Ngày 15/1, Zhao Wei, chàng trai 19 tuổi đến từ tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, bất ngờ qua đời tại nhà, ngay sau khi đi làm về.
Ngày hôm sau, cha cậu, Zhao Zhijie, tìm thấy các biên lai cho thấy con mình đã hiến máu tới 16 lần trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 12 năm ngoái. Có một tháng, Zhao Wei hiến máu tới ba lần, khoảng thời gian ngắn nhất giữa hai lần hiến là 12 ngày.
Chàng trai nhận được phí bồi dưỡng 260 nhân dân tệ (hơn 900.000 đồng) cho mỗi lần hiến huyết tương. Đây là một quy trình tự động nhằm tách lấy huyết tương ra khỏi các thành phần khác của máu, sau đó trả lại hồng cầu và tiểu cầu trở về cơ thể.
Việc này vốn không gây hại gì đáng kể. Vấn đề nằm ở chỗ Zhao Wei thực hiện liên tục các đợt hiến huyết tương.
Một chàng trai trẻ ở Trung Quốc bị dụ dỗ hiến huyết tương liên tục, dẫn đến cái chết đau lòng. (Ảnh: SCMP/Shutterstock)
Báo cáo y tế ngày 5/1 cho thấy, Zhao Wei mắc chứng tim đập nhanh, thiếu máu trầm trọng và rối loạn chức năng tạo máu. Vào ngày Zhao qua đời, cậu có nói với bạn trên WeChat rằng mình không khỏe: "Tớ cảm thấy quá yếu để có thể làm bất cứ điều gì”.
Một người bạn nói với Zhao: "Cơ thể cậu đã đạt đến giới hạn. Hãy ngừng cho máu. Trước tiên, cậu cần phải ăn uống đầy đủ và hồi phục hoàn toàn trước khi nghĩ đến những việc khác”.
Hiến máu là hành động tự nguyện và đầy tính nhân đạo. Tuy nhiên trên thực tế, việc hiến máu nhiều khi được thực hiện như một hoạt động thương mại. Điều này thường xảy ra tại các trung tâm do công ty tư nhân điều hành và chỉ thu thập huyết tương.
Quy định do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ban hành năm 2021 nêu rõ, khoảng thời gian giữa các lần hiến huyết tương không được ít hơn 14 ngày và tổng số lần hiến không vượt quá 24 lần/năm. Như vậy, việc tiếp nhận hiến huyết tương từ Zhao Wei rõ ràng đã vi phạm.
Việc hiến huyết tương được một số cơ sở ở Trung Quốc thực hiện với tính chất thương mại. (Ảnh: Shutterstock)
Nội dung các trao đổi của Zhao trên WeChat cho thấy, mỗi lần hiến huyết tương, người trung gian sẽ sắp xếp phương tiện tới đón cậu và trả tiền bồi dưỡng từ 260 đến 300 nhân dân tệ. Bản thân Zhao Wei từng nêu thắc mắc về việc hiến huyết tương của mình, từng hỏi hiến 3 lần trong một tháng liệu có được hay không. Người môi giới trả lời là được.
Sau cái chết của Zhao, cha cậu yêu cầu công ty thu nhận huyết tương của con trai phải chịu trách nhiệm. Ông nói với Tân Hoa Xã: "Họ dụ dỗ những thanh niên như con tôi bán máu thường xuyên trong thời gian dài. Điều này khiến thằng bé bị rối loạn chức năng tái tạo máu và cuối cùng nó đã thiệt mạng. Họ phải chịu trách nhiệm”.
Nhấn mạnh việc con trai đã chết và không điều gì có thể mang cậu trở lại, người cha kiên quyết đi tìm công lý cho đứa con đoản mệnh. Ông khẳng định sẽ theo đuổi vụ việc tới cùng.
Theo quy định của Trung Quốc, thời gian giữa các lần hiến huyết tương không được ít hơn 14 ngày và tổng số lần hiến không vượt quá 24 lần/năm. (Ảnh: Shutterstock)
Ngày 18/3, công ty lấy huyết tương của Zhao Wei vẫn khẳng định họ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, thậm chí tuyên bố rằng các cơ quan chức năng đã vào cuộc và nếu có bất kỳ thủ tục nào không phù hợp, hành động pháp lý có thể được thực hiện.
Cơ quan y tế địa phương cho biết họ đang vào cuộc điều tra.
Vụ việc này đang gây làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người yêu cầu cơ quan chức năng sớm đưa ra câu trả lời rõ ràng. "Đây không phải hiến máu mà là hành động mua bán huyết tương", một cư dân mạng bình luận và rất nhiều người khác có ý kiến tương tự.
"Dụ dỗ người hiến máu dẫn đến chết người là vấn đề nghiêm trọng. Công ty thu thập huyết tương này phải bị trừng phạt nghiêm khắc”, "Tại sao hiến máu nhiều như vậy khi còn quá trẻ? Mất mát này quả là một bi kịch đau lòng”.... là các bình luận khác.