Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chàng trai Hải Phòng giành học bổng tiến sĩ gần 8 tỷ đồng

Tốt nghiệp xuất sắc hệ kỹ sư tài năng Viện Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, Hoàng Văn Trung giành học bổng toàn phần tiến sĩ gần 8 tỷ đồng từ đại học Mỹ.

Trung quyết định học tiến sĩ tại Pennsylvania State University với hướng nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý hình ảnh.

Hoàng Văn Trung - Cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Đam mê nghiên cứu

Hoàng Văn Trung sinh năm 1997, lớn lên ở thành phố Hải Phòng. Yêu thích học toán từ nhỏ nhưng vì thiếu sự định hướng, Trung đã để vụt mất cơ hội vào lớp chuyên Toán của Trường THPT chuyên Trần Phú.

Được cô chủ nhiệm và bố mẹ động viên lấy lại tinh thần chuyên tâm học hành, trong kỳ tuyển sinh năm 2015, Trung nằm trong top 10 thí sinh điểm cao nhất của thành phố Hải Phòng và đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cậu tiếp tục vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực gồm 2 môn Toán – Lý, trở thành thủ khoa đầu vào khoá 60 hệ kỹ sư tài năng Viện Điện tử Viễn thông.

“Mình may mắn được bố mẹ ủng hộ, tự quyết định việc học tập, nghiên cứu. Bố mẹ luôn nhắc nhở phải có trách nhiệm với sự lựa chọn của bản thân. Ấp ủ giấc mơ du học từ năm nhất nhưng mình chưa thực hiện được vì khả năng ngoại ngữ còn yếu. Cũng từ đó mình sớm lên kế hoạch chuẩn bị lâu dài cho việc chuẩn bị hồ sơ xin học bổng tiến sĩ tại nước ngoài”, Trung chia sẻ.

Những năm đầu, nam sinh tập trung học ngoại ngữ, duy trì điểm tổng kết xuất sắc cho các môn học. Bước sang năm 3, Trung bắt đầu xin thầy cô tham gia nhóm nghiên cứu về viễn thông tại một phòng thí nghiệm của trường.

Tại đây cậu nghiên cứu đề tài “Thuật toán tối ưu để truyền phát video qua giao thức HTTP”. Dự án của nhóm đã đạt giải nhì cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường và kết quả được đăng tải trên tài liệu của một hội nghị quốc tế được tổ chức tại Malaysia.

“Quá trình tham gia nghiên cứu mình phát triển được nhiều kỹ năng hơn như: đọc hiểu và tìm tài liệu khoa học bằng tiếng Anh, tự tin thuyết trình, thực hành cùng thầy cô,… Đặc biệt, chuyến thực tập hè năm 4 tại Đài Loan trong 3 tháng mang lại cho mình trải nghiệm đặc biệt về môi trường nghiên cứu khoa học quốc tế. Mình tìm hiểu thêm một mảng mới về nghiên cứu thị giác máy tính”, Trung nói.

Sau khi tốt nghiệp Trung được nhận vị trí trợ lý nghiên cứu của một giáo sư tại Singapore. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cậu không làm được giấy tờ nên chỉ có thể tham gia trực tuyến. Thực tập, nghiên cứu từ sớm giúp Trung nhận ra thế mạnh của bản thân và lĩnh vực yêu thích nhất.

Hái quả ngọt sau hành trình dài 

“Để theo đuổi chặng đường học tiến sĩ, cần có những mục tiêu cụ thể và dài hạn. Xuất phát là dân tự nhiên nên việc học tiếng Anh khá gian nan nhưng kiên trì thực hiện sẽ có kết quả, mình từng dành ra 6 tháng để tập trung ôn thi IELTS và GRE. Với bài luận, thay vì hướng tới chủ đề độc đáo thì tập trung viết về đam mê nghiên cứu, những trải nghiệm, bài học và phẩm chất cho thấy mình phù hợp với ngành”, Trung cho biết.

Ngoài ra, Trung còn xin thư giới thiệu từ giảng viên tại trường học, thầy hướng dẫn trong chuyến nghiên cứu Đài Loan và một giáo viên chương trình hỗ trợ du học VEF 2.0. Theo Trung đó là những người thật sự hiểu đam mê và năng lực nghiên cứu của cậu trong suốt thời gian làm việc cùng. Bên cạnh đó, Trung cũng nhận được sự giúp đỡ từ các anh chị đi trước qua những góp ý, chỉnh sửa bài luận. Dù nhiều lúc cậu thấy khó, mệt mỏi khi làm hồ sơ nhưng mọi người luôn động viên nhiệt tình nên chàng trai càng quyết tâm chinh phục.

Hoàng Văn Trung (ngoài cùng bên phải) cùng thầy cô và bạn bè ở Viện Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Vào tháng 12/2020, Trung hoàn thiện hồ sơ và gửi tới các trường 8 trường ở Mỹ và 1 trường ở Úc có dự án nghiên cứu mà cậu quan tâm. Học bổng đầu tiên nam sinh nhận được đến từ một trường của Úc nhưng cậu đã từ chối và tiếp tục chờ đợi cơ hội sang Mỹ.

Theo Trung, ở Mỹ chương trình đào tạo và môi trường học tập đa dạng thuận lợi hơn cho nghiên cứu sinh, nhất là khi chưa có bằng thạc sĩ như mình. Các bạn theo đuổi ngành công nghệ đều mong có cơ hội làm việc, nghiên cứu tại thung lũng Silicon tại Mỹ.

Cuối cùng, Trung “hái quả ngọt” khi nhận được học bổng toàn phần tiến sĩ từ 3 trường đại học nước Mỹ. Mặc dù trường Oregon State University tài trợ với mức học bổng lớn hơn, nhưng vì yêu thích và hứng thú với nhóm nghiên cứu của một giáo sư nổi tiếng ở trường Pennsylvania State University, Trung quyết định theo đuổi chặng đường PhD tại ngôi trường này với học bổng 68.000 USD/năm (khoảng 340.000 USD/5 năm học, có thể tăng theo mức học phí của trường). Tại đây, Trung sẽ nghiên cứu ứng dụng AI trong xử lý hình ảnh.

Theo Trung, lý do chọn hướng nghiên cứu này xuất phát từ thực tế, những bài toán về xử lý hình ảnh nếu giải quyết được sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con người và xã hội. Ví dụ như ứng dụng trong lĩnh vực y tế giúp các bác sĩ dễ dàng chuẩn đoán bệnh khi khắc phục tình trạng độ phân giải kém của hình ảnh. Đây cũng là lĩnh vực mới có nhiều vấn đề để cậu đi sâu nghiên cứu.

“Một câu nói luôn tạo động lực cho mình 'Keep your eyes on the stars and your feet on the ground/Giữ đôi mắt của bạn hướng lên bầu trời và đôi chân trên mặt đất'. Khi còn trẻ chúng ta luôn có nguồn năng lượng ngập tràn nên đừng ngại theo đuổi đam mê, hoài bão. Nhiều bạn đón nhận chặng đường học PhD như một hành trình khám phá mới, cảm thấy thích thú với điều đó”, Trung cho biết thêm.

Dự định trong tương lai, chàng trai Hải Phòng sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc tại những công ty công nghệ hàng đầu thế giới để ứng dụng kinh nghiệm nghiên cứu vào thực tế.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới