợ con, cha mẹ nằm cạnh với những đôi mắt nhắm nghiền, sức khoẻ yếu dần đi.
Anh cảm giác được, cái thứ thuốc hạ sốt, giảm đau kia cũng chỉ có tác dụng làm cho mình và mọi người mê mệt đi chốc lát. Dịch bệnh, tai họa thế đấy. Nó gõ cửa gia đình anh ngay lúc anh không ngờ nhất. Trong giây phút nào đó, khi ở giữa ranh giới giữa sự sống - cái chết, niềm ao ước được sống bỗng trở nên mãnh liệt.
Là trụ cột gia đình, Phong không cho phép mình thua cuộc. Bằng chút sức lực còn lại, anh cố gắng tìm hiểu phương pháp tự điều trị và liên hệ những đội nhóm thiện nguyện. Thế nhưng, trong 6 người nhiễm bệnh, chỉ mình anh khá lên.
Sài Gòn đêm ấy cũng mưa. Đêm ấy, anh thấy được sợi dây sự sống của mẹ vợ trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Phong đứng đó, bất lực, không thể làm gì.
Vài ngày trước đó, chính anh cũng không khá hơn mẹ đêm ấy là mấy. Vậy nên hơn ai hết, anh hiểu được cái cảm giác đáng sợ khi sắp phải chạm chân đến cửa tử. Người nằm đó, tiềm thức kêu gào, chỉ ước có một bàn tay chìa ra - nắm lấy. Ấy vậy, thực tế nước mắt vẫn rơi, tay chân không thể nào cựa quậy.
Và rồi, giữa màn mưa mù mịt, những bóng người áo xanh dần hiện. Đến trước nhà anh, mang theo phép màu. Phong, tiếp đến là vợ, rồi con, và cuối cùng là ba mẹ. Cả già đình anh đều may mắn bước qua cửa tử.
Đây cũng là lý do giờ này anh ở đây, đi tìm sự sống cho hàng nghìn người khác để đáp trả sự ưu ái mà cuộc đời đã dành cho mình.
Phong nói với chúng tôi đó là định mệnh. Định mệnh khiến cả gia đình anh là F0, để rồi được cứu chữa như một phép màu. Và giờ đây, chính anh nên duyên với Vivu. Tất cả, bằng cách nào đó đã xảy đến một cách vừa vặn nhất, hợp lý nhất.
Những thành viên của Vivu, lẽ ra họ chỉ là những người hỗ trợ phía sau cho các bếp ăn 0 đồng. Hồi tháng 6, tháng 7, mỗi ngày họ cung cấp hàng chục tấn gạo, rau củ, thịt, trứng cho các bếp ăn. Từ các bếp ăn 0 đồng này, lực lượng tuyến đầu chống dịch và người nghèo có được những bữa ăn ấm lòng hơn.
Dần dà, khi tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, số người nhiễm bệnh tăng cao đến quá tải, họ họp nhau, quyết định không còn ở phía sau nữa mà xông pha vào tuyến đầu. Bằng các mối quan hệ của bản thân, họ tìm thêm nhiều bác sĩ cùng hỗ trợ online các ca bệnh. Đồng thời, tập hợp thêm bạn bè cùng chung lối nghĩ - muốn cứu người, để tìm nguồn oxy, thuốc men.
Từ đó, những bình oxy, những túi thuốc được mang đến tận nơi cho các F0, bất kể ngày hay đêm, nắng gió hay mưa bão. Ngày gia đình Phong được cứu chữa cũng là những ngày đầu mà Vivu hoạt động chính thức với mục đích trực tiếp cứu người.
Còn một điều đáng sợ hơn cái chết...
Kéo những trang ghi chép của Vivu, chúng tôi phải dụi mắt vài lần bởi những co số mà bản thân chưa từng nghĩ tới. Chưa đầy 20 thành viên, thế nhưng đến nay nhóm đã hỗ trợ gần 500 trường hợp F0 nguy kịch. Tất cả đều được nhóm hỗ trợ chữa trị miễn phí.
Đó là những cuộc gọi lúc 3h sáng, khi mọi người đang lim dim ngủ. Những tin nhắn cấp cứu lúc 12 giờ trưa, khi cả đội đang vội chia nhau ổ bánh mì... Bất cứ lúc nào có người cần, họ đều lập tức lên đường.
Phong chìa tay, đưa ổ bánh mì bẹp dúm mời chúng tôi ăn tối cùng. Ổ bánh mì bẹp dúm ấy lại là phần ăn tốt nhất mà anh lựa từ thùng thức ăn từ thiện vừa được chuyển tới.
Tranh thủ thời gian ăn tối, Phong khoe chúng tôi danh sách tin nhắn Zalo của anh. Một lần nữa Phong làm chúng tôi bất ngờ. Phải có đến hàng nghìn cuộc trò chuyện, tất cả đều được đặt tên bằng mở đầu "Vivu A, B, C...".
“Phân màu thế này cho các bác sĩ dễ nắm, còn biết ca nào nên ưu tiên trước”, nói rồi, Phong giúp chúng tôi phân biệt các màu: xám - F0 đã mất, đỏ - F0 nặng, cam - F0 vừa qua nguy kịch, xanh dương - F0 nhập viện, xanh lá - F0 nhẹ, và hồng - F0 đã phục hồi.
Chúng tôi ngỏ lời được nhấp vào một cuộc trò chuyện bất kỳ và Phong đồng ý. “Vivu - Kim Oanh - Bình Thạnh”, cuộc trò chuyện màu hồng, có 3 thành viên. 1 là bệnh nhân, 2 là bác sĩ và 3 là anh.
Cuộn ngược những dòng tin nhắn đầu tiên, là ngày 25/8, bệnh nhân cầu cứu vì sức khoẻ đang yếu đi. Từng ngày, từng ngày, chúng tôi thấy được hành trình chiến đấu của bệnh nhân cùng Phong và bác sĩ.
“Em thở không được”, “SpO2 của em còn 86”, “liệu em có chết không”… những tin nhắn lo lắng của Kim Oanh dồn dập gửi tới. Kim Oanh, cô bé 19 tuổi này mồ cô cả cha lẫn mẹ. Từ Quảng Bình, em tha hương vào Sài Gòn làm phục vụ quán cơm với mong muốn thay đổi cuộc sống. Thế nhưng, bệnh tật lại không bỏ qua em.
Tiếp sau những tin nhắn hoảng loạn của Kim Oanh là cách trấn an cực kỳ bình tĩnh của Phong và bác sĩ: “Sẽ ổn thôi”, “ráng hít thở đều”, “tụi anh đang tới”…
Chúng tôi để ý thời gian của đoạn hội thoại, là 2 giờ sáng. Nghĩa là, giờ đó, cả đội vẫn trực để theo dõi sức khoẻ bệnh nhân.
Thật may mắn, những dòng tin nhắn cuối cùng là lời cảm ơn từ Kim Oanh. Em đã khoẻ, và em hứa sẽ sống thật tốt với cuộc đời để thay lời cảm ơn cho những người xa lạ đã cứu sống em.
Để đưa chúng tôi ra khỏi mớ suy nghĩ hỗn độn của mình, Phong lướt màn hình qua thư viện ảnh. Anh nói, thư viện ảnh sẽ giúp chúng tôi dễ chịu hơn và hiểu vì sao các anh “mê” công việc không lương này đến vậy.
Cạnh những tấm hình anh cùng đồng đội cõng bình oxy chạy trong đêm tối, là hình ảnh các bệnh nhân tươi cười khi khỏi bệnh, chỉ số SpO2 tốt lên (trên 96). Lúc này, chúng tôi mới nhận ra, chắc có lẽ các anh đang trao yêu thương để đổi lấy nụ cười.
“May là tụi tui cũng to con, chứ ốm ốm chút là vác không nổi mấy bình oxy kia đâu. Chưa kể mấy ca nguy kịch, tụi tui lao vô bế lên xe cấp cứu. Mà hay nha, mấy lúc vậy không thấy nặng gì hết trơn, chắc là gấp quá nên quên mệt”, chỉ vào tấm hình một đồng đội đang vác bình oxy, Phong nói.
Ấy vậy, trong hàng trăm nhóm chat màu hồng là động lực cho các thành viên Vivu tiếp tục hành trình cứu người, vẫn phải kể đến những trường hợp khiến cả đội chẳng buồn ăn, không thiết uống nhiều ngày liền. Đó là những trường hợp không qua khỏi dù cả đội đã cố gắng hết sức.
Một trường hợp cách đây vài ngày…
Ngay khi nhận được cuộc gọi cầu cứu, đội trực chiến tức tốc mang oxy lên đường. Thời gian từ lúc nhận cuộc gọi đến khi có mặt tại gia đình bệnh nhân chỉ vỏn vẹn 9 phút, thế nhưng cả đội phải ngậm ngùi ra về. Người nhà báo tin quá trễ, bệnh nhân không qua khỏi.
Nhắc đến những trường hợp này, Phong bỗng lặng đi. Bởi mỗi lần nghĩ đến, anh lại tự vấn, phải chăng mình đã thiếu sót chỗ nào. Hình ảnh những bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng ngay trước mắt sẽ là những ký ức mà anh và các thành viên mang theo cả cuộc đời.
Ngay từ ban đầu, khi quyết định tham gia đội phản ứng nhanh, anh và tất cả thành viên trong đội đều tự chuẩn bị cho mình một tâm lý sẵn sàng để xử lý tình huống xấu nhất. Có thể là nhiễm bệnh, và có thể là ra đi mãi mãi. Bởi mỗi ngày, các anh đều tiếp xúc trực tiếp với các ca nhiễm. Cho nên, dù có bảo hộ kỹ càng đến mấy, chỉ số lây nhiễm đối với các anh luôn ở mức cao nhất.
Lên xe, chuẩn bị rời đi hỗ trợ một ca cấp cứu mới, Phong nói vội với chúng tôi, sau những điều đã trải qua, có một điều mà anh sợ hơn cái chết, đó là sợ sống một cuộc đời vô nghĩa.
"Chết, ai cũng sợ. Nhưng sống một cuộc đời vô nghĩa thì còn sợ hơn…", câu nói này của Phong làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Thật khó để phân bua, để cắt nghĩa từng chữ. Có lẽ, mỗi người sẽ có một cách hiểu hợp lý của riêng mình.