Sáng 9/12, đại biểu HĐND Hà Nội dành nhiều thời gian chất vấn về công tác xử lý chất thải và thoát nước trên địa bàn thành phố.
Trả lời về xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp của thành phố, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố còn 27 cụm công nghiệp chưa có hệ thống nước thải tập trung. Việc bố trí các trạm xử lý nước thải cho 27 cụm này gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất, các địa phương xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến chủ đầu tư còn chây ỳ.
Về các giải pháp thời gian tới, Sở Công Thương đề xuất đối với các cụm công nghiệp trong quy hoạch mà còn đất mở rộng giai đoạn 2 thì chủ đầu tư phải làm trạm xử lý nước thải và kết nối với giai đoạn 1 để toàn bộ khu đó liên hoàn hệ thống xử lý nước thải.
"Đối với những cụm không còn diện tích đất thì đề nghị UBND thành phố giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các đơn vị liên quan rà soát đánh giá thực trạng và xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo mô hình container như ở Yên Nghĩa đang thực hiện, hoặc nếu không còn quỹ đất nữa thì làm theo hệ thống hạ ngầm", bà Trần Thị Phương Lan cho hay.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ. (Ảnh: An Ninh Thủ Đô).
Quan tâm vấn đề thoát nước, các đại biểu Phạm Hải Hoa (Tổ huyện Mỹ Đức), Nguyễn Ngọc Việt (Tổ huyện Mỹ Đức) đặt câu hỏi vì sao Trạm bơm Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) chậm triển khai; hiện có nhiều tuyến kênh mương trước đây chỉ phục vụ cho nông nghiệp nhưng quá trình đô thị hóa, nhiều cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị đã biến kênh mương làm nơi thoát nước. Đại biểu Việt đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thực trạng và giải pháp tham mưu cho thành phố trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, ngày 18/6/2021, UBND thành phố có chủ trương giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban quản lý Dự án xây dựng chủ trương xây dựng trạm bơm Liên Mạc. Đây là trạm bơm lớn, với công suất dự kiến 170m3/s. Trạm bơm này làm 2 nhiệm vụ lấy nước sông Hồng cấp cho sông Nhuệ và tiêu thoát nước trong đô thị từ trong nội thành ra sông Hồng. Đây là công trình hết sức phức tạp vì nằm trên tuyến đê sông Hồng qua nội thành.
Ngoài ra, công trình còn liên quan đến hệ thống điện rất lớn, nên cần xin ý kiến của Tổng Công ty Điện lực và Sở Công Thương để đấu cấp điện cho trạm bơm.
"Các đơn vị đã báo cáo và hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo thẩm định hoàn thiện hồ sơ. Các quy trình để hoàn tất thủ tục tiếp theo có thể mất một năm rưỡi. Vì vậy, nhanh nhất phải đến giữa năm 2024 mới có thể thi công dự án và cuối năm 2025 mới hoàn thành", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin thêm.
Ông Chu Phú Mỹ cũng cho biết, hiện nay, các hệ thống kênh mương ở các huyện ven đô như Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh… không còn nhiệm vụ tiêu cho sản xuất nông nghiệp nữa, mà chủ yếu tiêu thoát nước cho khu dân cư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn.
Những vấn đề trên được Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn khẳng định, hiện nay, thực trạng thoát nước đảm bảo chỉ nằm trong khu vực 8 quận nội thành thuộc lưu vực sông Tô Lịch, đáp ứng cơ bản cho các trận mưa.
Thời gian vừa qua, thành phố đã triển khai được 10 trạm bơm. Cũng giống như xử lý nước thải, thành phố vừa tập trung đầu tư công kết hợp với xã hội hóa lĩnh vực thoát nước. Đến nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm theo nghị quyết của HĐND thành phố được tập trung ưu tiên cho các chủ đầu tư liên quan đến 8 trạm bơm tiêu thoát, tiêu thoát tự động, nhằm giải quyết cao độ hơn để xử lý chống úng ngập.
Bên cạnh đó, thời gian, qua UBND thành phố cũng đã ra thông báo giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng sở, ngành khác phải có giải pháp căn cơ lâu dài. Trong đó, giao Công ty Thoát nước Hà Nội nghiên cứu giải pháp thoát nước thông minh, đô thị thông minh trong thoát nước đô thị, xây dựng bản đồ số hóa các điểm ngập lụt, có giải pháp liên thông đề xuất vận hành các hồ điều hòa.
"Trên cơ sở phối hợp giữa các sở, ngành, công tác kiểm tra lại các thiết kế kỹ thuật như kích thước cống, rãnh thoát nước, cao độ cốt nền cần làm ngay, nhằm khắc phục trường hợp sai thiết kế, sai quy hoạch, chưa phù hợp", ông Tuấn lưu ý.